Tổng thống Jimmy Carter, giáo lý viên nổi tiếng nhất thế giới

29

Tổng thống Jimmy Carter, giáo lý viên nổi tiếng nhất thế giới

Ngày chúa nhật 29 tháng 12 năm 2024, Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ Jimmy Carter qua đời, thọ 100 tuổi. Là tín hữu Tin lành, mộ đạo, ông là Tổng thống đầu tiên tuyên bố mình là người tín hữu kitô “tái sinh”.

la-croix.com, Youna Rivallain, 2024-12-30

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter dạy giáo lý tại giáo xứ Baptist Plains, Georgia tháng 8 năm 2015. David Goldman / AP

Tổng thống Jimmy Carter qua đời ngày chúa nhật 29 tháng 12. Đúng vào ngày chúa nhật với người suốt đời dạy ở Trường Chúa nhật – Sunday School – tại giáo xứ Baptist của ông ở Plains, Georgia. Ông là Tổng thống Mỹ từ năm 1977 đến năm 1981. Sống ở Plains từ năm 1961, ông dạy giáo lý ở đây và có nhiều người ở các tiểu bang khác đến dự buổi dạy của ông.

Ngay từ khi còn nhỏ, đức tin là trọng tâm hành trình của ông. Là con của người nông dân trồng gỗ, trồng bông, trồng đậu phụng, ông lớn lên trong gia đình truyền giáo nhiệt thành.

Năm 18 tuổi, ông học phó tế và là giáo lý viên ở Nhà thờ Baptist Maranatha, thị trấn nhỏ Georgia có 500 người dân. Ở Plains cũng như ở Washington DC, ông dạy giáo lý ngày chúa nhật hơn 1.000 lần, kể cả thời gian ông làm Thống đốc bang Georgia (từ năm 1971 đến năm 1975) và sau đó là tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ.

 “Thách thức Carter”

Sau mỗi giờ học, “Mister Jimmy” luôn đưa ra một thách thức cho học sinh của mình: làm một điều tốt cho người khác: “Bất cứ việc gì, gọi điện thoại thăm hỏi người bạn đang buồn hay cô đơn, cắt cỏ cho người lớn tuổi hay đơn giản nướng bánh cho người láng giềng; qua hành động yêu thương đơn giản, cùng nhau làm, những cử chỉ nhỏ này có thể thay đổi thế giới,” Nhà thờ Baptist Maranatha viết trên trang web của họ, họ gọi thói quen rao giảng này là “Thách thức Carter”.

Bản thân ông áp dụng Thách thức này cho đến những ngày cuối đời, ông tự nhận mình là người giúp việc cho người anh em, cho nhà thờ. Ông cố gắng áp dụng nguyên tắc này trong suốt sự nghiệp, ông tìm cách đặt đạo đức vào trọng tâm đời sống chính trị – đặc biệt là ở tầm mức quốc tế. Bất chấp nhiệm kỳ tổng thống khó khăn, đánh dấu bằng cuộc khủng hoảng kinh tế và giải quyết vụ con tin tại đại sứ quán Mỹ ở Teheran, ông vẫn nổi bật với cam kết của ông, với các mục tiêu như phong trào nhân quyền cũng như thúc đẩy hòa bình.

Nobel Hòa bình

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, ông thành lập Trung tâm Carter, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Atlanta với mục tiêu “thúc đẩy nhân quyền và giảm bớt đau khổ”. Năm 2002, ông nhận giải Nobel Hòa bình vì “nhiều thập kỷ làm việc nhằm tìm giải pháp hòa bình cho các xung đột quốc tế, thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, phát triển kinh tế và xã hội”.

Dù nhất quyết tách đức tin tôn giáo ra khỏi chính trị, nhưng ông vẫn nói Chúa Giêsu là động lực của cuộc đời ông. Trong quyển sách phỏng vấn với tác giả và diễn giả kitô giáo người Canada Don Richardson xuất bản năm 1998, ông kể khi còn nhỏ, ông nhận ảnh hưởng sâu đậm khi ông nghe bài giảng có thông điệp: “Nếu bạn bị bắt vì theo đạo, liệu họ có đủ bằng chứng để kết tội bạn không?”

Người làm thuật ngữ “tái sinh” trở thành phổ thông

Ông cũng được biết đến là người dùng thuật ngữ “tái sinh” trong giới chính trị và truyền thông – một thuật ngữ dùng để biểu thị sự chuyển đổi mà một số người đã có kinh nghiệm khi họ trở lại kitô giáo – thuật ngữ hiện được dùng rộng rãi để nói đến các tín hữu Tin lành. Từ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1976, khi ông chưa được nhiều người biết đến, ông đã tự xác định mình như vậy và dùng từ ngữ này khi nó chưa được công chúng biết đến.

Là người ủng hộ chủ nghĩa truyền giáo tiến bộ, năm 2000, ông tuyên bố rời khỏi Công ước Baptist Nam, giáo phái Tin lành lớn nhất Mỹ vài tháng sau khi tổ chức này quyết định từ chối chức mục sư nữ. Ông lập luận cho quyết định của mình: “Đường lối ngày càng cứng nhắc này đi ngược các nguyên tắc cơ bản về đức tin kitô của tôi.”

Không được sự nhất trí của các kitô hữu

Ông không được sự nhất trí của các tín hữu Tin lành. Dù cá nhân phản đối việc phá thai, nhưng ông ủng hộ việc hợp pháp hóa phá thai sau quyết định của Tòa án Tối cao năm 1973 trong vụ Roe kiện Wade, tôn trọng quyền phá thai của phụ nữ. Trong nhiệm kỳ thống đốc Georgia, ông ủng hộ các chương trình Kế hoạch Gia đình, Planned Parenthood kể cả thủ tục phá thai. Tuy nhiên, khi làm Tổng thống, ông không ủng hộ việc tăng chi tiêu liên bang cho cơ sở hạ tầng phá thai – vì thế ông bị chỉ trích.

Nhưng đó cũng là cuộc phỏng vấn với tạp chí Playboy gây tranh cãi năm 1976 trong chiến dịch tranh cử tổng thống, đã tạo sự bất đồng nơi các tín hữu kitô ủng hộ ông. Trong số các vấn đề khác như tầm quan trọng của sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước hay di sản tôn giáo Baptist của ông, tổng thống tương lai thừa nhận đã phạm tội “ngoại tình trong lòng nhiều lần”, ám chỉ lời Chúa Giêsu trong Phúc âm Thánh Mát-thêu: “Bất cứ người đàn ông nào nhìn người phụ nữ với lòng ham muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người đó rồi.”

Sau đó trong phạm vi truyền giáo, nhiều người buộc tội ông, không phải vì ông có những suy nghĩ không trong sạch, nhưng đã nói chúng trong bối cảnh công cộng. Vào thời điểm đó, mục sư bảo thủ và nhà truyền giáo Jerry Falwell nói với tờ Washington Post: “Trước cuộc phỏng vấn, hầu hết những người tôi biết đều ủng hộ Carter. Bây giờ họ đã thay đổi hoàn toàn.”

Là tông đồ nhiệt thành của hòa bình và đối thoại, ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên đón Đức Gioan Phaolô II đến Nhà Trắng năm 1979. Tạp chí Time thời đó viết: “Chỉ cách đây hai thập kỷ, một sự kiện như thế không thể có được trong chính trị Hoa Kỳ.”

Trong một thông điệp, Đức Phanxicô cho biết ngài “rất đau buồn” trước cái chết của cựu Tổng thống Mỹ, người “kiên định cam kết hòa bình”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch