Vì sao chúng ta phẫn nộ trước sự khủng khiếp của Đức Quốc xã và thinh lặng trước những khủng khiếp của chế độ cộng sản

46

Vì sao chúng ta phẫn nộ trước sự khủng khiếp của Đức Quốc xã và thinh lặng trước những khủng khiếp của chế độ cộng sản

lanef.net, Chantal Delsol, 2024-12-20

Bà Chantal Delsol, triết gia, nhà văn Pháp. Bà thành lập Viện Hannah Arendt năm 1993 và trở thành thành viên của Viện Khoa học Chính trị và Đạo đức năm 2007, bà làm chủ tịch Viện này năm 2015.  

Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Quốc xã: vì sao có sự khác biệt trong cách đối xử?

Sự khác biệt trong cách đối xử giữa Chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Cộng sản luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Nửa thế kỷ qua, chúng ta chỉ phẫn nộ trước nỗi kinh hoàng của Đức Quốc xã, trong khi nỗi kinh hoàng của Chủ nghĩa Cộng sản trôi qua trong im lặng. Chúng ta sẽ không bao giờ ngừng trích dẫn vô số phim về các trại diệt chủng người Do thái Shoah, trong khi các trại cải tạo của Chế độ Cộng sản gần như không được chú ý. Một số tác giả đích thực và ít hèn nhát như Ernst Nolte đã bị phỉ báng khi họ cả gan nói, Hitler tìm các phương pháp khủng khiếp của ông nơi Stalin, hoặc chế độ Xô Viết làm nhiều người chết hơn chủ nghĩa Quốc xã. Chủ nghĩa Manikêô nhị nguyên luôn dai dẳng nói ma quỷ ở  trong Chủ nghĩa Quốc xã và trong Chủ nghĩa Xô viết, họ mong muốn điều tốt đẹp cho con người nên đã ngây thơ lạc lối…

Làm thế nào để giải thích điều này? Chắc chắn là từ nguồn gốc của mỗi chế độ toàn trị. Để hiểu, chúng ta phải quay về lại nguồn gốc của tính hiện đại, tức là về thế kỷ 18, thời kỳ của các cách mạng. Phong trào giải phóng làm rung chuyển phương Tây được cho là lời hứa hẹn cho hạnh phúc con người. Ở phương Tây, vào thế kỷ 19 phong trào Khai sáng đã làm nảy sinh một phong trào rộng lớn mà sử gia Olivier Grenouilleau gọi là cuộc đạo đức hóa thế giới: xóa bỏ chế độ nô lệ, đấu tranh chống nghiện rượu, giải phóng phụ nữ, đấu tranh chống hình phạt, tra tấn, án tử hình, v.v. Đồng thời ở Đức bắt đầu nổi lên phong trào phản Khai sáng giữa Jacobi và Herder: họ mong muốn cứu vãn các truyền thống tôn giáo và đạo đức. Nhưng hai phong trào này lại hội tụ với nhau trong thế kỷ 20, thông qua sự trầm trọng, mỗi phong trào có một thái cực riêng. Chủ nghĩa Cộng sản đại diện cho sự cực đoan của Khai sáng; Chủ nghĩa Quốc xã đại diện cho sự cực đoan của phản Khai sáng. Chủ nghĩa Cộng sản phát minh ra một điều không tưởng về việc giải phóng hoàn cầu. Chủ nghĩa Quốc xã cũng phát minh ra một điều không tưởng bằng cách muốn khôi phục lại những truyền thống tưởng tượng – muốn quay về quá khứ cũng không tưởng, cũng như việc hướng tới một tương lai lý tưởng hóa: chúng ta có thể yêu quá khứ, nhưng trong mọi trường hợp, chúng ta sẽ không quay lại đó.

Dĩ nhiên cả hai đều trở nên điên loạn và kinh hoàng. Nhưng vì  muốn giải phóng quá mức, chủ nghĩa cộng sản không bị căm thù: chắc chắn là do chủ nghĩa cộng sản thiếu chừng mực – xuất phát từ lòng trắc ẩn với con người. Ngược lại, với tư cách kẻ quá khích phản Khai sáng, chủ nghĩa Quốc xã bị cho là tay sai của Satan. Chính danh tiếng đặc biệt mà thời kỳ Khai sáng ở phương Tây có được đã giải thích sự khác biệt trong cách đối xử giữa hai chế độ toàn trị. Đương nhiên sự khác biệt trong cách đối xử này là không trung thực, không chính đáng, nhưng nó có nguyên nhân.

Tôi muốn thêm một điểm. Khoảng mười năm trước, tôi được mời tham dự một hội nghị ở biên giới Ba Lan và Ukraine về sự giống nhau của hai chế độ toàn trị, có một phần ba người Nga, một phần ba người Ba Lan và một phần ba người Đức. Sau ba ngày thảo luận về chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Cộng sản giống nhau như thế nào, trong bữa ăn chia tay, một người Nga được mời hát với cây đàn guitar. Ông hát một bài hát cổ của chủ nghĩa Lênin trong đó nói người Ba Lan phải bị bắt làm nô lệ và bị giết bằng bạo lực cực độ, và trước sự ngạc nhiên của tôi, người Ba Lan bắt đầu hát với người Nga, đầy vui sướng – một số còn leo lên bàn để hát, chân gõ nhịp. Tôi xin được phát biểu và hỏi liệu chúng tôi có thể yêu cầu người Đức cùng hát một bài hát của Đức Quốc xã hay không: đúng như tôi dự đoán, tất cả người Đức đều chúi mũi vào đĩa thức ăn của họ. Vì thế tôi hỏi họ, vì sao hai chế độ toàn trị, những điểm giống nhau như họ vừa chứng minh trong ba ngày, lại đối xử khác nhau đến vậy. Họ cho tôi biết lý do, họ nói chủ nghĩa Quốc xã chỉ tồn tại 12 năm trong đời sống con người nên chỉ là dấu ngoặc đơn, rõ ràng là khủng khiếp, nhưng chúng ta có thể xóa bỏ dấu ngoặc đơn ra khỏi đời mình. Trong khi chủ nghĩa cộng sản đã tồn tại hơn nửa thế kỷ: thời gian để con người được nghe lời ru của mẹ, được đến trường, được yêu thương, được lập gia đình, được thấy mái tóc bạc trắng của mình… Tóm lại: cả cuộc đời, và mỗi người chỉ có một cuộc đời nên không thể nói mọi thứ đều ảm đạm và khủng khiếp. Chúng tôi nhớ có những khoảng thời gian tươi đẹp dưới chế độ cộng sản vì đó là tất cả những gì chúng tôi có. Tôi nghĩ điều này phần nào giải thích vì sao người Nga không bác bỏ chủ nghĩa cộng sản như cách người Đức bác bỏ chủ nghĩa nazi. Chế độ này kéo dài đến mức nó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Dĩ nhiên chúng ta phải thêm vào đó chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa này ngăn cản họ phán xét chế độ của chính mình và cấm họ thực sự biết chuyện gì đã xảy ra để học hỏi từ đó, như ở Đức.

Phe cực tả và cực hữu nhận được những ưu ái hoặc phản đối giống như các chế độ toàn trị tương ứng. Việc ghi nhận hoặc làm mất uy tín liên quan chỉ mang tính biểu tượng và không còn liên quan đến thực tế nữa. Chúng ta đang ở trong huyền thoại.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch