Đức Phanxicô: Lòng mộ đạo bình dân là hệ thống miễn dịch của Giáo hội

46

Đức Phanxicô: Lòng mộ đạo bình dân là hệ thống miễn dịch của Giáo hội

Đức Phanxicô trước tượng Đức Mẹ Lujan bổn mạng của Argentina ngày 8 tháng 5 năm 2024 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Radio Vatican

vaticannews.va, Marie Duhamel, 2024-12-13

Ngày chúa nhật 15 tháng 12, Đức Phanxicô sẽ đến đảo Corsica để dự lễ bế mạc Hội nghị về lòng mộ đạo bình dân ở Địa Trung Hải, đây là chuyến đi thứ hai của ngài đến Pháp trong chưa đầy hai năm. Ngài thấm nhuần những biểu hiện đức tin thể hiện bên ngoài phụng vụ, ngài xem đây là điều hữu ích. Phỏng vấn giáo sư tiến sĩ thần học Véronique Lecaros, Đại học Strasbourg.

Hơn một năm sau chuyến tông du Marseille, Đức Phanxicô sẽ trở lại Pháp ngày 15 tháng 12, ngài đến thành phố Ajaccio, đảo Corsica, lần đầu tiên hòn đảo ở bờ biển Địa Trung Hải đón một Giáo hoàng. Hai ngày trước sinh nhật lần thứ 88, Đức Phanxicô đến hòn đảo ở miền Nam Châu Âu để thấy sự gắn bó mạnh mẽ của người dân với truyền thống tôn giáo của họ.

Đến từ tận cùng thế giới, Đức Phanxicô thấm nhuần sâu đậm mối liên hệ với Chúa bên ngoài các bí tích. Giáo lý viên đầu tiên của ngài là bà nội Rosa, khi còn nhỏ bà nhắc ngài quỳ gối trên đường phố khi thành phố tổ chức rước kiệu Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.

Giáo sư thần học Véronique Lecaros, Đại học Công giáo Lima, Pêru thảo luận về các biểu hiện của lòng mộ đạo bình dân ở Châu Mỹ Latinh và sự gắn bó chặt chẽ của Đức Phanxicô với lòng mộ đạo này, ngài xem đây là “hệ thống miễn dịch của Giáo hội”.

Lòng mộ đạo bình dân phổ biến ở Châu Mỹ Latinh và ở Argentina quê hương Đức Phanxicô được được thể hiện như thế nào?

 Giáo sư thần học Véronique Lecaros: Cái gọi là “bí tích” là một phần của lòng đạo đức bình dân. Đó là tầm quan trọng không chỉ dành cho các bí tích, nhưng còn với các cuộc rước, hành hương, tôn kính các thánh, các “bí tích” này có mặt khắp nơi và rất mạnh ở Châu Mỹ Latinh. Làm phép mọi thứ: làm phép nhà,  xe cộ, cơ sở kinh doanh, những thứ không liên quan gì đến tôn giáo. Một ngày nọ, tôi tình cờ đến trường đua và thấy một linh mục được mời đến để làm phép cho các con ngựa trước khi đua.

Có lẽ nên nghĩ không có tách biệt giữa thiêng liêng và thế tục như ở các nước thế tục hóa. Ở Châu Mỹ Latinh, sự hiện diện của thần linh, thiên thần, các thánh là cụ thể, là sờ thấy được. Người dân thường nói: “Hôm nay nhờ Chúa, mọi việc xảy ra tốt đẹp với tôi.” Chúa hiện diện thực sự. Các nhà nghiên cứu gọi đây là “mê hoặc”.

Như thế tôn giáo đại chúng vẫn gắn liền với văn hóa địa phương?

Với văn hóa, đúng. Giáo sư Olivier Roy đã nói: “Tôn giáo không có văn hóa là sự ngu dốt thánh thiện.” Đúng vậy, tôn giáo phổ biến có nguồn gốc từ những truyền thống có niên đại hàng thiên niên kỷ ở Châu Mỹ Latinh, nhưng rất sáng tạo. Tôn giáo liên tục phát triển, luôn có những đối tượng đức tin mới, những người mới để cống hiến và một số người hoàn toàn không được Giáo hội chấp nhận. Ở Argentina, đó là Gaucho Gil. Mỗi quốc gia ở Châu Mỹ Latinh đều có những đặc điểm riêng.

Cuộc hành hương đến thánh địa Đức Mẹ Lujan ở Argentina.

Trong bối cảnh này, hai nền thần học về giải phóng và về dân tộc đã phát triển trong những năm đào tạo của Jorge Mario Bergoglio và sau đó khi ngài làm Giám đốc Tập viện, làm Giám tỉnh Dòng Tên. Điều gì đã gắn kết, đã chia cắt, đặc biệt với lòng đạo đức bình dân?

Tất cả lời nói cử chỉ của ngài với người di cư, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, tất cả những biểu hiện quan tâm đến người nghèo tạo nền tảng chung của hai nền thần học, cũng như sự chú ý đến những điều cụ thể. Cố Linh mục Gustavo Gutierrez, người sáng lập thần học giải phóng luôn nói: “Triết học xuất phát từ sự quan tâm đến người khác.” Sau đó là sự chú ý đến sinh thái được thêm vào, sinh thái chưa được đề cập đến trong những năm 60 và 70.

Sự khác biệt lớn nhất là mối quan hệ với lòng đạo đức bình dân. Trong thần học giải phóng, chúng tôi cho rằng lòng mộ đạo này  tượng trưng cho một không gian đức tin, nhưng cũng có thể đó là một ý tưởng, một lối thoát có thể ngăn cản hành động vì cho rằng Chúa sẽ giải quyết những khó khăn của chúng ta. Nhưng trong thần học dân gian thì không phải vậy, chúng tôi tin rằng lòng mộ đạo bình dân, sự khôn ngoan bắt nguồn từ dân Chúa, một hình thức thần bí gắn liền với ý tưởng này về một dân tộc.

Điều đó nói lên rằng, ở đâu thần học giải phóng phát triển thì ở đó có lòng đạo đức bình dân. Và sau đó có một sự thay đổi theo hướng được chấp nhận nhiều hơn.

Năm 2007, các giám mục Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê đã gặp nhau tại thánh địa Aparecida để xác định các định hướng mục vụ của tiểu lục địa. Hồng y Bergoglio là người biên tập tài liệu cuối cùng. Ngài viết lòng đạo đức bình dân là sống đức tin một cách hợp lý. Ý của ngài là gì?

Sự mất lòng tin lớn lao vào tôn giáo bình dân có lẽ đã mất từ nhiều thế kỷ nay. Từ lâu tất cả những câu chuyện về lòng đạo đức bình dân, về những đối tượng sùng đạo đều bị bác bỏ trước khi được giới giáo sĩ công nhận. Có thể nói có một sự tiến hóa dần dần từ những năm 1980.

Nhưng có một hiện tượng phải được tính đến khi chúng ta nói về Châu Mỹ Latinh, đó là sự phát triển của các nhóm truyền giáo và sự chỉ trích chính xác với lòng đạo đức bình dân. Đây là nơi nó phát huy tác dụng. Ở Aparecida, một số suy tư của Hồng y Bergoglio cho thấy ngài nhìn rõ lòng đạo đức bình dân vì nó là một điều gì đó rất sâu thẳm trong trái tim, một cái phanh, một rào cản đối với các nhóm truyền giáo. Trong bối cảnh này, Giáo hội cho rằng cái tốt nhất, sức mạnh lớn nhất của đạo Công giáo là văn hóa, lòng đạo đức bình dân. Đặc biệt vì nếu chúng ta đọc kỹ văn bản Aparecida, Hồng y Bergoglio lưu ý có một sự mất mát: truyền thống không còn được truyền lại dễ dàng từ thế hệ này sang thế hệ khác nữa. Đặc biệt do việc di cư, di dời nông thôn và các ưu tiên khác.

Với tôi, một điều nữa cũng rất quan trọng khi chúng ta nói về sự khôn ngoan của thần học dân tộc. Đó là tình đoàn kết, đặc biệt là giữa chính những người nghèo, một chủ đề rất thời sự và theo tôi, rất cần thiết với Đức Phanxicô.

Thông thường, khi ngài nói về lòng đạo đức bình dân, ngài nói đó là một cách để Thiên Chúa mạc khải chính mình, đó là những biểu hiện của đời sống thần học, đó là cách để hoàn thành ơn gọi truyền giáo. Liệu chúng ta có thể nói ở Châu Mỹ Latinh lòng đạo đức bình dân là công cụ truyền giáo không?

Trên thực tế, về mặt văn hóa đây là công cụ vì đã giúp giáo dân duy trì một đức tin sống, giúp chúng ta giữ được cội rễ, được văn hóa đối diện với các tôn giáo khác, với tình trạng thế tục hóa, với chủ nghĩa tiêu dùng mà Đức Phanxicô lên án. Tôi nghĩ đây không phải là vấn đề truyền giáo theo nghĩa trở lại nhưng duy trì một văn hóa, làm cho nó phát triển, không bị động.

Đền thánh Aparecida ở Brazil.

Tại thánh đường Aparecida, Hồng y Bergoglio đã nói về lời cầu nguyện của những người đã làm rung chuyển, thậm chí gánh vác công việc của các giám mục. Năm 2001, trong Thượng Hội đồng về vai trò của các giám mục tại Vatican, ngài nói về tầm quan trọng của việc mục tử phải ngửi được mùi của đàn chiên mình. Vì vậy, theo ngài, các giáo sĩ có cần thiết phải là trọng tâm của lòng mộ đạo bình dân này không?

Với người Châu Âu chúng tôi, chúng tôi rất cảm kích khi thấy Đức Phanxicô đặt tầm quan trọng cho sự dịu dàng. Đó là điều rất mạnh ở Châu Mỹ Latinh, cách diễn tả tình cảm, dịu dàng, quan tâm đến người khác, tình liên đới, tất cả những đức tính mà thần học dân tộc xem trọng.

Khi ngài còn là Hồng y, ngài luôn gần gũi với người dân ở các khu phố nghèo, các cha xứ trong các khu dân cư của người lao động ở Buenos Aires. Ngài còn thành lập một giáo hạt riêng cho họ. Vì vậy với ngài, lòng mộ đạo này rất cần thiết. Và với đồng nghiệp của tôi là bà Ana Lourdes Suárez, giáo sư xã hội học tại Đại học Công giáo Argentina ở Buenos Aires, chúng tôi nhấn mạnh việc củng cố lòng mộ đạo bình dân đã mang lại một vai trò đặc biệt như thế nào cho các linh mục vì mọi thứ đều phải được chúc phúc.

Linh mục Pepe di Paola cử hành thánh lễ tại một trong những khu phố nghèo ở Buenos Aires.

Giáo sư nói đến nguy cơ của chủ nghĩa tân-giáo sĩ và nhấn mạnh một hiện tượng khác mà Đức Phanxicô nhận thức rõ: nguy cơ bị thao túng, nguy cơ khôi phục lòng đạo bình dân của các nhóm có lợi ích kinh tế hoặc chính trị. Hồng y Bergoglio đã nói về việc thanh lọc cần thiết cho cách thể hiện đức tin này.

Đúng vậy, việc đánh giá lại lòng đạo đức bình dân đòi hỏi phải sàng lọc lại. Nếu chú ý kỹ, chúng ta sẽ thấy có những sai sót. Ví dụ trường hợp Santa Muerte, bộ xương ăn mặc như một phụ nữ đến từ Mêxicô và đang lan rộng khắp mọi nơi khác. Nhưng đó là thánh của những kẻ buôn bán ma túy, của tất cả những kẻ phạm tội hình sự.

Tại biên giới với Hoa Kỳ, những ai có hình xâm này đều bị bắt vì họ bị nghi ngờ mua bán ma túy. Vì vậy, bây giờ những kẻ buôn người đều đeo tràng hạt. Có những tội phạm khác xâm hình Chúa Kitô và Đức Mẹ trên lưng vì họ nghĩ sẽ không ai dám bắn Chúa Kitô hay Đức Mẹ. Cũng có những sát thủ cầu nguyện cho công việc của họ diễn ra tốt đẹp trong cái mà họ gọi là “công việc của mình” trước khi họ đi giết người.

Nhưng Đức Phanxicô đã làm công việc thanh lọc này kể từ đầu triều của ngài chưa?

Ngài đã làm, ngài rất can đảm khi nói về mafia ở miền nam nước Ý, ngài nói không thể dùng tiền kiếm được từ ma túy để đóng góp vào các buổi lễ thờ phượng, các cuộc rước kiệu, đây là  rửa tiền, rửa linh hồn. Theo tôi, một thanh lọc tâm hồn là cần thiết khi chúng ta biết Đức Phanxicô gắn bó với lòng đạo đức bình dân này.

Cuối cùng, bằng trực giác, liệu chúng ta có thể nói rằng công việc vĩ đại này được thực hiện bởi tính đồng nghị để lắng nghe dân Chúa nhằm xác định những hướng đi cho Giáo hội ngày mai bắt đầu từ lòng đạo đức bình dân không?

Vẫn còn một hình thức tân-giáo sĩ trị trong lòng đạo đức nhưng đúng là có sự lắng nghe. Tôi sẽ nói là có, nhưng chúng ta phải đi qua trung gian của cảm thức đức tin, chủ đề chính đầu tiên của Đức Phanxicô và cũng là chủ đề thần học về dân tộc. Điều đó có nghĩa là con người, với tư cách là một dân tộc, có khả năng nhận thức. Vì vậy, thông qua tinh thần này, chúng ta sẽ đến được.

Marta An Nguyễn dịch

Các hướng đạo sinh đảo Corsica làm hàng rào danh dự cho Đức Phanxicô trong buổi lễ tại Casone

Đức Phanxicô đến Corsica: những thách thức của chuyến đi lịch sử