“Quyền lực mềm” của ngoại giao Vatican
Tổng giám mục Paul Richard Gallagher | © Truyền thông Vatican
cath.ch. Lucienne Bittar, 2024-11-13
Trong cuộc họp tại Trung tâm nghiên cứu Ngoại giao của Đại học Công giáo Lubin ở Ba Lan ngày 12 tháng 11 năm 2024, Tổng giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng bộ Ngoại giao tuyên bố: “Vì không phụ thuộc vào các liên minh chính trị, nên nền ngoại giao Vatican thực thi một ‘quyền lực mềm’ đạt được kết quả mà ngay cả những nhà cầm quyền mạnh nhất thế giới phải chật vật mới có thể có được. Chính vì không có sức mạnh quân sự riêng nên Vatican có vị thế đặc biệt của một trung gian hòa giải trung lập trong thế giới đương đại.”
Ngài nhấn mạnh: “Đội cận vệ Thụy Sĩ bảo vệ Đền thờ Thánh Phêrô và bảo vệ Giáo hoàng nhưng Đội không phải là một lực lượng quân sự, tính năng này có tác dụng hữu ích của nó. Vì chính sách đối ngoại của Vatican dựa trên các giá trị luân lý và đạo đức, nhằm mục đích thúc đẩy hòa bình và ổn định quốc tế.”
Ngoại giao nhân ái
Ngoại giao của Vatican là ngoại giao của lòng thương xót, được hiểu như một cam kết chính trị đích thực của tình đoàn kết, nhằm thúc đẩy lợi ích chung. Đây không phải là một mục tiêu trừu tượng nhưng Vatican thực hiện các hành động cụ thể như xóa nợ nước ngoài, thúc đẩy các chính sách hợp tác, phát triển hoặc nâng cao phẩm giá con người, ngay cả khi đối diện với những tội ác nghiêm trọng như án tử hình.
Mối quan tâm chính của Giáo hoàng là cam kết với các nạn nhân của các vụ xung đột trên toàn thế giới, vì thế Tòa Thánh tham gia tích cực vào các cam kết nhân đạo để hỗ trợ các nỗ lực nhằm đổi mới đời sống xã hội ở những nơi xa xôi và thường bị lãng quên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đoàn tụ gia đình của các trẻ vị thành niên và trao đổi tù nhân, người bị thương, thi thể của những người bị thiệt mạng trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Cam kết giải trừ vũ khí toàn cầu
Một yếu tố quan trọng khác trong chính sách đối ngoại của Vatican là cam kết giải trừ vũ khí và cấm sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong quá khứ, Đức Phanxicô đã nhiều lần tố cáo việc chi tiêu quân sự quá lớn của nhiều quốc gia cũng như sự vô đạo đức của vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân. Ngài đề xuất một quỹ quốc tế vì hòa bình, bảo đảm lương thực và phát triển, dùng mọi nguồn lực để xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình hơn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch