Với linh vật Luce, Vatican áp dụng văn hóa hồn nhiên dễ thương kawaii của Nhật

57

Với linh vật Luce, Vatican áp dụng văn hóa hồn nhiên dễ thương kawaii của Nhật

aleteia.org, Pierre Téqui, 2024-11-05

Linh vật Năm Thánh 2025 tiếp tục thu hút sự chú ý. Nhà sử học nghệ thuật Pierre Téqui giải thích, dù nguồn cảm hứng linh vật Luce của Nhật có được yêu thích hay không, nhưng truyền thống công giáo luôn hướng tới Giáo hội hoàn vũ, chứ không chỉ tuyền văn hóa truyền thống châu Âu.

Ngày 28 tháng 10, Tổng giám mục Rino Fisichella, phụ trách Năm Thánh 2025 giới thiệu linh vật Luce trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Trong tiếng Ý Luce có nghĩa là ánh sáng. Linh vật Luce được bà Simone Legno sáng tạo, bà trình bày chi tiết các biểu tượng nhân vật Luce trên trang Instagram: ánh sáng trong đôi mắt hình con sò tượng trưng cho tầm nhìn về ánh sáng thần thánh và hành trình hướng tới; Kinh Mân Côi là đời sống thấm nhuần trong lời cầu nguyện; đôi ủng bẩn là những khó khăn trên hành trình; áo mưa thủy thủ tượng trưng cho sự che chở thần thánh trước giông bão cuộc đời, màu vàng là màu của Tòa Thánh.

Một thành công thực sự

Luce có nhiều chuyện để cha mẹ kể cho con nghe trước khi đi ngủ. Với Luce, ai cũng có thể dùng tài năng vẽ hoặc dùng trí tuệ nhân tạo để chỉnh sửa hình ảnh, tái tạo, biến đổi thành nhiều hình thức khác nhau. Trên tài khoản Twitter, Linh mục Matthew P. Schneider cho biết vừa mới được tạo ra, Luce đã tìm được chỗ đứng của mình.

Linh vật Nhật Bản

Năm Thánh không chỉ dành cho người Pháp, người châu Âu, ban tổ chức dự kiến sẽ có hơn 32 triệu du khách trên thế giới, kể cả các du khách Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật sẽ về Rôma dịp này. Linh vật thường được phổ biến rộng rãi ở Âu châu trong mọi sự kiện từ thể thao, thương hiệu hoặc bất cứ sự kiện nào nhằm mục đích củng cố bản sắc, thúc đẩy sự ủng hộ. Ngày nay, linh vật đóng vai trò trọng tâm trong xã hội hình ảnh và truyền thông.

Có nên nghĩ rằng Vatican nhượng bộ trước những tiếng còi báo động của truyền thông, bị Vatican cho là những chiếc vỏ rỗng, những khẩu hiệu rỗng tuếch không? Văn hóa thị giác rất quan trọng với người công giáo Nhật, họ dùng các linh vật hiện đại làm đại diện cho các thành phố, khu vực, doanh nghiệp, dịch vụ công cộng. Hàng năm đều có các cuộc thi cấp quốc gia để trao giải thưởng cho linh vật nào phổ biến nhất. Ngày nay linh vật có mặt khắp nơi, nói lên thông điệp về lòng tốt, giáo dục và hỗ trợ xã hội.

Hội nhập văn hóa

Các linh vật công giáo ở Nhật thường được các nhà thờ, giáo phận hoặc các hội đoàn dùng để mang lại cảm giác thân mật, thu hút giáo dân chú ý đến các hoạt động tôn giáo, giáo dục, văn hóa và cũng để khuyến khích cầu nguyện. Đó là trường hợp chân phước Justo Takayama Ukon được Đức Phanxicô phong chân phước năm 2017. Ông là một samurai Nhật trở lại đạo công giáo năm 1563. Xuất thân từ một gia đình quý tộc, được các cha Dòng Tên hướng dẫn, ông trở lại đạo công giáo. Khi nước Nhật ra luật chống Thiên chúa giáo, ông từ bỏ địa vị, đất đai chứ không từ bỏ đức tin. Năm 1614 ông bị đày đi Manila, vừa đến nơi, ông qua đời. Ở giáo phận Osaka, Justo-kun là linh vật dành riêng cho Chân phước Takayama Ukon.

Đó là hội nhập văn hóa: thông điệp và việc giữ đạo phải thích ứng với văn hóa địa phương, tôn trọng và đánh giá cao các biểu hiện văn hóa nhưng vẫn trung thành với thông điệp kitô giáo. Quá trình này bao gồm việc hội nhập đức tin vào một văn hóa cho phép các biểu tượng, truyền thống và cách diễn đạt văn hóa hòa hợp với giáo huấn và nghi lễ của Giáo hội.

Manga đã chiếm được cảm tình của giới trẻ nên Luce là linh vật có mọi cơ hội hòa nhập vào nền văn hóa của giới trẻ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch