Nhà vatican học Giovanni Maria Vian: “Quyền lực giáo hoàng sẽ không còn thực thi theo cách tương tự sau thời Đức Phanxicô”

69

Nhà vatican học Giovanni Maria Vian: “Quyền lực giáo hoàng sẽ không còn thực thi theo cách tương tự sau thời Đức Phanxicô”

lemonde.fr, Gaétan Supertino, 2024-10-06

Liệu Đức Phanxicô có phải là giáo hoàng cuối cùng không? Đây là điều của lời tiên tri bí ẩn thời Trung cổ gợi ý, và là chủ đề của quyển sách của nhà vatican học Giovanni Maria Vian: “Chúng ta đang ở một bước ngoặt của đời sống Giáo hội công giáo,” khi phiên họp lần thứ hai của Thượng Hội đồng về tương lai của Giáo hội đang họp ở Rôma.

Nhà sử học Giovanni Maria Vian khẳng định, đạo công giáo đang đi qua thời kỳ mang tính quyết định lịch sử với phiên họp Thượng Hội đồng từ ngày 2 đến ngày 27 tháng 10, là cựu giám đốc nhật báo L’Osservatore Romano từ năm 2007 đến năm 2018, là nhà báo độc lập, ông có cái nhìn uyên bác và phê phán về Tòa thánh và giáo hoàng, tác phẩm mới nhất của ông, Giáo hoàng Cuối cùng (Le Dernier Pape. Nxb. Cerf).

Liệu Đức Phanxicô có phải là “giáo hoàng cuối cùng” như tựa đề quyển sách của ông không?

Giovanni Maria Vian: Danh hiệu này đề cập đến lời tiên tri của tiên tri Malachi, được cho là tu sĩ người Ai-len thời Trung cổ. Danh sách liệt kê một trăm giáo hoàng từ thế kỷ 12 đến một giáo hoàng có biệt danh là “Vinh quang của Cây Ô liu”. Sau đó, danh sách này tiếp tục với phần mô tả về ngày tận thế: “Trong cuộc đàn áp cuối cùng của Giáo hội la-mã, sẽ có một ‘Phêrô La Mã’ chăn dắt đoàn chiên vượt qua nhiều hoạn nạn. Thành phố bảy ngọn đồi sau đó sẽ bị hủy hoại và quan tòa khủng khiếp sẽ phán xét người dân.” Nếu nghiên cứu danh sách theo thứ tự, Đức Bênêđíctô XVI (1927-2022) là “Vinh quang của Cây Ôliu”, như thế Đức Phanxicô là “Phêrô La Mã” của ngày tận thế.

Tài liệu này được viết năm 1590 chắc chắn là sai – trước đây không thấy nhắc – với mục đích ủng hộ một hồng y trong mật nghị thời đó, và cũng để khẳng định với người Tin lành Cải cách, rằng danh sách các giáo hoàng vẫn còn dài.

Được một nhà báo người Đức hỏi về điều này năm 2016, ba năm sau khi ngài từ nhiệm, Đức Bênêđíctô XVI không tin lời tiên tri này, đã có một câu trả lời mà tôi thấy thú vị. Trước hết, ngài nhắc lại mức độ thế tục hóa ở Châu Âu và sự thay đổi sâu sắc trong đạo công giáo, sau đó ngài nói thêm: “Tôi không còn thuộc về thế giới cũ nữa, nhưng thực tế thế giới mới vẫn chưa thực sự bắt đầu.”

Do đó, Đức Bênêđíctô XVI khẳng định ngài và người kế nhiệm ngài thuộc một thế hệ được hình thành trong một thế giới công giáo “cũ”, một thế giới sẽ sớm không còn tồn tại. Ý tưởng chính, cũng là chìa khóa để đọc quyển sách của tôi: chúng ta đang ở một bước ngoặt trong đời sống của Giáo hội công giáo, và quyền lực của giáo hoàng không còn có thể được thực thi theo cách tương tự sau Đức Phanxicô.

Có nghĩa là? Những thay đổi nào sẽ được mong chờ?

Thế giới công giáo được cấu trúc xung quanh “quyền tối cao” của giáo hoàng: giáo hoàng được cho là “không thể sai lầm” và nắm giữ chính thức mọi quyền lực của Giáo hội. Ý tưởng này xuất hiện trong thế giới la-tinh từ những thế kỷ đầu tiên của kitô giáo, nhưng giáo điều về tính không thể sai lầm của giáo hoàng đã được Công đồng Vatican I công bố năm 1870. Một số người thấy đây là khả năng có ảnh hưởng phổ quát, đạo đức và tâm linh, gần như một hình thức tái cân bằng cho Tòa thánh sau khi Tòa Thánh mất các Quốc gia Giáo hoàng và quyền lực thế gian.

Cụ thể, tín điều về tính không thể sai lầm của giáo hoàng giả định giáo hoàng có thể có quyết định về các vấn đề đức tin và đạo đức. Đó là trường hợp năm 1950, khi Đức Piô XII (1876-1958) chính thức công bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (Đức Maria “lên trời” cả hồn lẫn xác).

Nhưng đó chỉ là vấn đề thiết lập một ý tưởng đã có trong truyền thống công giáo từ lâu. Trên thực tế, chính với Đức Phanxicô mà nguyên tắc bất khả ngộ của giáo hoàng đã đạt đến đỉnh cao. Ngài không ngần ngại tuyên bố mình là người kế vị Thánh Phêrô tông đồ và thực thi quyền uy của ngài trong một số quyết định, như năm 2022 khi ngài cải cách Giáo triều dù bị phản đối, hoặc ngài can thiệp vào các cuộc tranh luận của Thượng Hội đồng gia đình năm 2014-2015 (hầu hết các đề xuất của các giám mục đều bị bác bỏ).

Trước đây chưa có giáo hoàng nào tuyên bố quyền lực đến mức này: đó là thuần túy chế độ thần quyền. Nghịch lý thay, chính Giáo hoàng đến từ Nam bán cầu – từ “tận cùng thế giới” như ngài hay nói – ngay từ đầu ngài đã kêu gọi phải giải tập trung nhiều hơn, bớt quyền của Rôma và cho “ngoại vi” nhiều quyền hơn. Nhưng ngài chưa đi đủ xa, và tôi nghĩ chúng ta đang phải đối diện với những bực tức, từ giáo dân đến giáo triều, đến hàng giám mục, và giáo hoàng tương lai sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tìm ra một cách thức mới để thực thi quyền lực.

Có phải Đức Phanxicô đã không đi xa hơn các giáo hoàng tiền nhiệm của ngài không? Như cuộc cải cách giáo triều năm 2022 đã không mở cửa văn phòng các bộ ở Vatican cho giáo dân?

Đức Phanxicô có những ý định xuất sắc. Nhưng đây chỉ là khởi đầu của sự thay đổi, không phải là không có mâu thuẫn. Chắc chắn giáo dân có thể được bổ nhiệm làm bộ trưởng các bộ, nhưng thực tế chỉ có ông Paolo Ruffini (một trong khoảng ba mươi) là người đứng đầu Bộ Truyền thông. Và giáo hoàng có thể phản đối việc đề cử, cũng như ngài có thể đưa ra bất kỳ quyết định nào mà không cần tham khảo ý kiến của một bộ.

Chúng ta lấy ví dụ về hệ thống tư pháp của nước Vatican nhỏ bé. Theo Hiệp định Lateran (1929), ngày nay Vatican có thể đưa hoặc không đưa các vụ án hình sự ra trước công lý Ý. Vụ âm mưu ám sát Đức Gioan-Phaolô II (1920-2005) của ông Mehmet Ali Agça, nhà hoạt động cực hữu người Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13 tháng 5 năm 1981 được giao cho công lý Ý. Nhưng năm 1998, vụ ám sát hai cận vệ Thụy Sĩ ở Vatican đã được giao cho tòa án Vatican. Tuy nhiên, công lý của Vatican chỉ là ảo tưởng. Không có sự phân chia quyền lực vì người đứng đầu mọi quyền lực là giáo hoàng.

Vatican vẫn hoạt động ngay cả trước thời Montesquieu (1689-1755). Và cả ngày nay, vì sao phiên tòa xét xử tòa nhà ở London (Hồng y người Ý Angelo Becciu bị tòa hình sự Vatican kết án năm năm rưỡi tù giam năm 2023 vì tham nhũng) lại không được giao cho công lý Ý hoặc Anh? Trên thực tế, những cải cách của Đức Phanxicô vẫn chưa xong.

Còn Thượng Hội đồng hiện nay thì sao? Từ bậc sống độc thân của linh mục đến các mục vụ truyền chức cho phụ nữ, những chủ đề nhạy cảm nhất đều đã bị gạt sang một bên. Chúng ta mong đợi gì?

Theo tôi, vấn đề chính của Thượng Hội đồng nằm ở phương pháp tham vấn. Mục tiêu là tạo ra sự năng động giữa giáo dân, khuyến khích họ có trách nhiệm với Giáo hội của họ, thoát ra khỏi vòng quyền lực thông thường bị giới hạn ở Rôma.

Tiến trình của Thượng Hội đồng này đôi khi được gọi là “thượng hội đồng về tính đồng nghị” (Vì một Giáo hội có tính đồng nghị: hiệp thông, tham gia và truyền giáo) bắt đầu bằng việc tham khảo ý kiến của giáo dân trên toàn thế giới. Các giám mục của mỗi quốc gia, sau đó là mỗi châu lục đã cùng nhau tổng hợp và bây giờ Thượng Hội đồng, lần đầu tiên quy tụ các tu sĩ, giáo dân – kể cả phụ nữ –, gặp nhau ở Rôma để thảo luận. Đây là điều chưa từng có.

Vẫn còn phải xem Đức Phanxicô sẽ giữ lại điều gì. Khi mở chức phó tế cho phụ nữ, ngài đã chỉ định một ủy ban lo việc này. Không có gì ngăn cản việc có các nữ phó tế vì đã có một số ở thời Cổ đại. Nhưng dù ý kiến của ủy ban đặc biệt này như thế nào thì có một rủi ro, đó là sẽ không có gì thay đổi. Vì mọi thứ đều nằm trong tay Giáo hoàng. Đức Phanxicô thường nhắc chúng ta phải thoát khỏi chủ nghĩa giáo sĩ trị, khỏi một Giáo hội được các giáo sĩ toàn năng lãnh đạo. Ngài hoàn toàn đúng. Nhưng ngài phải áp dụng yêu cầu này.

Triều Đức Phanxicô cũng là triều chứng kiến nhiều tiết lộ nhất về bạo lực tình dục của các giáo sĩ (thật sự là đã có từ đầu thế kỷ 20). Ông nghĩ câu trả lời của ngài mang lại là gì?

Trong các bài phát biểu của ngài, dường như ngài đã nắm được các vấn đề. Tuy nhiên, vẫn còn những vùng tối như vụ linh mục Dòng Tên Marko Rupnik người Slovenia bị buộc tội bạo lực tình dục. Tháng 5 năm 2020, linh mục bị dứt phép thông công và được dỡ bỏ một tháng sau đó. Trong một phỏng vấn tháng 1 năm 2023, Đức Phanxicô giải thích linh mục Rupnik đã thú nhận một phần cáo buộc và bồi thường cho nạn nhân. Bị loại khỏi Dòng Tên, cuối cùng linh mục được một giáo phận ở Slovenia nhận. Với sự hỗ trợ nào? Và hôm nay linh mục ở đâu? Bí ẩn, có người nói linh mục đang ở Rôma. Và các bức tranh khảm của linh mục vẫn tiếp tục trang hoàng cho các cơ sở của Giáo hội trên khắp thế giới, và các phương tiện truyền thông Vatican tiếp tục dùng để minh họa cho các bài báo hoặc thông điệp trên mạng xã hội, trước sự ngạc nhiên của các nạn nhân. Trường hợp này cũng như các trường hợp khác – Tổng giám mục Gustavo Zanchetta người Argentina thân cận với Đức Phanxicô, bị kết án tấn công tình dục năm 2022 và Giám mục Ấn Độ Franco Mulakkal (đã từ chức năm 2023, bị buộc tội cưỡng hiếp một nữ tu trong nhiều năm), vai trò của Đức Phanxicô cần được làm sáng tỏ.

Nói rộng hơn, chúng ta có thể lấy làm tiếc Giáo hội vẫn bị khóa chặt trong tầm nhìn xưa cổ về các chủ đề này. Trong giáo luật, bạo lực tình dục vẫn xếp vào loại vi phạm điều răn thứ sáu – “Chớ làm sự dâm dục” – như thế đây là tội ác và phải được xem là tội ác, như nhà thần học Lucetta Scaraffia  viết trong một cuốn sách gần đây Vượt ra ngoài điều răn thứ sáu (Au-delà du sixième commandement, mxb Salvator, 2024).

Nếu Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô là các giáo hoàng của “thế giới cũ”, thì các giáo hoàng của “thế giới mới” sẽ như thế nào? Chân dung của họ sẽ ra sao?

Tôi sẽ không mạo hiểm dự đoán vị giáo hoàng tương lai, nhưng chúng ta có thể có những nhân cách đáng chú ý như Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa: Thượng phụ la-tinh của Giêrusalem, ngài là một trong những hồng y cuối cùng được Đức Phanxicô bổ nhiệm; ngài đại diện cho Giáo hội ở Thánh địa một cách cân bằng và can đảm trong thời điểm khó khăn này.

Hoặc Hồng y Anders Arborelius, Tổng giám mục Stockholm sinh ra ở Thụy Sĩ trong một gia đình theo giáo phái Luther, ngài trở lại đạo công giáo, biết nhiều ngoại ngữ, làm việc về các vấn đề tình dục, hướng tới chủ nghĩa đại kết: tác động của ngài vượt ra ngoài khuôn khổ Hội đồng Giám mục nhỏ bé của ngài.

Vì sao không phải là một giáo hoàng Châu Phi? Hồng y Fridolin Ambongo người Congo được nhiều người biết đến, ngài có chân trong “Hội đồng C9”, có trách nhiệm giúp Giáo hoàng quản trị Giáo hội. Hay một hồng y Châu Á, như hồng y Miến điện Charles Maung Bo? Một thách thức trong việc nối lại quan hệ với Trung Quốc trong những năm tới. Dù là ai, giáo hoàng tương lai phải nhạy cảm với thời của mình.

Tình trạng thế tục hóa đang gia tăng, đặc biệt ở phương Tây, chúng ta phải đối diện với những sa mạc tâm linh. Nhưng nhiều người vẫn tiếp tục khao khát sự siêu việt, đối đầu với những bí ẩn của sự sống và sự dữ, họ muốn được đón nhận, lắng nghe, trấn an và thách thức của một điều gì đó vượt quá họ. Tôi hy vọng người kế vị Thánh Phêrô tiếp theo sẽ có thể thỏa mãn được cơn khát này.

“Giáo hoàng cuối cùng” (Le Dernier Pape, Giovanni Maria Vian. Nxb. Du Cerf).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch