americamagazine.org, Linh mục Dòng Tên Russell Pollitt, 2024-10-03
Các nữ tu mang thánh giá im lặng đi trong nghi thức ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Durban, Nam Phi, tháng 3 năm 2016. (Ảnh CNS/Rogan Ward, Reuters)
Phụ nữ và nữ tu Nam Phi thất vọng với Thượng Hội đồng về tính đồng nghị và với Đức Phanxicô.
Bà Annemarie Paulin-Campbell, thần học gia và là nhà hướng dẫn thiêng liêng tuyên bố: “Đức Phanxicô là nhà lãnh đạo ngoại hạng ở nhiều khía cạnh, nhưng với chức phó tế nữ, ngài có vẻ đã có quyết định và không muốn xem lại vấn đề này.”
Đã có hai ủy ban của Vatican nghiên cứu việc phong chức phó tế nữ – năm 2016 và năm 2020 – nhưng báo cáo của họ vẫn chưa được công khai. Bà Paulin-Campbell hỏi: “Sự minh bạch trong vấn đề này ở đâu? Thật khó để không cảm thấy đây đơn thuần là một cố gắng để xoa dịu phụ nữ.”
Bà mô tả “một cảm giác vỡ mộng sâu sắc, một mặt Giáo hội nói chúng ta phải là một Giáo hội biết lắng nghe theo tinh thần Thượng Hội đồng, mặt khác, một lần nữa Giáo hội loại bỏ chức phó tế nữ ra khỏi bàn thảo luận.”
Theo bà điều này làm suy yếu nghiêm trọng toàn bộ ý tưởng lắng nghe và cùng nhau hành trình.
Mọi người đã hy vọng rất nhiều Thượng Hội đồng sẽ giải quyết vấn đề này một cách cụ thể. Chủ đề đã có trong chương trình của phiên họp đầu tiên tháng 10 năm 2023, nhưng đã bị xóa khỏi chương trình nghị sự của phiên họp thứ nhì năm nay. Bà Paulin-Campbell cho biết: “Những phát biểu của Đức Phanxicô trong một cuộc phỏng vấn tháng 5 trên đài truyền hình CBS Mỹ – tái khẳng định phụ nữ sẽ không bao giờ được làm phó tế – đã phá vỡ sợi chỉ hy vọng cuối cùng của nhiều phụ nữ đang bám víu, và một số người đã quyết định rời Giáo hội ngay bây giờ”.
Nữ tu Biddy-Rose Tiernan là một trong các nữ tu được yêu mến và nổi tiếng Nam Phi cho biết sơ liên tục tự hỏi vì sao các ông trong hàng lãnh đạo Giáo hội công giáo lại có nỗi sợ phụ nữ sâu sắc như vậy: “Có phải là quyền lực không? Có phải là cảm thấy bất an không? Rất nhiều phụ nữ giỏi thần học, Kinh Thánh và lịch sử”.
Sơ Tiernan nói: “Chúa Giêsu đã làm cách mạng khi Ngài bao gồm tất cả mọi người là môn đệ và bằng hữu của Ngài, Tôi luôn đi tìm lý do vì sao lại có sự miễn cưỡng, sợ hãi và từ chối này, nếu tôi hiểu lý do đằng sau bất kỳ quyết định nào, tôi có thể chấp nhận dễ hơn.”
Nữ tu Cathy Murugan cho biết: “Tôi rất muốn biết những gì ẩn đằng sau sự thay đổi của Đức Phanxicô về vấn đề này. Tôi thất vọng về ngài vì tôi nghĩ Thượng Hội đồng sẽ thảo luận những vấn đề không thể đề cập trước đây.”
Sơ cho biết, sơ không nghĩ tiếng gọi của Chúa là “tiếng gọi chọn lọc và có định kiến. Bằng cách loại trừ phụ nữ ra khỏi tiếng gọi của Chúa, Giáo hội đang gây bạo lực với phụ nữ”.
Bà Nontando Hadebe, thành viên của Hội đồng các nữ thần học gia Châu Phi và Phụ nữ Công giáo giảng đạo, cho biết bình đẳng giới là trọng tâm các ưu tiên của lục địa và quốc gia: “Châu Phi dẫn đầu thế giới với số lượng nữ nghị sĩ cao nhất, ở Rwanda phụ nữ chiếm 60% trong nghị viện. Giáo hội Châu Phi đứng một mình và tách biệt”.
Bà Hadebe cho biết: “Nhưng cũng có một khía cạnh khác của vấn đề này, do thiếu phong trào cơ sở, hữu hình và tích cực trong số các phụ nữ công giáo Châu Phi về chức phó tế nữ. Nhiều phụ nữ ở Châu Phi bị tách biệt và cô lập khỏi các chị em toàn cầu của họ trong và ngoài Giáo hội đang đấu tranh cho quyền của họ.”
Phụ nữ công giáo Châu Phi được an ủi với lời của Tổng giám mục Buti Tlhagale, giáo phận Johannesburg, Nam Phi, ngài đã cảnh báo với các giám mục ở Nam Phi về sự tức giận sâu xa ở một số phụ nữ vì “chúng ta đã loại họ ra khỏi chức thánh”.
Trong một bài giảng tại phiên họp khoáng đại của Hội đồng Giám mục Công giáo Nam Phi vào tháng 8, ngài đã nói với các giám mục, dù phụ nữ vẫn tiếp tục ủng hộ Giáo hội: “Các linh mục và giám mục không nhất thiết phải có uy tín tốt với họ. Có định kiến với phụ nữ là một tội, tại này nên có trong danh sách các tội khác khi bạn sắp xưng tội.”
Ngài nói: “Giáo hội sẵn sàng chấp nhận phụ nữ vào các hội dòng và thực tế họ chiếm đa số trong bất kỳ cộng đồng nào…. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, có một định kiến cố hữu chống lại phụ nữ trong giới giáo sĩ công giáo và tôi không nghĩ chúng ta sẽ làm được gì nhiều về vấn đề này ngay bây giờ.”
Sau khi hết lệnh cách ly của đại dịch Covid-19, phụ nữ Nam Phi đã phải đối diện với sự trỗi dậy trở lại của kẻ thù truyền kiếp là bạo lực giới. Theo số liệu thống kê về tội phạm từ quý cuối cùng của năm 2023 và quý đầu tiên của năm 2024, cứ 12 phút lại có một vụ hiếp dâm được báo cáo ở Nam Phi. Nói về tệ nạn này, ngài cho biết ngài không hiểu vì sao các ông chăm sóc mẹ mình, lo lắng cho phẩm giá và tôn trọng mẹ, nhưng với vợ, họ “thành những con thú đối xử tàn nhẫn với vợ như vậy.
Ngài so sánh vấn đề này với cách đối xử với phụ nữ trong Giáo hội: “Chúng ta có thể không đánh đập vợ nhưng chúng ta lại làm một điều gì đó với phụ nữ, và phụ nữ cảm thấy rất rõ chuyện này và chúng ta không làm gì cả. Sâu thẳm bên trong, họ chưởi chúng ta vì chúng ta loại trừ họ.”
Bà Paulin-Campbell cho biết bà cảm thấy được khích lệ trong đánh giá nghiêm khắc của giám mục Tlhagale: “Vì cuối cùng, đã có một người có thẩm quyền trong Giáo hội Châu Phi lên tiếng mạnh mẽ về cách phụ nữ bị đối xử ở ngoài xã hội cũng như ở trong Giáo hội. Việc Tổng giám mục nói chuyện với các giám mục khác và nói rõ nhiều phụ nữ tức giận và cảm thấy bị loại trừ, nếu không phải là một chút hy vọng, thì ít nhất họ cũng cảm nhận họ được nhìn nhận và công nhận.”
Sơ Murugan cho biết nếu Tổng giám mục Tlhagale phân tích sâu hơn, chúng ta “có thể thấy lý do và cách thức bạo lực đối với phụ nữ trong xã hội vì sao lại phổ biến đến như vậy”. Sơ cho rằng Giáo hội củng cố bất bình đẳng giới và định kiến: “Nếu thực hành và hành vi này của giáo sĩ nam giới trong Giáo hội không bị thách thức và thay đổi, thì Giáo hội, với tư cách là một tổ chức trong xã hội sẽ tiếp tục tiếp tay và duy trì bạo lực đối với phụ nữ.”
Bà Paulin-Campbell thừa nhận một số nhà lãnh đạo trong Giáo hội ủng hộ phụ nữ trong sứ vụ kể cả chức thánh, nhưng thật đáng buồn là rất hiếm khi họ sử dụng tiếng nói và ảnh hưởng của họ để ủng hộ các phụ nữ này.
Bà cho biết: “Những đồng minh thông cảm trong Giáo hội động viên phụ nữ, họ nói: ‘Hãy kiên nhẫn. Theo thời gian, mọi thứ sẽ thay đổi’. Nhưng những lời này không an ủi được nhiều với các phụ nữ cảm thấy mình được kêu gọi mạnh mẽ để trở thành chức thánh, nhưng họ biết cơ hội để thành hiện thực trong đời họ là vô cùng xa vời.”
Bà giải thích: “Nhiều phụ nữ ở lại với Giáo hội dù họ cảm thấy đau đớn nhưng họ yêu Giáo hội, việc họ rời đi có nghĩa là họ từ bỏ ngay cả ảnh hưởng hạn chế mà họ có để thách thức lập trường của Giáo hội về việc phong chức. Trong một thời gian dài, phụ nữ đã ở lại với hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi cho thế hệ tiếp theo, nhưng thật đáng buồn, thế hệ đó hiện đang rời đi hàng loạt, họ không có cùng một cảm giác trung thành ăn sâu vào một Giáo hội không sẵn lòng lắng nghe họ và xem phụ nữ cũng có khả năng thể hiện Chúa Kitô như nhau.”
Marta An Nguyễn dịch
Nhật ký Thượng Hội đồng: Lời kêu gọi hoán cải của Thượng hội đồng
Linh mục Timothy Radcliffe: “Nếu không có câu hỏi, đức tin sẽ chết”