Việc vua Baudouin phản đối phá thai, có phải là một biện minh cho việc phong chân phước không?

47

Việc vua Baudouin phản đối phá thai, có phải là một biện minh cho việc phong chân phước không?

Ảnh: Handout/ VATICAN MEDIA/ AFP

fr.aleteia.org, Cyprien Viet, 2024-09-28

Bằng cách tỏ lòng kính trọng Vua Baudouin (1930-1993), người đã từ chối ký luật hợp pháp hóa việc phá thai ở Bỉ, bằng cách công khai mong muốn phong chân phước cho Đức Vua, Đức Phanxicô đã đưa ra một số chỉ trích, nhưng đây không phải là quan điểm mới của ngài.

Chuyến thăm mộ của Hoàng gia Bỉ ở Đền thờ Đức Bà Laeken đã không được công bố. Nhưng một tuyên bố chính thức của Vatican cho biết tin này và đã có những phản ứng mạnh trong nước.

Sáng thứ bảy 28 tháng 9, Đức Phanxicô đến Nhà thờ tân Gothic nằm cách vương cung thánh đường Koekelberg năm cây số, ở đó ngài vừa có bài phát biểu với các nhà lãnh đạo Giáo hội công giáo Bỉ. Được xây dựng theo sáng kiến của vua Leopold I để chôn hài cốt của vợ, nơi này đã là nơi chôn cất các nhân vật trong hoàng gia Bỉ. Ngài đã gặp Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde ở đó, họ đã đón ngài ở phi trường trong cơn mưa khi ngài đến Bỉ tối thứ năm 26 tháng 9. Ngày hôm sau, Đức Vua và Hoàng hậu chào đón chính thức ngài ở Lâu đài Laeken, tại đây ngài đã nói về sự xấu hổ của Giáo hội vì hành vi lạm dụng tình dục của các giáo sĩ, một tình trạng chính Nhà Vua cũng đề cập trong bài phát biểu của ngài.

Nhưng sáng thứ bảy 28 tháng 9, trong bầu khí thân mật và gia đình, Đức Phanxicô đã gặp một phần hoàng gia. Hầm mộ của hoàng gia có lối đi lên đi xuống song song, Đức Phanxicô, Đức Vua và Hoàng hậu nghiêng mình trước mộ.

Vua Beaudoin trị vì nước Bỉ trong 42 năm, từ năm 1951 đến khi ông đột ngột qua đời vì đau tim năm 1993, khi mới 63 tuổi. Bên cạnh Đức Phanxicô, Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde còn có cựu Vua Albert II, kế vị người anh Baudouin vì ông không có con cháu, và vợ là Hoàng hậu Paola. Tổng giám mục trẻ Luc Terlinden của giáo phận Mechelen-Brussels cũng có mặt.

“Lòng can đảm” của Vua Baudouin

Câu chuyện có thể đã kết thúc ở đó. Nhưng một lời giải thích từ Vatican gởi cho các nhà báo đã rung chuyển: Đức Phanxicô ca ngợi “lòng can đảm” của Vua Baudouin, ngài đã  rời chức vụ “để không ký vào một đạo luật giết người”. Ám chỉ đến một tình tiết đáng kinh ngạc trong lịch sử của chế độ quân chủ Bỉ. Năm 1990, trong 36 giờ, Đức Vua đã dùng một công thức pháp lý tạo ra để không gắn chữ ký của ngài với luật mà ngài không thể chấp thuận hay bác bỏ. Cách làm này đã chia rẽ các chuyên gia luật hiến pháp và các nhà lãnh đạo chính trị, nhưng không làm giảm đi tình cảm gắn bó của người dân Bỉ với nhà vua.

Vua Baudouin trong ngày Quốc khánh trong bộ quân phục, 21 tháng 7 năm 1992.

Một thẳng thắn rất bất thường, Tòa Thánh cho biết Giáo hoàng muốn phong chân phước cho Nhà Vua và xin “người Bỉ hãy quay về với Đức Vua khi luật hình sự đang được soạn thảo”. Một ám chỉ có thể xảy ra với việc mở rộng dần dần các khả năng dùng biện pháp an tử. Ngay khi tin tức lan truyền, một thông cáo báo chí mạnh mẽ từ Trung tâm Hành động Thế tục đã tố cáo “những bình luận đáng kinh ngạc” xem đây là một “khiêu khích” trong ngày quốc tế về quyền phá thai. Xấu hổ trước việc lan truyền tin tức có nguy cơ làm suy yếu vị thế trọng tài hiến pháp của Quốc vương Bỉ, Hoàng gia đã liên tục gởi thông cáo nhắc lại tính chất “nghiêm ngặt riêng tư” của chuyến đi này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch