Lời biện hộ của chính quyền Bỉ cho nạn nhân của các linh mục ấu dâm đã bức bách Đức Phanxicô

92

Lời biện hộ của chính quyền Bỉ cho nạn nhân của các linh mục ấu dâm đã bức bách Đức Phanxicô

Đức Phanxicô tại đại học Công giáo Leuven, ngày thứ sáu 27 tháng 9-2024, chủ đề buổi gặp: sự dấn thân của đại học công giáo với những người bị tổn thương của xã hội, đặc biệt việc đón nhận người tị nạn.

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2024-09-27

Sự kiên quyết trong những nhận xét của Vua Philippe và Thủ tướng Alexander De Croo đã làm cho Đức Phanxicô phải ứng biến xin “tha thứ” và bày tỏ “sự xấu hổ” của Giáo hội. Điều này không được dự đoán trước trong bài phát biểu đầu tiên của ngài.

Khi Vua Bỉ công khai nêu tác động của các vụ bê bối tình dục trong Giáo hội và được Thủ tướng cấp tiến Alexander de Croo ủng hộ, Đức Phanxicô đã không thể đơn giản đề cập đến chủ đề này. Sáng thứ sáu 27 tháng 9, một lần nữa, ngài để lại bài phát biểu soan sẵn để xin được “tha thứ” cho những hành vi sai trái này.

Giáo hội phải xấu hổ và cầu xin tha thứ

Một cách mãnh liệt và buồn bã, ngài nói: “Giáo hội phải xấu hổ và cầu xin tha thứ, khiêm nhường tìm cách giải quyết tình trạng này, làm mọi cách để bảo đảm điều này không xảy ra nữa. Tôi được biết, theo thống kê, phần lớn các vụ lạm dụng xảy ra trong gia đình, khu phố, trong giới thể thao, trong lãnh vực giáo dục… Nhưng chỉ một trường hợp thôi cũng đủ xấu hổ! Trong Giáo hội chúng tôi xin được tha thứ về chuyện này. Đó là sự xấu hổ và nhục nhã của chúng tôi.”

Ngài không có ý định đi xa đến mức này trong bài phát biểu đầu tiên, ngài sẽ chỉ nói chung chung về lạm dụng tình dục của các linh mục, kèm theo một phân tích chi tiết hơn về vụ bê bối “cưỡng bức nhận con nuôi” của những bà mẹ chưa kết hôn trong những năm 1950 ở Bỉ, dưới sự bao che của Giáo hội”, một vụ tai tiếng mà Giáo hội đã xin Quốc hội Bỉ tha thứ năm 2015. Nhưng có một phim tài liệu của cơ quan truyền thông Flemish “Het Laaste Nieuws” sản xuất vào năm 2023 có tựa đề “Những đứa trẻ của Giáo hội” đã có hậu quả như một trận động đất ở Bỉ, tạo tai tiếng sâu đậm trong dân chúng vì có vẻ như trẻ em đã bị bán dưới sự bao che của Giáo hội. Tuy nhiên, một trách nhiệm mà Đức Phanxicô không muốn đặt một mình lên Giáo hội công giáo.

Ngài nhận xét về vấn đề này: “Tôi rất buồn trước hiện tượng ‘cưỡng bức nhận con nuôi’ đã xảy ra ở Bỉ trong những năm 50 và 70 của thế kỷ trước. Trong các câu chuyện đau đớn này, trái đắng của một tội ác được trộn lẫn với điều đáng tiếc, kết quả của một tâm lý phổ biến ở mọi tầng lớp trong xã hội, đến mức những người hành động theo tâm lý này tin vào lương tâm, rằng họ đang làm điều tốt cho chính mình, cho cả mẹ và con.”

Ngài nói tiếp: “Thường thì gia đình và các tác nhân xã hội kể cả trong Giáo hội nghĩ rằng, để loại bỏ sự kỳ thị tiêu cực, không may xảy ra với người mẹ đơn thân vào thời điểm đó, thì điều tốt cho cả mẹ và con sẽ được chấp nhận. Thậm chí có trường hợp một số phụ nữ không có cơ hội lựa chọn giữa việc giữ đứa trẻ hay cho con làm con nuôi.”

Áp lực về vấn đề lạm dụng tình dục ở Bỉ rất lớn

Các áp lực về vấn đề lạm dụng tình dục ở Bỉ rất lớn. Năm 2010, Giám mục Roger Vangheluwe, giáo phận Bruges trong 26 năm đã buộc phải từ chức khi 73 tuổi, ông thú nhận đã lạm dụng các cháu trai khi còn là linh mục và cả khi bắt đầu làm giám mục. Nhận thức sâu sắc về vụ tai tiếng và có lẽ bài phát biểu soạn sẵn bị đánh giá thấp, ngài thích nghi với bối cảnh trước mắt khi nghe bài phát biểu của Vua Philippe và Thủ tướng, ngài không thể tiếp tục bài phát biểu của ngài, vì thế ngài ứng biến về “sự xấu hổ và xin được tha thứ”. Những ngẫu hứng ngài thường làm vào cuối triều của ngài.

Phát biểu bằng tiếng Hà Lan, Vua Bỉ là người công giáo nhiệt thành, đã công nhận hành động của Đức Phanxicô trong lãnh vực này: “Ngài đã không khoan nhượng tố cáo thảm kịch lạm dụng tình dục ẩn danh trong các cơ quan Giáo hội. Ngài đã có hành động cụ thể để đấu tranh chống lại bạo lực ghê tởm này, vì các em bé đã bị bầm dập khủng khiếp, bị đánh dấu suốt đời, cũng vậy với các nạn nhân bị cưỡng bức làm con nuôi. Phải rất lâu tiếng kêu cứu của họ mới được lắng nghe và nhận ra. Phải mất rất nhiều thời gian để tìm cách sửa chữa những điều khó sửa chữa. Chúng tôi biết nỗ lực của Giáo hội Bỉ đã hành động theo hướng này, những nỗ lực phải được tiếp tục một cách kiên quyết và không mệt mỏi.”

Theo tiến trình này, Thủ tướng Alexander de Croo ủng hộ các nạn nhân tình dục của các linh mục: “Đức tin là chỗ dựa cho nhiều người nhưng chúng ta không thể bỏ qua những vết thương đau đớn đang tồn tại trong cộng đồng công giáo và trong xã hội dân sự. Số vụ lạm dụng tình dục và cưỡng bức nhận con nuôi đã làm suy yếu niềm tin.”

Nhận thức hành động của Giáo hoàng, ông xin Giáo hội đi xa hơn: “Giáo hội cam kết công bằng và bình đẳng, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để đi. Các thừa tác viên của Giáo hội làm việc với niềm tin và lòng bác ái nhưng nếu có gì sai trái, chúng tôi không thể chấp nhận bị mắc kẹt. Điều này làm tổn hại cho công việc có giá trị cho tất cả mọi người. Đó là lý do vì sao ngày nay lời nói không còn đủ nữa. Chúng ta cần phải thực hiện các bước cụ thể. Nạn nhân phải được lắng nghe. Họ phải chiếm vị trí trọng tâm. Họ có quyền biết sự thật. Sự bất công phải được thừa nhận. Công lý phải được thực hiện. Đây không chỉ là nghĩa vụ đạo đức nhưng là bước cơ bản để lấy lại lòng tin.”

Ông kết luận: “Nhân phẩm là ưu tiên hàng đầu chứ không phải lợi ích của Giáo hội. Để có thể tiến về phía trước, Giáo hội phải làm sáng tỏ quá khứ của mình.”

Sau khi thăm Đại học Leuwen, Đức Phanxicô sẽ có cuộc gặp kín đáo với khoảng 15 nạn nhân của các linh mục ấu dâm tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh nơi ngài ở. Chuyến đi Bỉ của Đức Phanxicô không chỉ đề cập đến chuyện lạm dụng tình dục trong Giáo hội, trước chính quyền Bỉ, ngài ca ngợi vai trò trung tâm của Bỉ ở Châu Âu: “Bỉ gần như là sự tổng hợp của Châu Âu và Châu Âu đang cần sự tổng hợp này, một mẫu mực trong việc ngăn chặn các lực lượng đối lập để một lần nữa đấu tranh chống lại những lựa chọn khả thi, với những hậu quả thảm khốc.” Hơn bao giờ hết, ngài nhạy cảm với chủ đề này kể từ khi bắt đầu chuyến tông du lần thứ 46 đi Luxembourg và Bỉ. Sáng thứ sáu 27 tháng 9, để lại bài diễn văn soạn sẵn, ngài nhắc lại “địa ngục chiến tranh, chúng ta đang tiến đến một cuộc chiến tranh gần như thế giới. Ngài nói: “Vì vậy, nước Bỉ thiết yếu hơn bao giờ hết trong ký ức của lục địa Châu Âu. Vì sao? Vì nước Bỉ là cây cầu giúp sự hài hòa lan tỏa và những khác biệt mờ nhạt đi. Một cầu nối, nơi mọi người với ngôn ngữ, tâm lý và xác tín của mình gặp nhau, chọn lời nói, đối thoại, chia sẻ làm phương tiện cho mối quan hệ. Là nơi chúng ta học để bản sắc riêng của mình không phải là thần tượng hay rào cản, nhưng là không gian chào đón để chúng ta ra đi và trở về, nơi chúng ta khuyến khích những cuộc gặp gỡ quý giá, nơi chúng ta cùng nhau tìm những cân bằng mới, xây dựng những cân bằng mới. Vì thế cây cầu rất cần thiết để xây dựng hòa bình và từ chối chiến tranh.”

Ngài nhấn mạnh: “Châu Âu cần nước Bỉ để tiến lên trên con đường hòa bình và tình huynh đệ giữa các dân tộc, vì khi chúng ta không còn tôn trọng biên giới cũng như các hiệp ước, khi chúng ta giao cho nước này vũ khí để tạo ra luật pháp bằng cách lách luật, sau đó chúng ta mở chiếc hộp Pandora để mọi cơn gió bắt đầu thổi dữ dội, làm rung chuyển, đe dọa phá hủy ngôi nhà. Trong tình trạng này, nước Bỉ tuy nhỏ bé nhưng thật lớn lao!”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Chuyến đi của Đức Phanxicô đến vùng đất của cái chết êm dịu được bình thường hóa