lavie.fr, Stephanie Combe, 2024-09-04
Tác phẩm mới của giáo sư tác giả Rebecca Shankland “Hỗ trợ phát triển kỹ năng cảm xúc ở trẻ em” đưa ra một số chỉ dẫn để phụ huynh theo dõi tâm lý, xây dựng và nuôi dưỡng lòng tự tin, tự trọng của con cái.
Bà là giáo sư tâm lý học phát triển tại Đại học Lyon-2, chuyên gia về kỹ năng tâm lý xã hội và cảm xúc.
Hình ảnh SUDAN E/ALPACA/ANDIA.FR
Mới ngày nào con cái còn chập chững đi những bước đầu tiên, bây giờ chúng bước vào tuổi vị thành niên! Trước mắt là một thế giới quá nhiều thay đổi, cha mẹ thường bất lực, cảm giác như mình đu dây mất thăng bằng! Nhà tâm lý học lâm sàng Rebecca Shankland nêu ra một số chỉ dẫn để cha mẹ có thể vượt lên tình trạng mong manh này.
Xin giáo sư cho biết điều gì đặc trưng của giai đoạn 11 đến 14 của tuổi vị thành niên?
Giáo sư Rebecca Shankland: Những biến đổi về sinh lý, não bộ và tâm lý liên quan đến tuổi này làm cho trẻ con ở tuổi này dễ bị tổn thương. Quan tâm của các em chuyển từ gia đình qua trường học. Sự biến đổi của tuổi dậy thì chiếm một vị trí ưu việt. Với 75% bé gái, lượng mỡ tăng nhiều trong giai đoạn này làm các em ít tự tin.
Trong phim Vice-Versa 2, cô bé mới lớn tự nhủ: “Mình là người tốt.” Từ tuổi dậy thì trở đi, một tiếng nói khác vang lên: “Mình không đủ khả năng.” Sự nghi ngờ hiện sinh này có phải là cấu trúc của tuổi thiếu niên không?
Tự tin có nghĩa chúng ta đánh giá mình qua các khía cạnh khác nhau – học thuật, thể chất, quan hệ… Tự tin được xây dựng, được củng cố hoặc bị suy yếu đều tùy thuộc vào cách trẻ em mình nhìn và mối tương quan với những người thân yêu. Đại học là nơi có những rủi ro lớn, thường là những buồn chán, thể hiện qua các trò chơi quyền lực. Trong giai đoạn tìm kiếm bản sắc này, thanh thiếu niên đôi khi lạc lối, sẵn sàng bắt chước người khác để mình không bị loại trừ. Thời điểm quan trọng là 14 tuổi, lúc tác động của các ảnh hưởng có tác động mạnh.
Làm thế nào để chúng ta có thể giúp các em phát triển?
Nghiên cứu tâm lý giúp chúng ta chống lại thành kiến tiêu cực vì xu hướng tự nhiên của các em là hướng về những chuyện không ổn, những việc các em không thích ở nhà, càng chỉ trích bản thân thì cảm xúc tiêu cực càng phát triển và càng tăng thêm thành kiến tiêu cực. Đó là vòng luẩn quẩn ảnh hưởng đến tự tin. Nhưng các em có thể rèn luyện bản thân, hướng chú ý đến những việc các em hài lòng trong cuộc sống, dù có nhỏ như thế nào, đặc biệt các em nên viết nhật ký quá trình của mình. Quan trọng là nêu bật kỹ năng, điểm mạnh và phẩm chất, những gì mình đã thành công, những sợ hãi đã vượt lên, những hoạt động đã thực hiện, giúp cho các em ít phụ thuộc vào ý kiến của người khác, học cách nhìn bản thân tích cực hơn. Một điều quan trọng: phát triển tự tin gắn liền với cảm giác về năng lực, bất kể đó là gì. Hành động và tự tin là nền tảng của sức khỏe tinh thần.
Cha mẹ cần lưu ý con cái điều gì trong giai đoạn này?
Thanh thiếu niên phải có khả năng phát triển bên ngoài học đường, quan trọng là cha mẹ phải nâng đỡ đam mê của con như các sinh hoạt thể thao và nghệ thuật. Chia sẻ đam mê với con là điều bắt buộc qua những lúc nói chuyện phong phú, mang tính xây dựng và an toàn, con cái sẽ ít bị ảnh hưởng của thế giới bên ngoài, lòng tự tin của các con càng vững mạnh. Sự an toàn có được nhờ khả năng đồng cảm của cha mẹ, giúp con cái ứng phó được với thế giới bên ngoài. Trẻ em và cả thanh thiếu niên cần có người để các em tìm đến khi thấy mình gặp khó khăn. Vì thế cha mẹ phải lắng nghe, không phán xét, không kiểm soát. Các con cảm thấy tự tin, được chấp nhận với con người thật của mình, hiểu được sự khác biệt và giá trị của mình.
Vai trò của cha mẹ đôi khi có một khoảng cách lớn, giữa cho phép và cấm đoán. Thanh thiếu niên vẫn cần quy tắc?
Thanh thiếu niên luôn cần cha mẹ, luôn cần giao tiếp, luôn cần ràng buộc của đức tin. Một quan hệ tốt vẫn là yếu tố thiết yếu cho hạnh phúc con người, giúp giảm các việc nguy hiểm như hút thuốc lá, hút cần sa và uống rượu. Gia đình ăn chung với nhau là cách để bảo vệ nhau. Việc đặt ra các giới hạn sẽ giúp cho các con thấy (dù miễn cưỡng) cha mẹ quan tâm đến mình. Cha mẹ bàn thảo với con cái các quy tắc có thể du di để giúp các con ở tuổi này có những lựa chọn sáng suốt.
Màn hình tạo những tình huống gây nghiện mới rất có hại khi đăng các hình ảnh quấy rối, khỏa thân, khiêu dâm. Làm thế nào để cha mẹ hỗ trợ tốt nhất cho con cái?
Thanh thiếu niên bị suy yếu vì mạng xã hội rất nặng, bị đánh giá bề ngoài qua các lượt “thích” chỉ tạo thêm căng thẳng, tất cả đều làm hại cho tính tự tin. Loại cảm xúc bất ổn này có thể dẫn đến những tình trạng cực đoan, kể cả nguy cơ tự tử. Việc làm chậm lại tuổi được phép vào mạng (các nghiên cứu khuyên nên sau 16 tuổi) sẽ làm giảm rủi ro, giúp trẻ phát triển bản thân trước khi phải đối diện với tình huống này. Các em có thể truy cập an toàn qua điện thoại của cha mẹ, vào các nhóm WhatsApp của lớp… giúp các em tương tác với bạn bè qua hướng dẫn của huấn luyện viên
Những tín hiệu nào nên cảnh báo?
Nguy cơ lớn ở tuổi này là rối loạn tâm lý, các triệu chứng lo âu và trầm cảm, nguy cơ tự tử hoặc hành vi gây nghiện (rối loạn ăn uống, dùng các chất kích thích thần kinh). Thái độ thu mình vào bản thân, cáu kỉnh, khó giao tiếp, đó là những tín hiệu cảnh báo. Các con có bạn không, các con có được bạn mời không? Khi con cái gặp tình trạng quấy rối ở trường học, cha mẹ không được xem thường, phải báo ngay để người chịu trách nhiệm chương trình “Ngọn hải đăng” (chương trình chống quấy rối trong trường học của Bộ Giáo dục) biết, tránh những hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Các sinh hoạt khác của nhà trường cũng là những yếu tố bảo vệ và phát triển.
Thanh thiếu niên đôi khi cảm thấy mình thật xấu, nhưng đây cũng là tuổi của những lý tưởng lớn?
Khi bắt đầu tuổi thiếu niên, các em đi tìm chuẩn mực mới và tin tưởng vào cái nhìn của người khác hơn của chính mình. Khi lớn lên, các em sẽ hiểu bản thân hơn, phát triển các kỹ năng cảm xúc và xã hội, sẽ khẳng định được các giá trị của mình, xây cho mình một mạng xã hội đáng tin cậy. Chỉ một nửa các em tuổi 18 xác định rõ giá trị của mình! Và đó là chìa khóa để các em có những lựa chọn sáng suốt từ mọi quan điểm: hành vi, định hướng giáo dục và nghề nghiệp.
Marta An Nguyễn dịch