Vụ Abbé Pierre: bác sĩ Boris Cyrulnik giải thích nhu cầu cần anh hùng đến từ đâu?

52

Vụ Abbé Pierre: bác sĩ Boris Cyrulnik giải thích nhu cầu cần anh hùng đến từ đâu?

lepelerin.com, Isabelle Vial, 2024-09-24

Năm 1954, Abbé Pierre chụp hình trước mô hình căn nhà khẩn cấp phủ tiền của phong trào “Một trăm quan cho Abbé Pierre” được các cửa hàng Au Printemps tổ chức. © Roger-Viollet

Bác sĩ tâm thần kinh Boris Cyrulnik, người quen biết Abbé Pierre giải thích nguồn gốc nhu cầu cần anh hùng và tại sao chúng ta lại khó chấp nhận thấy anh hùng của mình bị rơi xuống.

Bác sĩ đã gặp Abbé Pierre, người sáng lập Trung tâm Ê-mau, hôm nay cảm nhận của bác sĩ như thế nào?

Bác sĩ Boris Cyrulnik: Tôi và Abbé Pierre thân tình với nhau, khi tôi biết những gì Abbé làm, tôi không thể tin nổi, cả một kinh ngạc, kinh hoàng lẫn lộn. Tôi nghĩ Abbé đã không học được cách để kiềm chế ham muốn tình dục của mình, trong gia đình hoặc sau này là trong Giáo hội. Tôi nghĩ Abbé bị thiếu tình cảm, những em bé bị phát triển một mình sẽ không học được tính tự chủ.

Vì sao khi còn trẻ chúng ta cần anh hùng?

Mỗi chúng ta đều dựa vào những hình ảnh để sống và để xây dựng. Khi đứa trẻ chào đời, nó không có yếu tố nào để đọc được môi trường của mình. Nó khám phá qua các “anh hùng” đầu tiên của mình là cha mẹ, nếu đứa bé không có các hình ảnh này, nó sẽ đi tìm người để nó gắn bó và để khẳng định mình.

Khi còn nhỏ tôi ở một mình vì cha mẹ bị đưa đến trại tập trung diệt chủng người do thái Auschwitz, anh hùng của tôi là Rémi, nhân vật chính trong tiểu thuyết “Vô gia đình” của Hector Malot. Rémi cho tôi thấy, dù ở một mình, mình cũng có thể xoay xở để vượt lên được.

Chúng ta hướng tới hình ảnh gương mẫu để biến những bất hạnh tuổi thơ thành cuộc sống tươi đẹp.

Điều gì tạo nên một anh hùng?

Theo tôi, ngược với những gì chúng ta thường nghĩ, chính cách người khác nhìn nhân vật anh hùng, những gì họ nói về anh hùng quan trọng hơn hành động hay tính cách của anh hùng. Việc này tùy thuộc vào lịch sử và giá trị của mỗi người nên nhân vật Rémi có thể là anh hùng của người này mà không anh hùng với người kia.

Nhưng không ai có thể tranh cãi tính anh hùng của người đã cứu sinh mạng của những người gặp khó khăn nguy hiểm, khôi phục phẩm giá cho hàng ngàn phụ nữ và trẻ em trên đường phố như Abbé Pierre đã làm?

Khi hành động như vậy, họ không cho họ là anh hùng, họ làm những gì họ cho là đúng trước tình huống đang ở trước mặt họ. Họ ở trong sự tầm thường của điều tốt. Chính qua những gì được nói lên, người khác biến họ thành anh hùng.

Nhưng nhu cầu trở thành anh hùng này, điều mà tất cả chúng ta đều có, cũng là một nguy hiểm. Đôi khi chúng ta bắt đầu tôn thờ đồ vật chúng ta tạo ra mà quên rằng, việc này có thể làm chúng ta thành người thờ ngẫu tượng. Những kẻ độc tài biết rõ nhược điểm này, họ khai thác để tạo ảnh hưởng.

Những hình ảnh mẫu mực này có nhiệm vụ gì?

Với tư cách cá nhân, họ thể hiện lý tưởng cá nhân của chúng ta, chúng ta có thể tóm tắt: “Cho tôi biết anh hùng của bạn là ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào.” Ở mức độ tập thể, khi có một nhóm người cần anh hùng, như thế chứng tỏ họ đang đau khổ.

Sau Thế chiến thứ hai, các thành phố bị phá hủy, người dân không tìm được nơi nào để sinh sống, một số sống trong khu ổ chuột. Một người như Abbé Pierre đã mang đến một tương lai chung, khôi phục lại niềm hy vọng. Ông khôi phục lòng tự tin cho dân tộc.

 Sau những tiết lộ này, làm thế nào chúng ta có thể quy tụ các khía cạnh khác nhau của Abbé Pierre?

Tôi vẫn nghĩ Abbé Pierre xứng đáng được phong là anh hùng, vì ông quảng đại, hữu ích và hiệu quả… Hai khuôn mặt này nơi cùng một con người, cùng tồn tại với nhau. Đạo diễn Roman Polanski, người bị cáo buộc quan hệ tình dục với một em bé gái 14 tuổi đã làm những bộ phim tuyệt tác. Tiến sĩ Alexis Carrel đã nhận giải Nobel cho những khám phá khâu mạch máu, giúp cứu sống hàng triệu người! Tuy nhiên, giáo dân muốn loại bỏ những hình ảnh kinh hoàng, những người bị chứng tâm thần, những người gây rối trật tự công cộng. Không ai chấp nhận tính hai mặt này. Hoặc là anh hùng và không làm gì sai trái, hoặc là “kẻ khốn nạn”. Chúng ta đấu tranh để chấp nhận người anh hùng có thể có những hành động đáng trách, vì chúng ta mong chờ họ trấn an chúng ta.

Chúng ta có thể học được bài học gì từ những gì chúng ta biết về Abbé Pierre, người anh hùng của những năm 1954?

Những sai lầm các anh hùng làm cho họ giống chúng ta hơn, những con người phức tạp vừa làm những điều tốt nhất và xấu nhất. Nếu chúng ta có thể chấp nhận ngoài những hành động phi thường của họ, họ còn có khía cạnh con người có thể sai lầm, thì khi đó chúng ta có thể chấp nhận những lỗi lầm và mong manh của chính mình. Mọi anh hùng vẫn là con người. Đó là điều chúng ta cần hiểu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Christiane Rancé: “Trái ngược với mong muốn của công chúng, Abbé Pierre chưa bao giờ là một vị thánh”

Vụ Abbé Pierre: “Tất cả chúng ta đều có thể là những kẻ thờ thần tượng”