Bắt giữ các nghi phạm khủng bố lên kế hoạch tấn công Đức Phanxicô ở Indonesia
cruxnow.com, Ban biên tập, 2024-09-06
Đón tiếp Đức Phanxicô tại phi trường quốc tế Soekarno-Hatta, Tangerang, ngoại ô Jakarta, Indonesia ngày thứ ba 3 tháng 9 năm 2024. (Nguồn: Achmad Ibrahim/AP.)
Bảy người ở Indonesia đã bị bắt giữ sau âm mưu tấn công Đức Phanxicô bất thành trong chuyến đi của ngài đến Indonesia. Họ đã bị cảnh sát bắt giữ ngày 2 và 3 tháng 9 tại Jakarta, Bogor và Bekasi.
Đại tá phát ngôn viên Aswin Siregar nói với nhà báo : “Các cuộc điều tra đang tiến hành và không biết những người này có biết nhau không, có thuộc một nhóm khủng bố nào hay không. Chúng tôi giám sát và lọc thông tin. Chúng tôi nhận thông tin từ công chúng. Chúng tôi đã có hành động pháp lý với bảy nghi can, họ có các lời đe dọa dưới hình thức tuyên truyền, đe dọa khủng bố qua mạng xã hội, đe dọa đốt cháy các địa điểm.”
Một nguồn tin nói với The Straits Times, một trong những người bị giam giữ ở một ngôi nhà có cung tên, máy bay không người lái và các tờ quảng cáo của tổ chức Hồi giáo cực đoan ISIS. Theo nguồn tin này, một trong những người bị bắt là một chiến binh thuộc cùng nhóm khủng bố đã tấn công Wiranto (trong vụ Bộ trưởng An ninh Indonesia bị hai tên khủng bố hồi giáo đâm và làm bị thương năm 2019).
Nguồn tin cũng cho biết họ bất bình chuyện Đức Phanxicô đến nhà thờ hồi giáo Istiqlal ở Jakarta và lời kêu gọi của chính phủ với các đài truyền hình không phát sóng sự kiện, xin cầu nguyện cho người hồi giáo.
Trong những thập kỷ vừa qua, Indonesia đã phải hứng chịu các cuộc tấn công của người hồi giáo bắt đầu từ vụ đánh bom năm 2002 ở Bali làm cho hơn 200 người thiệt mạng.
Ngày thứ năm 5 tháng 9, Đức Phanxicô gặp Đại giáo chủ Giáo hội Hồi giáo Istiqlal Nasaruddin Umar và đã ký một tuyên bố chung kêu gọi khoan dung và hành động để chấm dứt sự biến đổi khí hậu. Tuyên bố cho biết phi nhân hóa được đánh dấu bằng bạo lực và xung đột lan rộng, làm cho nhiều nạn nhân bị thiệt hại. Ngài nói: “Điều đáng lo ngại là tôn giáo thường bị lợi dụng trong vấn đề này, tạo đau khổ cho nhiều người, đặc biệt cho trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi. Vai trò của tôn giáo là thúc đẩy, bảo vệ phẩm giá của mọi người.” Đức Phanxicô và Đại giáo chủ hồi giáo Nasaruddin Umar đưa ra một loạt kêu gọi dựa trên giáo lý tôn giáo của mình, kêu gọi đầu tiên là thúc đẩy các truyền thống tôn giáo để đánh bại loại văn hóa bạo lực và thờ ơ đang gây đau khổ cho thế giới chúng ta: “Thật vậy, các giá trị tôn giáo nên hướng thúc đẩy một nền văn hóa tôn trọng, phẩm giá, lòng trắc ẩn, hòa giải và đoàn kết anh em để vượt qua sự phi nhân tính và hủy hoại môi trường.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch