Cựu sứ thần Carlo Viganò lo sợ cho tính mạng của mình

104

Cựu sứ thần Carlo Viganò lo sợ cho tính mạng của mình

cath.ch, Raphael Zbinden, 2024-08-21

Cựu sứ thần Carlo Maria Viganò không công nhận thẩm quyền của Giáo hoàng | © Tổng Giáo Phận Boston/Flickr/CC BY-ND 2.0

Tháng 7 năm 2024, cựu sứ thần Carlo Maria Vigano bị dứt phép thông công, trong một phỏng vấn với nhật báo Ý Il Messaggero ông lo cho tính mạng của mình. Ông nhắc lại các thuyết âm mưu của ông về Vatican và về Đức Phanxicô.

Ngày 21 tháng 8, cựu sứ thần Viganò nói với nhà báo Franca Giansoldati của nhật báo Ý Il Messaggero: “Sau khi xuất bản quyển hồi ký về vụ McCarrick tháng 8 năm 2018, một trong những người liên hệ của tôi ở Hoa Kỳ cho biết mạng sống của tôi đang gặp nguy hiểm.”

Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò là sứ thần tại Hoa Kỳ từ năm 2011 đến năm 2016. Năm 2018, ông công khai cáo buộc Đức Phanxicô che đậy hành vi lạm dụng của hồng y Theodore McCarrick. Cựu hồng y tổng giám mục Washington McCarrick bị kết án lạm dụng tình dục, đặc biệt với trẻ vị thành niên, và bị loại khỏi hàng giáo sĩ năm 2019. Liên quan đến những cáo buộc này, cựu sứ thần Viganò đòi Giáo hoàng phải từ chức. Trong một cuộc điều tra công bố năm 2020, Vatican chứng minh các cáo buộc này là sai, nêu bật trách nhiệm của chính cựu sứ thần Viganò đã xử lý sai vụ việc. Bất chấp tất cả, cựu sứ thần tiếp tục tấn công giáo hoàng Phanxicô và Vatican trong các bài viết mang tính chất của thuyết âm mưu.

Dứt phép thông công

Tháng 7 năm 2024, cựu sứ thần đã chính thức bị Bộ Giáo lý Đức tin dứt phép thông công. Biện pháp này được biện minh bằng những tuyên bố công khai lặp đi lặp lại của cựu sứ thần: “Không công nhận, không vâng phục Giáo hoàng, từ chối hiệp thông với các thành viên trong Giáo hội cũng như tính hợp pháp và thẩm quyền huấn quyền của Công đồng Vatican II.”

Cựu sứ thần xem biện pháp này là “một vinh dự”, cho rằng biện pháp này không hợp lệ vì theo ông chính quyền Vatican không “hợp pháp”. Cựu sứ thần nói: “Họ muốn kết án tử hình tôi, nhưng sự thật không thể bị giết chết.”

“Tôi không muốn có một kết cục như kết cục của Hồng y Pell”

Cựu sứ thần Viganò nghĩ họ tìm cách loại bỏ ông về mặt thể lý. Ông nói với nhật báo Il Messagero ông lo cho tính mạng của mình, ông không “ở một nơi cố định”. Ông nói: “Tôi không muốn có kết cục như kết cục của Hồng y Pell, cũng như kết cục của sứ thần Pietro Sambi tiền nhiệm của tôi ở Washington qua đời năm 2011, bóng gió cho rằng Tổng giám mục Pietro Sambi bị ám sát vì đã “đối đầu gay gắt” với cựu hồng y Theodore McCarrick, Vatican muốn che giấu sự thật về cựu hồng y McCarrick: “Tổng giám mục Sambi chết trong tình huống chưa bao giờ được làm sáng tỏ, sau một vụ phẫu thuật tầm thường. Giấy chứng tử cấp cho Tòa sứ thần không giải thích nguyên nhân cái chết của Tổng giám mục Sambi, và tử thi của Tổng giám mục Sambi chưa bao giờ được thử nghiệm.”

Sau những biến chứng về tim, Hồng y George Pell qua đời tháng 1 năm 2023 cũng trong một vụ phẫu thuật. Cái chết của ông làm dấy lên tin đồn, rằng đây là chuyện “thường lệ” của những vụ bịt miệng để ông không tiết lộ những vụ bê bối tài chính tại Vatican.

Tinh hoa theo chủ nghĩa toàn cầu hóa

Một cách chung chung, cựu sứ thần nhắc lại lý thuyết “tinh hoa theo chủ nghĩa toàn cầu hóa” đang giật dây các chính phủ trên thế giới và cả Vatican. Công đồng Vatican II là công cụ chính để cách mạng hóa Giáo hội, bằng cách tin lành hóa và thế tục hóa để hướng Giáo hội đến sự hiệp nhất đồng bộ với tất cả các tôn giáo. Theo cựu sứ thần, đằng sau tất cả những chuyện này là “dự án Hội Tam điểm: tôn giáo của nhân loại đại kết và toàn diện”.

Ông phủ nhận tin đồn ông có ý định thành lập một “Giáo hội song song” dựa trên mô hình Huynh đoàn Giáo sĩ Thánh Piô X đã tách khỏi Rôma từ năm 1988. Cựu sứ thần thường lấy cộng đồng ly giáo này ra làm ví dụ, nhưng họ giữ khoảng cách với cựu sứ thần.

Xét xử hai anh em sứ thần

Trên nhật báo Il Messagero, cựu sứ thần tức giận khi bị cho là “kẻ ăn cắp, kẻ lừa đảo”, sau phiên tòa xét xử ông chống lại với chính anh ruột của ông là Lorenzo Viganò. Cựu sứ thần có trách nhiệm quản lý tài sản gia đình. Sau cái chết của người cha, cựu sứ thần bị người anh buộc tội đã quản lý sai tài sản thừa kế, không chia tài sản công bằng, giữ một phần đáng kể cho riêng mình.

Năm 2018, tòa án Ý ra phán quyết có lợi cho Lorenzo, ra lệnh cựu sứ thần bồi thường thiệt hại 1.8 triệu âu kim cho Lorenzo.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch