Chúng ta cần Đức Gioan Phaolô II
thecatholicthing.org, Linh mục Jeffrey Kirby, 2024-07-07
Tháng 5 vừa qua, cô cháu của tôi đậu trung học. Cháu sinh năm 2005, ba tháng trước khi Thánh Gioan-Phaolô II vĩ đại qua đời. Có quá lâu không, khi thế hệ trẻ lớn lên không biết Đức Gioan-Phaolô II là ai? Ngài là người đặc biệt quan tâm đến giới trẻ, là người mở đầu các Ngày Thế Giới Trẻ.
Câu hỏi này cho thấy một vấn đề còn rộng lớn hơn. Tôi hỏi cô cháu xem cô biết gì về Đức Gioan-Phaolô II. Cô hồn nhiên trả lời: “Đức Gioan-Phaolô II là ai?” từ nhỏ đến lớn, cô chưa bao giờ nghe nói về ngài, ngoại trừ một vài lời của người chú làm linh mục của cô!
Di sản của Thánh Gioan-Phaolô II bây giờ như thế nào? Có phải chúng ta đã để mất chứng từ kiên định và sống động ra khỏi ký ức tập thể không? Chủ nghĩa thế tục bào mòn uy tín, làm suy yếu ảnh hưởng của Giáo hội trong việc thuyết phục nhân loại chấp nhận Tin Mừng. Và có phải chúng ta đang thực sự vứt bỏ cuộc đời của một vị thánh có thể chống lại chủ nghĩa thế tục, để thấy được vẻ đẹp và sự tự do của một đời sống phong phú trong Chúa Giêsu Kitô không?
Xu hướng này mang tính nuốt chửng, ngược với lời giảng dạy của ngài. Thật phi lý khi từ chối bất kỳ nguồn sức nào có thể giúp giới trẻ lắng nghe Giáo hội, lắng nghe Tin Mừng để hướng nhân loại đến với sự cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô.
Vì thế trong lãnh vực truyền giáo, chúng ta phải chân thành đặt câu hỏi: di sản của Đức Gioan Phaolô II biến mất có phải là một thiếu sót hay một tội?
Có phải chúng ta cố tình để cho chứng tá của vị thánh lớn rất cần thiết cho ngày nay bị chôn vùi vì đấu đá nội bộ, vì những bất đồng trong các phương cách mục vụ không? Sự ghen tị hay lo sợ trước di sản lớn lao hơn cả cuộc đời của ngài, có là yếu tố đưa đến việc cố tình bỏ mặc, không làm nổi bật cuộc đời và di sản của vị thánh vĩ đại này không?
Trong thời đại mà tự do đã lãng quên sự thật và tình yêu được định nghĩa lại để phá hoại lòng tốt, chúng ta cần những lời dạy khôn ngoan của một người đã sống, đã hướng dẫn các chế độ, các hệ tư tưởng thao túng làm suy thoái bản sắc tinh thần của nhân loại, tìm cách thuyết phục chúng ta, cuộc sống chỉ cần tiện ích, vui thú và quyền lực. Chúng ta cần biết mối liên hệ giữa đức tin và lý trí, biết vẻ huy hoàng của chân lý, thần học về thân xác và giáo lý về đức ái mà Đức Gioan Phaolô II đã tin tưởng và giảng dạy rất rõ ràng.
Đức Gioan-Phaolô II – Zbigniewa Kotyłły, 2012 (Nhà thờ chủng viện Lublin, Ba Lan, Wikipedia)
Vào thời điểm mà chủ nghĩa man rợ chiếm lại vị trí, các cuộc tấn công vào nhân phẩm ngày càng gia tăng và những người dễ bị tổn thương trở thành con mồi dễ dàng, chúng ta cần sự hướng dẫn mục vụ của người đã bất chấp mọi trở ngại, mạnh dạn tuyên bố để bảo vệ phẩm giá con người. Chúng ta cần Đức Gioan Phaolô II dạy chúng ta học thuyết xã hội và đặc biệt là Tin Mừng về sự sống. Chúng ta cần chứng từ và những bài giảng của ngài để hướng dẫn chúng ta cách sống và phát huy nền văn hóa sự sống.
Trong thời đại mà nhân loại được dạy không có cái gì là tuyệt đối về đạo đức, không có lời kêu gọi nhân đức, không có khả năng làm điều tốt, và nhân loại chỉ được định nghĩa qua tội lỗi và qua sự mong manh của chính chúng ta, chúng ta thực sự cần đến lòng thương xót, chữa lành và hoán cải. Chúng ta cần sức mạnh để nhận ra mình có tội, thú nhận tội trước mặt Thiên Chúa và nhận biết lòng thương xót Chúa, sự tái sinh mà Ngài đã ban cho chúng ta qua Mình Máu Thánh Ngài. Chúng ta cần những lời dạy của Đức Gioan Phaolô II về lòng sám hối, lòng thương xót và lời khuyên rõ ràng của ngài về cách sống của một người con của Chúa.
Vào thời điểm mà gia đình nhân loại mất hy vọng, chúng ta cần chứng tá hy vọng vĩ đại, lòng tin tưởng tuyệt đối của ngài, mỗi người chúng ta có thể sống chân thực theo một Tin Mừng không khoan nhượng và nhân loại có thể xây dựng một văn minh của tình yêu đích thực.
Khi Vatican II biến mất khỏi bối cảnh Giáo hội, chúng ta cần tiếng nói của Đức Gioan-Phaolô II, nghị phụ Công đồng và là người giải thích công đồng Vatican II. Chúng ta cần sự sáng suốt và khôn ngoan của một trong những giáo hoàng tiếp tục sứ vụ của mình trong thời gian dài nhất của lịch sử Giáo hội. Chúng ta cần lời khuyên của ngài trên con đường của Giáo hội ngày nay.
Chúng ta cần Đức Gioan Phaolô II!
Thay vì làm suy giảm di sản của ngài, các nhà lãnh đạo Giáo hội và những người có ảnh hưởng về văn hóa nên đến gần ngài hơn, tìm kiếm tình bạn thiêng liêng ở ngài và để ngài hướng dẫn chúng ta. Người lãnh đạo giỏi là người biết khi nào mình nên đứng trên vai người khổng lồ. Khả năng lãnh đạo mạnh sẽ cảm thấy thoải mái khi đứng dưới bóng người vĩ đại và vui mừng trước lời chứng, lời giảng dạy, trước con đường quý giá người đó đã đi qua.
Và khi nào danh hiệu hợp pháp “Vĩ đại” sẽ thành bình thường với Đức Gioan-Phaolô II? Khi nào thì quá trình này sẽ bắt đầu để người môn đệ tận tụy của Chúa, người thầy lỗi lạc của đức tin, người yêu sự thật, người ngưỡng mộ cái đẹp, người bảo vệ điều thiện, người rao giảng lòng thương xót, người bảo vệ phẩm giá con người, người bảo vệ gia đình, người bạn của người trẻ, người cha của người yếu đuối và bạn đồng hành của người nghèo được tuyên bố một cách chính đáng và cao quý nhất là Tiến sĩ thứ ba mươi tám của Giáo hội?
Những cố gắng này, chứng từ cũng như giáo huấn của ngài trong việc dạy giáo lý và rao giảng đại chúng sẽ dẫn chúng ta đến ngày mà khi được hỏi, một tín hữu kitô trẻ sẽ không trả lời “Đức Gioan-Phaolô II là ai?”, nhưng họ sẽ trả lời: “Tôi yêu Đức Gioan Phaolô II! Tôi thực sự thích giáo hoàng này! Tôi cầu nguyện với ngài và tôi biết ngài tin tưởng tôi. Tôi thực sự yêu thích những bài viết của ngài về lòng thương xót, về phẩm giá con người, về tình yêu, về bất cứ gì ngài để lại.”
Marta An Nguyễn dịch