Họ đã thưa “Xin vâng” với Chúa hàng chục lần

87

Họ đã thưa “Xin vâng” với Chúa hàng chục lần

Hình minh họa © M-C.Bertin

fr.aleteia.org, Morgane Afif, 2023-06-12

Các chủng sinh cần đào tạo 7 năm để trở thành linh mục. Các chủng sinh Vianney, Baudoin và Vincent đã đánh dấu hành trình của họ trong những năm qua.

“Con đây”: từ khi vào chủng viện, câu này đã được các chủng sinh xướng lên nhiều lần. Để đáp lời kêu gọi của giám mục, mỗi năm họ đọc lời khấn xin dâng trọn đời sống của mình cho Chúa, phân định này họ đã làm trong 6 năm. Tiếng “xin vâng” này họ cố gắng đáp lại trong suốt thời gian theo học ở chủng viện.

Baudouin Auzou, chủng sinh giáo phận Paris. © M-C.Bertin

Tiếng “Xin vâng” đầu tiên của chủng sinh Vincent Duchêne của giáo phận Versailles bắt nguồn từ những năm còn là sinh viên: “Tôi 22 tuổi, đang học trường kinh doanh thì tiếng gọi này đến với tôi. Tôi đã nói lời “xin vâng” chính thức đầu tiên trong nghi thức phụng vụ tiếp nhận các ứng viên vào chức linh mục. Tôi đã trả lời “Con đây” cho giám mục của tôi, sau ba năm tôi được đào tạo trong chủng viện.”

Lời “Xin vâng” mỗi năm

Chủng sinh Baudoin giải thích: “Khi vào chủng viện thì vẫn chưa có gì quyết định. Năm đầu tiên là năm nền tảng thiêng liêng dựa trên một số trụ cột, như đời sống huynh đệ, đọc Kinh thánh, cầu nguyện và phục vụ. Phần lớn công việc phân định được thực hiện trong năm này.”

Chủng sinh Vincent Duchêne giáo phận Versailles. © M-C.Bertin

Trong suốt những năm này, các chủng sinh vẫn hoàn toàn tự do. Chủng sinh Beaudoin cho biết: “Chính Hiệp hội Ơn gọi tài trợ việc học và tất cả các nhu cầu thực tế của cuộc sống, thức ăn và chỗ ở của chúng tôi. Chúng tôi có tiền túi để thỉnh thoảng đi uống bia và mua vé xe về thăm gia đình. Sinh hoạt rất tốn kém nhưng nhờ có các nhà tài trợ trung thành nên chúng tôi có thể theo học mà không phải lo vấn đề tài chính. Thứ năm hàng tuần, chúng tôi có thánh lễ cầu nguyện cho các ân nhân.”

Vào cuối năm dự bị, các chủng sinh lặp lại lời “Xin vâng” qua thư đầu tiên gởi giám mục trong loạt năm thư xác nhận mong muốn được vào chủng viện của họ. Tiếp theo là hai năm học triết học, cuối những năm này họ gởi thư lên giám mục để tiếp tục xin làm chủng sinh cho chức linh mục, sau đó là bốn năm thần học. Anh Baudoin giải thích: “Những thư này bảo đảm chúng tôi luôn tái cam kết quyền tự do, không để mình nghĩ mọi chuyện đều ổn. Một người bạn của tôi sau ba năm theo học đã nhận ra anh không có ơn gọi làm linh mục. Việc người bạn rất thân sắp rời chủng viện ở giai đoạn cuối đã giải phóng tôi: tôi nhận ra tôi không ở đây vì mọi chuyện ổn với tôi, nhưng vì tôi đã có một lựa chọn để đáp lại ơn gọi của tôi.”

Vianney Audurieau, chủng sinh giáo phận Meaux. © M-C.Bertin

Anh Vincent giải thích: “Khi vào chủng viện, tôi đã triệt để nói “Xin vâng”, vì với tôi, lựa chọn đã rõ ràng. Sau đó, tôi lặp lại lời Xin vâng này mỗi năm, từ năm dự bị cho đến các năm đọc sách, giúp lễ và phó tế. Còn với anh Vianney, “Xin vâng lớn nhất là với chức phó tế vì đó là lúc dấn thân cả thể xác và tâm hồn cho đời sống độc thân thánh hiến. Đây là bước đầu tiên của bí tích chịu chức: chức phó tế, linh mục và giám mục.”

Anh Vincent kết luận: “Cuối cùng thì cũng như lời Xin vâng được lặp lại hàng năm với những hệ quả khác nhau tùy vào cam kết.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch