Tìm hiểu đức tin qua dụ ngôn

46

Tìm hiểu đức tin qua dụ ngôn

lavie.fr, Alexia Vidot, 2024-06-14

So sánh và các câu hỏi hóc búa

Các dụ ngôn là trọng tâm giáo huấn của Chúa Giêsu; theo nhà chú giải Daniel Marguerat, Phúc Âm Nhất Lãm có 43 dụ ngôn. Vì sao Chúa Giêsu dùng dụ ngôn? Trước tiên chúng ta cần hiểu ý nghĩa của từ nguyên này. Nguồn gốc tiếng hy lạp là ném bên cạnh, para-ballein và từ đó là so sánh và gộp lại với nhau. Tương ứng với từ machal trong tiếng do thái có nghĩa là “bí ẩn”.

Dụ ngôn là bài viết ngắn gọn, giàu hình ảnh và biểu tượng, mang hình thức một câu chuyện bí ẩn, tạo bối rối.

Một cố gắng giải thích

Là giáo sư, là nhà giáo dục giỏi, Chúa Giêsu biết sức mạnh của việc làm gương. Để giúp chúng ta có thể hiểu được những thực tế bên ngoài chúng ta – ở đây là các bí ẩn của Nước Trời – Ngài bắt đầu bằng những thực tế qua kinh nghiệm của chúng ta. Nhưng cách giảng dạy này không thể làm được nếu chúng ta không tích cực tham dự, không có sự cộng tác của chúng ta để lời Chúa Giêsu rơi xuống đất tốt.

Ý nghĩa của các dụ ngôn không bao giờ rõ ràng, trên thực tế nó nhắm vào trí thông minh của chúng ta, vì thế liên quan đến tự do của chúng ta. Họ đòi hỏi chúng ta cố gắng suy nghĩ để hiểu: “Ai có tai thì nghe!” (Mc 4:9), qua đó Ngài mời gọi chúng ta tự đi tìm ý nghĩa Lời của Ngài. Nhưng, chúng ta nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu.

Chúa Giêsu, dụ ngôn đích thực của Thiên Chúa

Bằng ngôn ngữ dụ ngôn, Chúa Giêsu không có ý giảng kiến thức về một Thiên Chúa trừu tượng, tách rời khỏi đời sống cụ thể của chúng ta: Ngài muốn chúng ta thấy Thiên Chúa hằng sống ẩn mình trong thế giới này và trong các thực tại hàng ngày, nơi Ngài hành động, giống như hạt giống chôn trong lòng đất mang trong nó là cả một cây to lớn sau này.

Đức Bênêđíctô XVI viết: “Đó là sự hiểu biết được ban như một ơn để nói với chúng ta: Thiên Chúa đang trên đường đến với chúng ta. Nhưng ở đây kiến thức đặt ra một yêu cầu: phải có đức tin và để cho đức tin hướng dẫn.” Qua đó, các dụ ngôn là lời mời gọi hoán cải. Chính Chúa Giêsu là “dụ ngôn” thực sự của Thiên Chúa, vì dưới dấu hiệu nhân tính ẩn giấu, Ngài bộc lộ thiên tính của Ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch