Linh mục Joël Pralong: chúng ta phải tương đối hóa chữ “frociaggine” của giáo hoàng

68

Linh mục Joël Pralong: chúng ta phải tương đối hóa chữ “frociaggine” của giáo hoàng

cath.ch, Lucienne Bittar, 2024-05-29

Linh mục Joël Pralong, cựu giám đốc chủng viện giải thích về chữ “fociaggine, làm tình bằng hậu môn” Đức Phanxicô nói sau cánh cửa đóng kín ngày 20 tháng 5 năm 2024 với các giám mục Ý, và một tuần sau đó đã bị rò rỉ tạo khó hiểu và phẫn nộ. Thực sự quan điểm của Đức Phanxicô về vấn đề đồng tính là gì?

Ngày thứ ba 28 tháng 5, linh mục Pralong nói với Vatican News: “Đức Phanxicô không bao giờ có ý xúc phạm hoặc nói những từ ngữ kỳ thị người đồng tính, ngài đã xin lỗi những ai cảm thấy bị xúc phạm khi ngài dùng từ ngữ được các bên thứ ba báo cáo. Nhưng đã có gì đáng ngại không?

Linh mục là cựu giám đốc chủng viện, tác giả của một số tác phẩm về đồng tính trong đó có quyển Người đồng tính, người chuyển giới và Chúa chúc phúc cho họ! (Homos, trans et Dieu les bénit! Nxb. St-Augustin 2024), linh mục cho rằng chúng ta không nên xem trọng những lời này để không làm sai lệch đường lối mà ngài luôn bảo vệ người đồng tính từ đầu triều của ngài.

Cá nhân cha, cha nghe tin này như thế nào?

Linh mục Joël Pralong: Trước hết tôi cười, sau đó là bình an. Câu này hoàn toàn theo phong cách Bergoglio và ngài có quyền nói như vậy. chúng ta đừng quên câu này được nói trong một thảo luận thân mật vốn không được phép lộ ra. Đây là lời nói bộc phát, đôi khi tạo cảm giác mâu thuẫn với chính mình. Thêm nữa ngày hôm sau ngài đã xin lỗi.

Tôi nghi không biết đây có phải là suy nghĩ sâu xa của ngài không như trong trường hợp tuyên bố Fiducia supplicans, tài liệu được chính ngài ký. Chính đường lối đạo đức này mới là quan trọng, đó là điều ngài đã bảo vệ trong 11 năm, khi ngài khẳng định “nếu một người đồng tính chân thành đi tìm Chúa, thì tôi là ai mà phán xét họ?”

Cuộc thảo luận lẽ ra tập trung vào việc cải cách một quy tắc được Đức Bênêđictô XVI ban hành năm 2005: loại những người đồng tính có hoạt động tình dục, những người có “khuynh hướng đồng tính hoặc ủng hộ văn hóa đồng tính” ra khỏi chủng viện. Với những lời này liệu Đức Phanxicô có đột ngột theo Đức Bênêđíctô XVI không?

Một lần nữa, tôi nghĩ sự bộc phát có thể lấn át suy nghĩ. Trong câu này, vấn đề không phải là có thực hành đồng tính hay không, chúng ta không thể bắt ngài nói câu ngài không nói. Về phần tôi, tôi nghĩ dường như ngài muốn phản đối việc cho người ‘đồng tính’ công khai vào chủng viện, dù họ có thực hành tính dục của mình hay không. Thuật ngữ đồng tính được liên kết với một phong trào gần như chính trị, với cuộc vận động hành lang. Và tôi biết có những người đồng tính công khai tham gia các cuộc hội thảo ở Ý là những nhà hoạt động vì mục đích này.

“Về phần tôi, tôi nghĩ dường như ngài muốn phản đối việc cho người ‘đồng tính’ công khai vào chủng viện, dù họ có thực hành tính dục của mình hay không.”

Chúng tôi không thể nhận vào chủng viện một người tự cho mình là nhà hoạt động vì chính nghĩa đồng tính hoặc muốn tiếp tục cam kết trong một quan hệ đồng tính. Chúng tôi xin họ sống cuộc sống cho đi và khiết tịnh, ít nhất là trong nhà chúng tôi. Giám mục Charles Morerod chính xác nói điều này trong quyển sách phỏng vấn với nhà báo Camille Krafft Ngươi không lạm dụng (Tu n’abuseras point. Nxb. Slatkine 2024). Khiết tịnh có nghĩa là nhìn người khác với cái nhìn không quyến rũ, không hòa nhập.

Trong một loạt các giải thích có thể có, một số người cho rằng giáo hoàng không còn muốn người đồng tính vào chủng viện. Nói rộng ra, các linh mục đồng tính chắc chắn sẽ bị cám dỗ sống hai mặt. Cha nghĩ sao?

Tôi thực sự nghi không biết đây có phải là suy nghĩ của ngài hay không! Nếu thế ngài sẽ phải yêu cầu một số lượng lớn các linh mục, ở tất cả các nước trên thế giới rời bỏ chức vụ! Tôi không có một số liệu thống kê nào để đưa ra, nhưng tôi có nhiều tài liệu nói về vấn đề này.

Với tư cách là cựu bề trên chủng viện Sion ở Fribourg, Thụy Sĩ, tôi đã mời một nhà tâm lý học kitô giáo đến dự một buổi thảo luận về cảm xúc và tình dục. Ông cho biết khi ông tổ chức khóa học này ở Pháp, 80% chủng sinh hỏi ông những câu hỏi về đồng tính, điều này cho thấy chủ đề này đặt ra những câu hỏi. Chúng ta không được phép che giấu. Tôi đưa ra khẳng định dựa trên kinh nghiệm của tôi vì tôi đã nghiên cứu vấn đề này ở hơn 20 giáo phận Thụy Sĩ, Pháp và Brazil trong bối cảnh chăm sóc mục vụ gia đình.

“Khi một người trẻ vào chủng viện, dù là đồng tính hay dị tính, điều quan trọng là sự trưởng thành của người đó chứ không phải khuynh hướng tình dục của họ.”

Trong phần thứ hai của câu hỏi, tôi muốn nói các linh mục dị tính hay đồng tính đều phải đối diện với những lựa chọn và khó khăn giống nhau trong việc kiêng quan hệ tình dục. Từ bỏ hoạt động tình dục là một hy sinh, và lựa chọn này là một đấu tranh khốc liệt! Nhưng nó cũng đi kèm với những niềm vui tinh thần lạ thường.

Thêm nữa, điều có thể tạo ra vấn đề giữa các linh mục hoặc chủng sinh có khuynh hướng đồng tính là việc giữ bí mật, thậm chí bị ẩn ức, có nguy cơ làm cho họ có những thái độ không nhất quán và gây tai tiếng.

Việc giáo hoàng nói về nguy cơ “frociaggine” có dẫn đến việc ẩn ức nhiều hơn không?

Có, đó là lý do vì sao phải đưa những lời nói này vào đúng chỗ của nó để không làm nặng thêm mặc cảm tội lỗi của những người liên quan. Điều nghiêm trọng không phải là xu hướng đồng tính, nhưng là vấn đề ẩn ức. Vì bí mật thường dẫn đến thái độ lạm dụng quyền lực và thống trị, ham muốn chiếm hữu người khác. Sự ẩn ức làm xa lý tưởng khiết tịnh.

Một sai lệch khác có thể xảy ra, đó là điều tôi gọi là chủ nghĩa phụng vụ. Phụng vụ là một không gian được trải nghiệm như một nơi hoàn thiện, thanh lọc, liên quan đến cuộc sống không phù hợp với lý tưởng. Đó là nơi chúng ta hoàn hảo. Vì vậy, điều này không phải là tầm thường. Việc tập trung vào các hình thức phụng vụ cầu toàn có thể nhanh chóng trở thành nơi ẩn náu.

Vì thế tôi nhấn mạnh. Để phá bỏ những điều cấm kỵ, chúng ta phải nói về chúng, không phải dưới góc độ đe dọa và cấm đoán mà dưới góc độ nhân văn. Như Đức Phanxicô đã làm trong 10 năm qua. Và chính định hướng này của ngài chúng ta phải giữ, chứ không phải cụm từ đáng tiếc này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch