Sáng nay trước khi đi học lớp: Phúc Âm hóa ước muốn, tôi nhận thư của cha xứ Đốc Sơ nói về lòng bác ái của mẹ tôi, đọc xong tôi ngẫn ngơ cả ngày, đầu óc cứ nghĩ về mẹ tôi, tôi cảm thấy như có một món nợ chưa trả xong…
Mẹ tôi có lòng bác ái, chúng tôi sống quen trong bầu khí này nên chẳng còn thấy đó có một cái gì lạ lùng, phi thường…
Giáo sư dạy lớp Phúc Âm hóa ước muốn là một cha lớn tuổi, dòng Truyền Giáo Tự Hiến (Oblats: dòng tự hiến cho Chúa trong tu viện với tất cả tài sản của mình, nhưng không có lời khấn và không mặc áo dòng). Đó là một giáo sư uyên bác, nhưng điều gây ấn tượng nơi giáo sư là khi nhắc đến các tư tưởng gia có cuộc đời thánh thiện, ông xúc động mãnh liệt, giọng nói run run, cung cách tôn kính.
Phúc Âm hóa ước muốn! Ước muốn gì trong cuộc đời? Ước muốn ba điều quan trọng:
– Một cái gì tốt.
– Một cái gì đúng.
– Một cái gì đẹp.
Và phải vinh danh lòng tốt của người khác. Chưa vinh danh lòng tốt của người khác thì khoan nói đến chuyện vinh danh Chúa.
Vị giáo sư xúc động sâu xa khi nhắc đến lời nói của nhà huyền bí Thụy Sĩ Maurice Zundel: “Tôi đi diễn thuyết nhiều, trên đường đi tôi gặp rất nhiều người, nhưng dù đó là người hành khất, tôi cũng phải tin tưởng và vinh danh lòng tốt của họ, tôi phải xứng đáng với lòng tốt của họ, có như thế tôi mới xứng đáng với lòng tốt của Thiên Chúa.”
Cả ngày tôi cứ nhẩm đi nhẩm lại bức thư của cha xứ Đốc Sơ:
Đốc Sơ, tháng 11-2002
Xin chào chị,
…
Cách đây hai năm, khi bà ngoại về thăm Đốc Sơ, bà thấy ghế ngồi trong nhà thờ xiêu vẹo, hư, mọt, chật hẹp… Bà không chịu được liền phán: “Dì sẽ cho tiền đóng ghế mới”. Tôi tiếc tiền giùm cho bà, vì tốn khá nhiều tiền, nên can bà: “Thôi kệ!”.
Một năm sau bà gởi thơ xin tôi tính toán đóng ghế tốn bao nhiêu? Tôi giả vờ không trả lời. Ít tháng sau bà gởi thơ nhắc lại và bảo: phải đóng bàn quì có bọc nệm cho khỏi đau đầu gối. Tôi tức cười quá, vì cả giáo phận Huế không có nhà thờ nào có ghế quì bọc nệm! Mà cả nước Việt Nam e cũng chẳng có nhà thờ nào có ghế quỳ bọc nệm!
Tôi trả lời sơ sơ cũng tốn trên 1.000. Bà lặp lại đóng bàn quì bọc nệm! Tốn nhiều tiền lắm! Thực ra nếu đóng mới tất cả 60 bộ ghế gỗ thì phải tốn hơn gấp rưỡi.
Bây giờ bà không tha cho đống ghế xứng đáng làm củi mùa đông!
Vừa mừng cho giáo xứ, mà cũng lo cho lòng bác ái quá sức của bà. Bà đã là bà cố mà bà chưa chịu nghỉ ngơi, cứ luôn lo lắng làm việc, giúp hết người này tới người kia, lo hết việc này tới việc nọ.
Ghế đóng chừng một tháng là xong. Bà sắp về Việt Nam phải không chị?
Xin thăm chị,
…
Vì sao mẹ tôi cao cả như thế mà lâu nay tôi không thấy, tôi chỉ thấy bà qua hình ảnh một người mẹ hay than phiền con, một người vợ hay cằn nhằn chồng… tôi chưa thấy được chiều kích sĩ phu, chiều kích lương thức nơi mẹ tôi.
Sĩ phu: Khi nước nhà gặp nguy biến, sĩ phu ra tay. Khi ai thiếu thốn, việc gì cần làm, sĩ phu ra tay. Mẹ tôi như thế!
Lương thức: Khi lương tâm lay động, thấy việc tốt, việc đúng, việc đẹp thì âm thầm làm. Mẹ tôi như thế!
Lời vị giáo sư giảng rõ ràng: “Không chối cãi, bác ái là một ơn…”
Ngồi học mà tôi cứ thầm trách mình ngu si, khi nói đến tài ba của Mozart, của các nghệ sĩ, lúc nào tôi cũng cho đó là ơn của Chúa, ngưỡng phục họ là chuyện dư thừa, thế nhưng lòng vẫn cứ thầm mong mình có được ơn như vậy. Còn bác ái cũng là một ơn mà tôi xem những người làm việc bác ái là những người có dư của cải! Suy nghĩ như thế, tôi thật không xứng đáng nhận của cải, không xứng đáng là con của mẹ tôi, lại càng không xứng đáng là con Chúa!
Tôi phải vinh danh lòng tốt của mẹ tôi.
Tôi phải xứng đáng với lòng tốt của bà.
Bây giờ công việc đóng bàn ghế bà đã âm thầm làm xong. Từ nay tôi phải xin bà cho tôi phụ một tay vào các công việc của bà.
Cám ơn bức thư của cha xứ Đốc Sơ.
Cám ơn giáo sư đã mở trí cho tôi.
Tạ ơn Chúa đã dẫn đường cho tôi đi.
Marta An Nguyễn