Thánh Augustinô, tình yêu, tình dục và tội lỗi… một ngộ nhận?
lavie.fr, Isabelle Francq, 2024-05-09
Thánh Augustinô trong phòng làm việc của ngài, Tranh Botticelli.
Phát biểu tại hội nghị Triết học, linh mục Dòng Tên Dominique Salin, giáo sư thần học và văn học tâm linh tại Trung tâm Sèvres, Paris gạt bỏ những thành kiến mà Giáo hội đã phải trả giá của việc từ bỏ tính dục của Thánh Augustinô.
Dù tình yêu là trọng tâm trong các quan tâm của con người, nhưng tình yêu không hài hòa tốt với triết học, ngoài triết gia Plato, ít nhà tư tưởng Thời cổ đại xem tình yêu là chủ đề để suy nghĩ. Nhưng với Thánh Augustinô thì ngược lại, giữa tội lỗi và lòng đạo đức, tình yêu là trọng tâm. Để chứng minh rõ hơn điều, thần học gia vĩ đại là người đầu tiên trong nghệ thuật viết tiểu sử kể trải nghiệm lãng mạn của ngài. Chủ đề hội thảo Triết học ở Saint-Émilion năm nay là Tình yêu. Linh mục Dòng Tên Dominique Salin, chuyên gia về Thánh Augustinô giải thích tư tưởng ít được biết này ở phương Tây.
Chàng trai hào hoa quyến rũ các cô?
Don Juan (chàng trai hào hoa) ăn năn, khi được ơn Chúa đánh gục lúc 33 tuổi! Thánh Augustinô (354-430) đã bắt kitô giáo trả giá cho việc từ bỏ nhục dục của mình. Khi nói về Thánh Augustinô và tình yêu, chúng ta nên chấm dứt thành kiến này. Vào đầu thế kỷ thứ 5, ngài là giám mục giáo phận Hippone (bây giờ nay là Annaba, Algeria), người trách nhiệm về học thuyết tình dục của kitô giáo, bị đánh dấu bằng sự cấm đoán và mặc cảm tội lỗi. Thánh Augustinô có phải là người phát minh ra tội nguyên tổ không? Tội này có liên quan đến tình dục không? Với nhiều người, lỗi của ông Adong và bà Evà là đã ăn trái táo và truyền về mặt tình dục cho nhân loại, một sở thích quá mức với loại trái ẩn dụ bị cấm! Thực tế ít đơn giản, ít đẹp, ít mang tính triết lý và thi vị.
“Tôi phân tán sức lực, tôi sôi sục với nhục dục của tôi.” Chính những lời tự thú này mà Thánh Augustinô có gương mặt của người trụy lạc ăn năn. Và chúng ta luôn nhấn mạnh, sau khi trở lại năm 33 tuổi, quyết định đầu tiên của ngài là đuổi người phụ nữ ngài đang ở cùng. Với một số người, bạo lực ngài lên án trong Lời thú tội có thể là dấu hiệu của một dạng ám ảnh tình dục bệnh hoạn. Nhưng những thái quá mà Thánh Augustinô tự buộc tội chủ yếu liên quan đến những ngày hè ngài buộc phải ở Thagaste, ngôi làng quê hương của ngài khi ngài 15 tuổi. Thân phụ của ngài là nông dân nghèo nên ngài phải chờ học bổng để đi học khoa hùng biện. Để giết thì giờ, ngài đi lễ ngày chúa nhật để tán tỉnh các cô (Lời thú tội III, 3). Nhưng những hành động lệch lạc này không kéo dài.
Năm 17 tuổi khi còn học ở Carthage, ngài sống với người phụ nữ của đời mình, mẹ của một người con trai, ngài sống với bà 15 năm. Ngài chia tay bà một năm trước khi ngài trở lại, ngài quyết định rửa tội và đi tu. Chấm dứt để theo đuổi sự nghiệp. Ngài được bổ nhiệm làm diễn giả chính thức của triều đình Milano, người hùng biện chính thức của hoàng đế – một thiếu niên dưới quyền nhiếp chính của mẹ – ngài sắp được bổ nhiệm làm thống đốc một tỉnh của Đế quốc, ngài ở đỉnh cao danh dự, nhưng không có tiền. Sau đó, ngài bỏ người phụ nữ này, đính hôn với một nữ thừa kế giàu có nhưng cô gái mới 12 tuổi, tuổi hợp pháp là 14 tuổi nên ngài phải chờ.
“(…) Không thể chịu đựng được thời gian kéo dài áp đặt (hai năm trước khi có được người yêu), ít mặn mà với hôn nhân nhưng đúng hơn là nô lệ của đam mê, tôi có một phụ nữ khác; tất nhiên, đó không phải là vợ, nhưng là hình thức nuôi dưỡng căn bệnh trong tâm hồn tôi và kéo dài cho đến khi tôi có vợ.” Thú nhận lệ thuộc vào xung năng tình dục, xấu hổ nói lên ở đây là điểm quyết định trong quan niệm tình yêu của Thánh Augustinô. Đúng vậy, cho đến một ngày tháng 8 năm 386, khi nghe một giọng nói từ một nơi khác, ngài quyết định rửa tội và đi tu. Ngài tự xét, ngài không có khả năng sống tiết dục. Đó là đau khổ và thất vọng của ngài.
Khi mới bắt đầu học, ngài đọc các sách của triết gia Cicéron và của phái khắc kỷ, họ đã gieo vào lòng ngài ước muốn thành nhà hiền triết, có nghĩa là thành thánh. Việc khuyến khích tiết dục không phải là phát minh của kitô giáo. Nó không chiếm ưu thế trong đầu óc của người hy lạp-latinh ngoại giáo, nhưng cũng không kém phần có mặt; Plotinus, nhà Tân Platon vĩ đại vẫn độc thân. Điều này vẫn chưa được nhấn mạnh đủ: lý tưởng nên thánh mà Thánh Augustinô đặt ra cho ngài ở tuổi 16 gồm cả việc tiết dục. Nhưng đó là thời điểm ngài đang yêu và muốn ổn định cuộc sống. Từ đó trở đi, đời sống hôn nhân của ngài bị lương tâm cắn rứt. Ngài nhấn mạnh việc kết hôn cản trở sự phát triển đời sống thiêng liêng. Tất cả đã thay đổi kể từ ngày ngài nghe lời mời gọi của Chúa Kitô và của Thánh Phaolô để “thành hoạn quan cho nước Chúa”. Cuối cùng ngài tìm được bình an tâm hồn. Chắc chắn, tiết dục vẫn còn gay go, nhưng ngài không bao giờ tiếc nuối.
Khởi đầu là ham muốn
Theo Thánh Augustinô, tình yêu vượt quá tình dục. Yêu, trong tiếng la-tinh, có nghĩa là thèm ăn (appetere); là chuyển động hướng tới một cái gì đó hay một ai đó (motus ad aliquid). Tình yêu là ham muốn. Ngài có câu nói tuyệt vời: “Tình yêu mở rộng ham muốn, ham muốn mở rộng tình yêu.” Tình yêu cũng như ham muốn là điều tự nhiên của con người. Và chính sự ham muốn đã tạo nên con người. Con vật bị điều khiển bởi phản xạ, bởi sự thúc đẩy và nhu cầu của nó. Con người cũng vậy, nhưng con người có khả năng trì hoãn thỏa mãn để có được khoái cảm cao hơn (delectatio).
Là sinh vật của ham muốn, con người bị đánh dấu bởi sự thiếu thốn. Thánh Augustinô đuổi theo khoái cảm nào? Ngài trả lời: “Sự tốt lành tối thượng, cuộc sống hạnh phúc, ơn lành”. Trạng thái tâm lý tương ứng song song với nó là niềm vui. Ngài khẳng định: con người được tạo dựng cho niềm vui, Thiên Chúa là niềm vui của con người. Vì thế khi đi tìm niềm vui cho mình, chính Thiên Chúa là Đấng con người phải đi tìm, dù con người có biết hay không. Câu nói nổi tiếng của ngài: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa và tâm hồn chúng con không ngơi nghỉ (inquietum) cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa (quiescat in te).”
Nơi con người, lòng khao khát vô tận về cái tuyệt đối là dấu hiệu của Thiên Chúa. Chính ước muốn của Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa là động lực của con người. Thánh Augustinô nói: “Khi con người nghĩ mình đang đi tìm an toàn, niềm vui, yên bình, thanh thản, công lý, khi con người nghĩ mình yêu tiền bạc, phụ nữ, thành công, nhưng thực ra thì họ đang đi tìm Chúa. Vinh quang hay hưởng thụ sẽ không bao giờ là đủ. Mong muốn, hay đúng hơn là nhu cầu, không ngừng lặp lại. Nhưng thường thì mong muốn của chúng ta nhắm sai mục tiêu. Khuynh hướng cá nhân thích mình hơn người khác và nhìn thấy nơi các tạo vật khác là phương tiện để thỏa mãn nhu cầu của mình,” theo thần học của Thánh Augustinô, nó mang một cái tên tai hại: tội nguyên tổ. Nó bóp méo tình yêu thành tự ái thay vì tình yêu đầu tiên và quan trọng nhất phải là tình yêu với Thiên Chúa.
Hai tình yêu
Đây là cách hình thành nhân học của Thánh Augustinô. Chỉ có một tình yêu, vì ham muốn là một. Nhưng tình yêu này có thể có hai hình thức không tương thích, nó tùy thuộc vào đối tượng nó hướng tới. Ngài viết: “Ai yêu thì muốn trở thành một với những gì mình yêu.” Vì thế: “Con người trở thành những gì mình yêu thích: ai yêu thế gian thì thành thế gian; ai yêu Thiên Chúa hằng hữu thì sẽ được phần hằng hữu trong Chúa.” Đó là chủ đề của hai đô thị – dưới thế và trên trời – trong quyển sách chính của ngài: Đô thị của Chúa (tập 2, XIV, 28).
Chìa khóa của lịch sử nhân loại là đối lập giữa tình yêu đặt Thiên Chúa lên hàng đầu và tình yêu đặt mình lên trên, chỉ yêu các tạo vật vì những lợi ích có được từ chúng. Trong trường hợp đầu tiên, tình yêu Thiên Chúa làm trung gian: Tôi yêu các thụ tạo với một tình yêu tôn trọng, tôn trọng tôi và giúp tôi tôn trọng Thiên Chúa. Tôi tôn trọng Ngài trong những sinh vật của Ngài. Trong trường hợp thứ hai, tôi không tôn trọng các tạo vật, không tôn trọng Chúa trong tạo vật. Tôi yêu chúng vì những lợi ích tôi rút từ chúng, tôi lợi dụng chúng. Và tôi lợi dụng Chúa cho những lợi ích của tôi. Thánh Augustinô gọi tình yêu đầu tiên là tình yêu hay đức ái. Còn tình yêu như công cụ ngài gọi là tham lam, ham muốn hoặc khát dục.
Nguyên tội
Lý tưởng nhất là luôn sống trong tình yêu và bác ái: “Anh em hãy yêu thương nhau!” Nhưng thế giới bị sự ác, đau khổ, dục vọng tác động – điều mà Thánh Augustinô và Thánh Phaolô gọi là tội lỗi. Từ quan niệm này, con người nhỏ bé bị tác động bởi bạo lực, bất công, đau khổ. Họ sẽ gánh chịu hậu quả do bản thân có khuynh hướng bạo lực, bất công, hung hãn, dối trá. Vì tổ tiên của họ, kể từ thời ông Adong đã bị tội lỗi tác động. Tội tổ tông, tội chung; tội nguyên tổ không chừa một ai. Chúng ta phải ngây thơ như triết gia Pháp Jean-Jacques Rousseau để nghĩ rằng đứa bé sinh ra trong sáng và ngây thơ. Về điểm này, Freud đồng ý với Thánh Augustinô và Kinh thánh.
Thánh Augustinô không phải là người đầu tiên phát minh ra tội nguyên tổ. Ngài đã thấy ở Thánh Phaolô. Ngài đã chính thức hóa học thuyết và củng cố trong cuộc chiến chống lại Thuyết lạc giáo Pêlagiô (thuyết cho con rằng người không cần ơn Chúa) vào cuối đời. Đối với kẻ dị giáo Pelagiô, tự thân con người là khỏe mạnh, có trong mình những năng lực cần thiết để có được nhân đức, thánh thiện và kết hợp với Thiên Chúa. Thánh Augustinô trả lời, con người phạm điều ác nó không muốn và không làm điều tốt nó muốn làm. Tội lỗi là một bí ẩn vượt quá tầm tay chúng ta. Chỉ có Chúa Kitô mới có thể soi sáng con người và hướng dẫn con người đến ánh sáng.
Tầm nhìn bi quan về bản chất con người trở nên không tốt ở bình minh của thời hiện đại, khi Luther và những người theo chủ nghĩa Jansen đọc lại tác phẩm của Thánh Augustinô, họ cứng rắn với suy nghĩ của ngài. Triết gia Pascal thốt lên: “Trái tim con người thật trống rỗng và đầy những thứ bẩn thỉu!” (Pensées, Sellier 181, Lafuma 148). Nhưng chúng ta có thể là người tín hữu kitô nhưng không là người theo chủ nghĩa Jansen. Kể từ thời ông Adong, tội nguyên tổ trong sách giáo lý như một căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Từ đó cho rằng hành vi sinh sản là bẩn thỉu chỉ có một bước. Và còn cho rằng, trong hôn nhân, quan hệ tình dục là tội được phép. Phải công nhận quan niệm tính dục của Thánh Augustinô nghiêng về hướng này. Theo ngài, bản chất đôi khi không thể kiểm soát được của xung năng tình dục dường như là một chứng rối loạn; một hình thức bạo lực vô trật tự mà Chúa không lường trước được. Thánh Augustinô xem đó là một triệu chứng và là hậu quả của tội nguyên tổ.
“Cứ yêu và làm những gì mình muốn!”
Theo Thánh Augustinô, chúng ta có thể yêu một người đàn ông, một phụ nữ, yêu âm nhạc, công việc, con cái, bạn bè và cũng có thể yêu Chúa. Chúng ta có thể yêu Chúa như yêu vợ mình không? Ngài trả lời trong quyển Lời thú tội. Ngài tả tình yêu con người và tình yêu thiêng liêng với những từ ngữ giống nhau, nó mang ý nghĩa ẩn dụ khi nói về Thiên Chúa. Chúng thiếu sót khi nói về tình yêu. Để diễn tả tình yêu, ngôn ngữ ít thiếu sót nhất là thơ, ca, hình ảnh, ẩn dụ. Ngôn ngữ thơ không đòi hỏi phải nói lên điều không thể diễn tả được như thần thánh hay con người mà chỉ gợi ý. Đó là cách thơ ca chạm đến trái tim chúng ta.
Có nhiều thứ trong tôi hơn chính bản thân tôi. Trong tôi có cái khác, trong tôi có một Đấng khác. Thi sĩ Pháp Arthur Rimbaud nói lên điều này hay hơn bất cứ ai: “‘Tôi’ là một người khác.” Cái khác này của thi sĩ, Thánh Augustinô gọi là “con người nội tâm”: chính “con người nội tâm” ôm Chúa trong vòng tay và được Chúa ôm lại. Họ là một, như người đàn ông và đàn bà. Đây là cách nói mà Thầy Eckart khẳng định vào thế kỷ 14: “Chúa và tôi, chúng tôi là một, chúng tôi giống nhau, chúng tôi bình đẳng.” Ở mức độ này, mầu nhiệm Thiên Chúa và mầu nhiệm con người như nhau. Nói về Thiên Chúa, nói về con người đều giống nhau.
“Hãy nói với tôi về tình yêu…” Đúng, nhưng làm sao tôi biết liệu đây có phải là tình yêu thật sự làm cho tôi hành động hay không? Điều gì bảo đảm để chống lại sai sót và ảo tưởng? Theo Tin Mừng, tình yêu được đánh giá theo hoa trái của nó. Thánh Augustinô không tranh cãi về chuyện này, bài giảng trong thư đầu tiên của Thánh Gioan (VII, 7-8) cho thấy ngài rất nhạy cảm trước sự phức tạp của các tình huống. Nhưng với ngài, tình yêu có thể và phải là quy luật của hành động. Tình yêu, luôn luôn.
Marta An Nguyễn dịch