Joachim Bouflet: “Đức tin không cần những hiện tượng siêu nhiên”
la-croix.com, Christophe Henning, 2024-05-16
Phỏng vấn sử gia Joachim Bouflet, chuyên gia về các hiện tượng thần bí.
Ngày thứ sáu 17 tháng 5, Vatican công bố một tài liệu về các lần Đức Mẹ hiện ra, sử gia Joachim Bouflet phân tích các vấn đề này của Giáo hội ngày nay.
Một giáo dân cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Mễ Du, Bosnia và Herzegovina tháng 6 năm 2023, nhân kỷ niệm 42 năm ngày Đức Mẹ hiện ra với các mục đồng ở đây. Fehim Demir / EPA/MAXPPP
Hồng y Víctor Manuel Fernández sẽ công bố một tài liệu mới để phân định các lần Đức Mẹ hiện ra và các sự kiện siêu nhiên khác ngày thứ sáu 17 tháng 5. Nội dung của một văn bản như vậy có thể là gì?
Sử gia Joachim Bouflet: Hiện tại chưa ai biết nội dung này, nhưng đây là dịp để hiểu những hiện tượng giả thần bí, đặc biệt là những lần Đức Mẹ hiện ra. Văn bản gần nhất có từ năm 1978, như thế cần một văn bản mới để hiểu rõ hơn vấn đề này. Giáo hội đã mất rất nhiều thời gian để phân tích việc Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du, chắc chắn đã dẫn đến việc xem lại các lần Đức Mẹ hiện ra ở những nơi khác.
Như thế văn bản của bộ Giáo lý Đức tin mang ý nghĩa gì?
Trong một xã hội tế nhị với những điều kỳ diệu và siêu nhiên, đây là dịp để nhắc giáo dân có một khoảng cách với các hiện tượng này. Điều quan trọng cần nhớ là các dấu hiệu, dù thế nào chăng nữa cũng không làm thay đổi đức tin của chúng ta. Đứng trước các đề xuất, chúng ta sẽ nghiêm túc hơn. Chẳng hạn vì sao khi nhắc đến nhà thần bí giả Maria Valtorta (1897-1961) Giáo hội không công nhận các tác phẩm của bà có nguồn cảm hứng siêu nhiên? Nhưng có nhiều nhà thần bí chân chính được công nhận như Thánh Gioan Thánh giá, Edith Stein, Madeleine Delbrêl…
Vậy các lần Đức Mẹ hiện ra là trọng tâm của cuộc tranh luận?
Những lần Đức Mẹ hiện ra đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng nhưng liệu việc này có nuôi dưỡng đức tin hay không thì tôi không chắc. Khi giáo dân hành hương đến Rue du Bac ở Paris, dù Đức Mẹ có hiện ra hay không cũng không thay đổi gì trong lời cầu nguyện của họ với Đức Mẹ. Họ có biết chưa có sự công nhận chính thức nào về những lần Đức Mẹ hiện ra với Catherine Labouré không?
Chúng ta giải thích như thế nào về cơn sốt của những dấu hiệu này, vốn có thể củng cố đức tin kitô giáo?
Lúc nào giáo dân cũng có một khao khát cho những chuyện mới lạ: vì sao chúng ta quên Cha Thánh Piô, cha đã có nhiều hiện tượng lạ, bây giờ ngài đã được phong thánh và không còn nhiều người quan tâm đến ngài… Ai cón nhớ đến nữ tu Mariam Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh, Dòng Cát Minh qua đời tại Bêlem 1878 khi mới 32 tuổi? Với nhiều người đương thời, sự việc này còn hơn cả việc đi tìm điều huyền bí, theo tôi, đây là một cách để thoát thực tế, trấn an mình qua lòng sùng kính quá mức. Như thể chúng ta cần một điều gì đó phi thường, quên một đức tin đơn giản. Nhưng việc đi tìm thần bí không làm ồn ào, chỉ trong mật thiết của tâm hồn. Chúng ta không cần thêm dấu lạ để tin, có Phúc âm là đủ.
Nếu những lần hiện ra có thể không cần thiết thì các cuộc hành hương vẫn mang một ý nghĩa?
Ở Lộ Đức, Fatima hay ở nhiều nơi Đức Mẹ hiện ra khác, vẫn có một mục vụ chung quanh Đức Mẹ, dù nơi đó có Đức Mẹ hiện ra hay không. Người có lòng mộ đạo bình dân đến cầu nguyện với Đức Mẹ, họ không mong chờ một giúp đỡ nào khác. Tôi tin tưởng ở đức tin bình dân. Nhưng cũng có một số người dùng siêu nhiên để khơi dậy cảm xúc, giật gân, quá mức cần thiết không liên quan gì đến đức tin. Đức tin thể hiện qua việc làm bác ái, quan tâm đến người nghèo, hoạt động vì hòa bình. Đức tin trong hành động không cần những dấu hiệu phi thường.
Văn bản mới có thể mang lại điều gì?
Tôi chưa biết nội dung nhưng điều đầu tiên cần làm là giao cho các giám mục phân định, không phải lúc nào cũng nhờ đến Rôma. Sau đó, sống tinh thần giáo hội địa phương, có nghĩa lắng nghe lòng đạo đức và minh triết bình dân.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch