Lòng kính mến Đức Mẹ của tôi

107

Lòng kính mến Đức Mẹ của tôi

Nhận đề tài: Hãy chia sẻ lòng kính mến Đức Mẹ của bạn, tôi không biết phải chia sẻ như thế nào, phải nói như thế nào, vì đây là một vấn đề quá lớn đối với tôi. Tôi chỉ chia sẻ được những gì tôi nghĩ từ tận đáy lòng tôi, vì trong lòng tôi Đức Mẹ là Đấng tôi không thể chạm tới được, không thể hình dung, Đấng ở ngoài suy nghĩ của tôi, nên tôi khó chia sẻ.

Trong trí tưởng tượng hạn hẹp của tôi, tôi chưa hình dung có một cô gái chưa đến tuổi đôi mươi đã hiểu thấu trọng trách của mình và hành động một cách khôn ngoan, kín đáo, thâm trầm như Đức Mẹ. Cũng may là Phúc âm không cho biết nhiều về Đức Mẹ, vì khi nào sự vắng mặt cũng nói lên những điều hay điều đẹp hơn là có mặt.

Khi còn trẻ, tôi không bao giờ nghĩ về Đức Mẹ, tôi có chút ngông cuồng, Thiên Chúa chọn ai làm Đức Mẹ cũng được, Ngài sẽ ban cho người đó đủ ân sủng để xứng đáng với vai trò này. Nhưng càng về già tôi càng thấy, nếu cứ nhận ân sủng mà không trau dồi, không nuôi dưỡng, không nhận biết ân sủng, thì rồi có nhận bao nhiêu đi nữa cũng thấy không đủ, thậm chí còn phủ nhận những ơn mình đã nhận. Chúa thấu hết nên không phải ai Chúa cũng chọn làm… Mẹ của Chúa!

Điều làm tôi kính mến Đức Mẹ là Ngài có một tình yêu sâu đậm, một hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu.

Ai cũng nghĩ có một người con như Chúa Giêsu mình sẽ yêu thương hết lòng, sẽ là “một” với con. Nhưng khi đứa bé sinh ra, có phải đứa bé sơ sinh tinh tuyền như hình ảnh Hài Đồng không? Thế mà chúng ta đã yêu thương hài đồng của chúng ta như thế nào để rồi trong các câu chuyện trao đổi giữa các bà mẹ, chúng ta nói với nhau: Con với cái!

Trong đời sống gia đình, trong việc giáo dục con cái, đức tính cao cả ở Đức Mẹ mà tôi phải học: đó là im lặng. Qua im lặng, tôi học được bài học của khiêm tốn và quên mình.

Chỉ những người yêu thương nhau sâu đậm, tôn trọng nhau mới giữ được im lặng khi ở bên nhau. Người nào yêu thương người khác trong tận tâm hồn, người đó là người hiểu được chính mình. Người nào chỉ yêu mình, thì không thể yêu Thiên Chúa được; nhưng người nào nhận nhiều ân sủng tình yêu Thiên Chúa, mà bỏ được cái tôi, không “thờ” mình, người đó mới là người yêu Chúa thật vì đã dành chỗ cho Chúa thì sẽ bớt đi chỗ của mình, không tìm vinh quang cho mình, nhưng tìm vinh quang của Thiên Chúa.

Phúc âm không nói đến việc Đức Mẹ “khoe” Chúa Giêsu. Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta khoe hài đồng của chúng ta rối cả lên, lại không biết im lặng trước những lỗi hư tật xấu của tuổi thơ, cứ phải la hét, nói cho mà biết… để rồi làm cha mẹ con cái xa nhau, không có được hiệp thông sâu xa giữa cha mẹ con cái.

Chỉ trong tình yêu sâu đậm mới dẫn đến hiệp thông. Người này biết việc người kia làm, không cần phải căn dặn như hai mẹ con trong tiệc cưới thành Cana. Đức Mẹ nháy mắt nói với Chúa Giêsu: “Bây giờ làm việc nhé!”, Chúa Giêsu: “Mẹ chờ con một chút, lát nữa mẹ ạ!”

Đức Mẹ âm thầm dặn bảo người làm chuẩn bị chờ chút nữa Đức Giêsu ra hiệu, mọi sự đã sẳn sàng. Chỉ có trong yêu thương, trong chú ý lẫn nhau, mới có hòa nhịp trong cuộc sống. Người thường mấy ai được như vậy!

Đó là vì chúng ta không yêu đủ chúng ta, chỉ khi nào trong chính chúng ta có được tình yêu cho chính mình, chúng ta mới đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa. nếu tôi không thương chính tôi, tôi sẽ để tâm hồn tôi khô cằn, không biết có Chúa dịu ngọt đang chờ tôi. Phải thương lấy con người khốn khổ của mình, nhìn nhận có Chúa, tôi sẽ yêu thương được con cái, thương thảo được với chúng. Tình yêu cần cả hai bên, nhưng phần mình làm tốt nhất, phần bên kia sẽ ghép vào.

Đức Mẹ có cuộc đời đau khổ, có lẽ ít ai có cuộc đời đau khổ nhưng âm thầm chịu đựng đau khổ như Mẹ. Nhưng cũng không ai có hạnh phúc vô biên như Mẹ, biết mình có trong tay một tài sản vô giá, một người con ngoài mọi hình dung, tin tưởng tuyệt đối vào con, thì dù chịu bao nhiêu đau khổ, niềm hạnh phúc có được một tình yêu sâu đậm như thế cũng đủ làm cho Mẹ giữ im lặng và âm thầm cảm tạ trong lòng.

Chỉ vì tôi chưa có một tình yêu sâu xa vào con, tôi mới bối rối lo lắng cho những khiếm khuyết nhỏ của con, mới bắt bẻ những hành vi mà ngày xưa tôi cũng đã phạm, tôi mới không giữ im lặng trước những thành công mà xét cho cùng thì cũng chẳng có gì đáng để khoe.

Và đỉnh cao trong tấm gương của Đức Mẹ là hình ảnh Mẹ im lặng cuối cùng dưới chân Thánh Giá. Tôi có im lặng trước những đau khổ của con hay tôi còn gào to hơn tiếng kêu của nó?

Im lặng của Đức Mẹ là tấm gương cho tôi học suốt đời.

Marta An Nguyễn