Khoảng không gian nào các em bé gái nhỏ có chỗ đứng trong Giáo hội?
Osservatoreromano.va, Trang Giáo hội, Phụ nữ, Thế giới, 2024-05-04
Phụ nữ có gia đình đầu trùm khăn đen mang khăn quàng đen, phụ nữ độc thân mang khăn quàng trắng ngồi bên phải nhà thờ, đàn ông ngồi bên trái. Hình thức này được áp dụng trước Công đồng Vatican II, bây giờ không đâu còn cảnh phân biệt này. Nhưng với một em bé gái, cho đến những năm 1960, các em không có một chỗ chính xác nào trong nhà thờ cũng như trong cuộc sống. Bà Anna Scattino, giáo sư Lịch sử Giáo hội, nhà nữ quyền, thành viên của Hiệp hội các nữ sử gia Ý nhận xét: “Trong những năm 70, phụ nữ mới bắt đầu bỏ khăn quàng và khăn che mặt trong nhà thờ. Đó là bầu khí mới của Công đồng và nữ quyền. Một cách mạng thầm lặng nhưng mang tính quyết định và không thể đi lui.” Ngày nay việc các em bé gái giúp lễ là một trong những dấu chỉ rõ nhất của tiến trình này. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài để đi.
Tin Mừng mang tin vui đến cho các em bé gái: thông điệp của Chúa Giêsu có tiềm năng trở thành sức tăng trưởng, ổn định hóa, trưởng thành trọn vẹn của con người. Một chiếc thang để vượt qua những bức tường – cơ chế xã hội phân biệt đối xử hoặc các mối quan hệ không đúng – mà các em sẽ phải đối diện trong cuộc đời với tư cách là phụ nữ. Nhưng, giảng dạy ở giáo xứ, ở các hiệp hội công giáo lại đi theo hướng ngược lại, cuối cùng lại củng cố khuôn mẫu nam, mặc cảm thấp kém so với nam giới thống trị. Trên thực tế, dù có những cam kết nhằm bảo vệ quyền cho các em bé gái ở Nam bán cầu, nơi quyền lợi của các em bị hạn chế nghiêm trọng, vẫn không có phản ánh sâu sắc nào về “tính chủ quan tình dục” của các em. Nghĩa là, về căn tính nữ của các bé gái – được hình thành qua tiếp xúc và những điều kiện các em có từ khi còn nhỏ trong phạm vi gia đình và xã hội – ảnh hưởng đến mối liên hệ của các em với đức tin và Thiên Chúa, đặt ra câu hỏi: chúng ta nên dành vị trí nào cho em bé gái? Bà Rita Torti, chủ tịch Hội đồng Điều phối các thần học gia Ý, chuyên gia nghiên cứu giới tính, đặt một câu hỏi quan trọng khác: “Chúng ta muốn những cô gái này trở thành những phụ nữ như thế nào? Từ cách chúng ta phản ứng, các ý tưởng, thực hành giáo dục và truyền tải đức tin nảy sinh, nhưng trước hết là về bản thân. Đó là: ý tưởng của chúng ta có về phụ nữ (hoặc về đàn ông) là gì?”
Mùa xuân của Công đồng
Vatican II cũng đánh dấu một bước ngoặt trong việc giáo dục đức tin cho trẻ em. Không gian linh thiêng mở ra, các em bé gái đã được giúp lễ. Các nhánh của các tổ chức giáo hội đã thống nhất cho một giáo dục bình đẳng. Nhất là các em bé trai, bé gái không còn là đối tượng nhưng là chủ thể. Bà Annamaria Bongio, giám đốc Công giáo Tiến hành Quốc gia vì Trẻ em, nói: “Các em không phải là Giáo hội tương lai, nhưng là nhân vật chính của Giáo hội ngày nay đã thành tựu, các em là những con người, những người công dân, những kitô hữu của hiện tại dù trong quá trình hình thành. Nhánh Công giáo Tiến hành trẻ hơn đã được thành lập với quy chế đánh giá cao việc tất cả giáo dân và kể cả trẻ em có thể phát huy tinh thần đồng trách nhiệm của mình.” Ông Vittorio Bachelet, cha đẻ của Nam Công giáo Tiến hành lúc bấy giờ, quy tụ những người khao khát, những người thân yêu, những đứa trẻ nhỏ và những thiên thần nhỏ. Nhóm nhỏ nhất của Nữ Thanh niên (GF) được bà Armida Barelli thành lập năm 1918 với các nhóm nam. Nền tảng của nhóm Nữ Thanh niên GF đã thể hiện một điều gì đó mới mẻ: các thành viên được mời ra khỏi nhà, tham gia hành động, phá bỏ rào cản mà văn hóa đã đặt ra cho họ. Giáo sư Scattino kết luận: “Người mẹ và người vợ theo mẫu kitô giáo được làm theo truyền thống thế kỷ 19, được xem là gương mặt cho nữ chiến binh công giáo, các hình thức chiến đấu tạo ra việc dùng mô hình một cách linh hoạt.” Sự mâu thuẫn tương tự cũng xuất hiện trong các nội dung báo chí dành cho các em bé gái nhỏ đã bùng nổ trong những năm đó. Trong số các ấn phẩm tiên phong có Squilli di Risurrezione của Barelli quảng bá và chia thành nhiều nhóm tuổi khác nhau. Sau ba mươi năm, việc đào tạo các em bé gái nhỏ trở nên quan trọng vì các em là các bà mẹ tương lai, các nhà giáo tiềm năng cho công dân ngày mai, nhưng cũng là “đặc viên âm thầm” của gia đình, giúp anh chị em trở lại với đức tin và con đường đúng đắn đã bị mất. Bà Ilaria Mattioni, giáo sư tại Khoa Triết học và Khoa học Giáo dục Turin giải thích: “Chính vì lý do này mà Giáo hội đã đặt niềm tin vào tiềm năng của phụ nữ.”
Thử thách để không bị trở thành “một giới, unisex”
Bà Emilia Palladino, giáo sư Khoa Khoa học Xã hội tại Gregoriana cho biết: “Sẽ là không công bằng nếu đào tạo phụ nữ khác với nam giới theo cách tiếp cận tư tưởng tự nhiên trước đây cùng một số phận.” Theo thần học gia Andrea Grillo, tác giả quyển Phụ nữ tiếp cận chức thánh, chức phó tế nữ như một vấn đề mang tính hệ thống (Thánh Phaolô) khi cái nhìn về phụ nữ đề xuất một mặt hướng về Đức Maria như người Mẹ xinh đẹp, mặt khác kêu gọi các cô gái giữ trinh, giảm giá trị tình mẫu tử thì rõ ràng Giáo hội phóng chiếu lên phụ nữ hình ảnh “thuộc về” đàn ông. Phụ nữ không thể tự giải phóng mình vì phụ nữ chỉ là người phục vụ. Phục vụ là điều cao quý khi mình tự chọn, nếu bị áp đặt thì họ có quyền nghi ngờ.
Vì thế việc chấm dứt giáo dục riêng biệt giữa nam nữ trong các hiệp hội, các lớp giáo lý, các trường công giáo thường ở dưới góc độ phòng thủ, đã là một bước tiến quan trọng. Một điều kiện cần nhưng chưa đủ để giải phóng trẻ em gái theo sứ điệp giải phóng của Tin Mừng. Vì đôi khi trong các nhóm – nam nữ cạnh nhau – một đức tin nói chung là trung lập được truyền tải, nhưng giả tạo vì đằng sau ẩn giấu hình mẫu thực chất là nam giới.
Tác giả Torti của quyển sách “Mẹ, vì sao Chúa là đàn ông? (Maman, pourquoi Dieu est-il mâle?) giải thích: “Chúng ta bắt đầu với một ví dụ quen thuộc. Dù giáo lý nói Thiên Chúa không phải đàn ông cũng không phải đàn bà nhưng chúng ta vẫn nói ‘Thiên Chúa tốt lành, Thiên Chúa là bạn, Thiên Chúa gần gũi…’. Ngôn ngữ này tạo một hình ảnh Chúa là nam giới. Vì vậy, ngay cả khi không nói ra một cách công khai, chúng ta vẫn làm cho các bé trai nghĩ chúng cùng giới tính với Chúa và các bé gái nghĩ Chúa không giống mình. Điều này tạo ra hai con đường đức tin rất khác nhau. Nam giới, không như nữ giới, không ngay lập tức chấp nhận sự khác biệt thiêng liêng. Nơi trẻ em, hình ảnh Thiên Chúa nam khẳng định vai trò thống trị của bé trai. Một ảo tưởng về quyền năng toàn năng các em sẽ phải trả giá đắt, luôn lo lắng cho hiệu năng của mình, khó chấp nhận những mất mát, thất bại, bị bỏ rơi. Còn với các em bé gái, vì không có khả năng phản chiếu bản thân trước mặt Thiên Chúa nên tạo một thiếu sót trong nhận thức về giá trị của mình, tước đi sức mạnh cơ bản để chống lại cái nhìn hạ thấp các em phải đối diện. Giáo dục về tính hỗ tương là chìa khóa để chống lại tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội và bạo lực. Và nó phải được thực hiện từ rất sớm. Cần giúp trẻ hòa đồng và tôn trọng sự khác biệt của người khác.” Bà Mara Borsi, người đứng đầu khoa sư phạm-giảng dạy của Viện Khoa học Tôn giáo Cao cấp Bologna nhấn mạnh: “Nhưng đầu tiên người lớn phải là chứng nhân điều này. Và mối quan hệ với sự khác biệt vẫn còn là một vấn đề căng thẳng. Đó là lý do tại sao chúng tôi tránh nó.”
Nhà sư phạm Paola Bignardi, cộng tác viên của Đài Quan sát Thanh niên Viện Toniolo nói về một “văn hóa không rõ ràng” mang hình thức của một giáo dục tiêu chuẩn, ít chú ý đến nhu cầu của từng cá nhân cụ thể, kể cả các đặc điểm giới tính. Trong thời thơ ấu, việc thiếu quan tâm đến khía cạnh nữ tính cụ thể trong cách sống đức tin và tâm linh khi ở tuổi thiếu niên, khi sự khác biệt trở nên rõ rệt, các bé gái phải đấu tranh để tìm một chỗ đứng trong Giáo hội, bị cho là của nam giới. Tác giả Bignardi giải thích: “Vì thế ở độ tuổi then chốt, từ 16 đến 17 tuổi, nhiều nữ sinh bỏ học nhiều hơn so với nam sinh.” Năm 2013, các người trẻ cho mình là công giáo là 61,2%, năm nay còn 33%. Trong mười năm, tỷ lệ những người cho mình là vô thần đã tăng từ 13 lên 30 phần trăm.”
Về phía các cô gái
Kể từ khi thành lập năm 1974, Hiệp hội Hướng đạo công giáo Ý đã có những căng thẳng giữa bình đẳng và khác biệt. Việc lựa chọn giáo dục từ thời thơ ấu – được hiểu như một quy chế giải thích, là con đường phát triển, bắt đầu từ bản sắc là nam và nữ, dẫn đến việc khám phá và hiểu biết về người khác – kết hợp với nó là sự lãnh đạo phân quyền. Các nhóm hướng dẫn luôn có hai người hướng dẫn, một nam, một nữ cùng nhau lo việc huấn luyện. Bà chủ tịch Roberta Vincini giải thích: “Ý tưởng này là đề xuất cho trẻ em và thanh thiếu niên ngay từ thời thơ ấu, một mô hình quyền lực đặc trưng bằng mối quan hệ hợp tác nam-nữ, nhằm hướng tới một giáo dục chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng bắt đầu từ việc lắng nghe của từng bé trai bé gái.”
Lắng nghe và quan tâm từng cá nhân cũng là điểm khởi đầu được giáo sư Bignardi gợi ý để xây dựng giáo dục về cuộc sống và đức tin, để thực sự đáp ứng mong chờ của các bé gái. Cuộc hành trình tiếp tục bằng cách nhường chỗ trong các cộng đồng giáo hội, tác giả Torti nói: “Hình ảnh mà một cô bé, xác nhận nhu cầu phản chiếu, đã tự phát vẽ và mô tả trong buổi hội thảo, ‘Thiên Chúa mặc váy’. Nhưng Thiên Chúa mạc khải chính Ngài cho chúng ta trong Lời của Ngài, vì thế cơ bản là phải thuật lại Lời này, khôi phục lại những gì qua nhiều thế kỷ – và cả ngày nay – đã bị lu mờ hoặc bị bóp méo. Trong Kinh thánh, dù đã có từ rất xa xưa, vẫn có những nhân vật nữ đóng vai trò chính trong tường thuật và thần học (các mẫu hệ, nữ tiên tri và các phụ nữ khác trong Cựu Ước, trong Tân Ước, các môn đệ và các phụ nữ được Chúa Giêsu gặp, những nhân vật chính của một số dụ ngôn và những phụ nữ trong các cộng đồng kitô giáo đầu tiên).
Vấn đề không phải là viết “Kinh thánh cho trẻ em gái”, nhưng kể toàn bộ câu chuyện trong đó Thiên Chúa mạc khải chính mình cho phụ nữ và đàn ông và hành động trong đời sống của phụ nữ giống như đàn ông; trong đó Chúa Giêsu không bao giờ xin phụ nữ “ở yên chỗ của họ”. Vì Chúa cũng đứng về phía phụ nữ.
Marta An Nguyễn dịch