Con lạc đà không thể nào chui qua lỗ kim được sao?
fr.aleteia.org, Morgane Afif, 2024-05-09
Khi Chúa Giêsu giải thích “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Chúa”, một số người cho rằng Ngài không nói đến lỗ kim mà là một cánh cửa nhỏ ở tường thành Giêrusalem. Nếu hình ảnh này lạ lùng
Và người thanh niên giàu có buồn bã ra đi. Anh hỏi Chúa Kitô câu hỏi duy nhất quan trọng trong cuộc đời này: “Tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” (Mc 10:17). Nhưng anh có quá nhiều tiền và lòng anh nặng trĩu với của cải nên anh không thể dỡ kho báu ở trần thế để gởi nó trên thiên đàng. “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo; anh sẽ được kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Ta. Nghe lời đó, anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều của cải” (Mc 10:21-22). Khi thấy người thanh niên yêu thương ra đi một cách đau đớn, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa (Mc 10:24-25). Đoạn này cũng có trong các Tin Mừng Mátthêu (Mt 19, 23-24) và Luca (Lc 18, 24-25). Nhiều người cố gắng giải thích hình ảnh kinh ngạc này, gom hai vật thể thoạt nhìn không liên hệ gì với nhau: cây kim và con lạc đà.
Một tương tự theo nghĩa đen
Lời giải thích đầu tiên theo nghĩa đen và từ ngữ cũng được hiểu theo nghĩa đen: khi Chúa Giêsu so sánh người giàu với con lạc đà và Nước Trời với lỗ kim, Ngài cho thấy người giàu không thể vào được Nước Chúa. Ở đây không phải giá trị tiền tệ của bất kỳ di sản nào phải được đánh giá, nhưng cách chúng ta dùng của cải: chúng là phương tiện hay mục đích? Chúa đã nhắc: “Vì kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Mt 6:21). Hình ảnh con lạc đà không tầm thường: một động vật to lớn và vụng về, nó bị cho là không trong sạch trong Cựu Ước: “Tuy nhiên, trong các loài nhai lại và các loài có móng chẻ hai, anh em không được ăn các con này: lạc đà, thỏ rừng, ngân thử – vì chúng nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai: anh em phải xem chúng là loài ô uế.” (Đnl 7:14). Sách Lêvi còn nhấn mạnh: “Tuy nhiên trong các loài nhai lại và các loài có móng chẻ hai, các ngươi không được ăn các con này: lạc đà, vì tuy nó nhai lại, nhưng nó không có móng chẻ hai: các ngươi phải xem nó là loài ô uế” (Lv 11:4) . Vì vậy, con thú không thể nào lọt qua lỗ kim hẹp được, việc tưởng tượng ra sự tương tự sẽ là phi lý.
Với thế giới do thái khi thấy Chúa Giêsu nói những lời này, việc liên kết con lạc đà với giàu có là ám chỉ một sự ghê tởm ngay lập tức với nó, con vật bị cho là không thích hợp để ăn. Sự to lớn cũng là một biểu tượng khác của con vật, khi nó đi trong đám rước của nữ hoàng Saba đến thăm vua Solomon: “Những con lạc đà chở đầy hương liệu, một số lượng lớn vàng và đá quý” (2 Sb 9:1); (1 Vua 10, 2). Đó cũng là lời hứa của ngôn sứ Isaia, loan báo lời hứa đã được thực hiện tại Giêrusalem: “Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha” (Is 60,6).
Cây kim Giêrusalem
Truyền thống truyền miệng bắt nguồn từ thế kỷ 11 nói rằng ở Giêrusalem có một cánh cổng nhỏ trong bức tường bảo vệ thành phố và được gọi là “Lỗ kim”. Khi mặt trời lặn, nó cho phép những người không thể vào thành phố khi các lối vào khác đóng cửa. Để đưa một con lạc đà đi qua, nó phải cúi xuống và bớt đồ đạc một cách khéo léo và tinh tế. Hình ảnh này thật hay vì cho thấy vào Nước Trời không phải là điều không thể, nhưng thật khó khăn và đau đớn, đòi hỏi phải trút bỏ của cải trần thế, quỳ gối trước Thiên Chúa và cúi đầu trước Ngài; có nghĩa công nhận vương quyền của Ngài. Thần học gia Paschase Radbert († khoảng năm 865) đã viết về chuyện này trước một số nhà chú giải sau đó: Anselm thành Laon, Thomas thành Aquinas, Erasmus, sử gia Thierry Murcia.
Tuy nhiên, không có dấu vết nào về cánh cổng này ở Giêrusalem, sự tồn tại của nó mà cả các nhà sử học và khảo cổ học đều không thể chứng minh được. Chương 3 sách Nêhêmia Cựu Ước có nói đến 12 cánh cổng thành Giêrusalem nhưng không nói đến cánh cổng này. Dù không hoàn hảo nhưng bản dịch cũng không đề cập đến “lỗ kim” mà “lỗ của một cây kim”.
Cổng hẹp Nước Trời
Tuy không thể xảy ra, nhưng việc so sánh với con lạc đà không phải tự nhiên mà có, vì sách Talmud Babylon nói đến hình ảnh một con voi chui qua lỗ kim, để nhấn mạnh sự phi lý và không thể xảy ra của ‘một sự việc xảy ra’ (Berakhot 55b). Thánh Augutinô giải thích trong Bài giảng 169, 13: “Con người, không có Thiên Chúa, không thể tự cứu mình nếu không có kết hợp giữa con người với Thiên Chúa: Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta mà không có chúng ta, đã không muốn cứu độ chúng ta nếu không có chúng ta.”
Ý tưởng về cánh cửa hẹp, nếu không xuất hiện ở đây dưới hình ảnh con lạc đà và cây kim, cũng không bị bác bỏ hoàn toàn vì chính Chúa Kitô đã nói trước đám đông: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì Thầy nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà khơng thể được” (Lc 13:24). Cánh cửa dẫn đến Vương quốc tuy hẹp nhưng vẫn tồn tại và để đi qua nó, phải cúi cổ và khuỵu gối sau khi từ bỏ gánh nặng và vác thánh giá của mình. Chỉ cần mở lòng ra với việc khó khăn này, chấp nhận ý Chúa; chỉ cần để Chúa đi vào lòng mình để cuối cuộc đời chúng ta đến được với Ngài.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch