Mỗi buổi tối Đức Phanxicô đều gọi điện thoại cho giáo xứ Gaza

81

Mỗi buổi tối Đức Phanxicô đều gọi điện thoại cho giáo xứ Gaza

fr.aleteia.org, Cécile Séveirac, 2024-04-25

Khi các cuộc ném bom của Israel vẫn còn tiếp diễn ở Dải Gaza, Đức Phanxicô tiếp tục gần gũi với giáo xứ Thánh Gia, một giáo xứ bị ảnh hưởng chiến tranh nặng nề. Ngày thứ tư 24 tháng 4, ngài nói với hãng tin CBS News: “Mỗi tối đều đặn lúc 7 giờ tối, tôi điện thoại cho linh mục giáo xứ để biết tin tức. Có khoảng 600 người sống sót ở đây và linh mục kể cho tôi nghe các chuyện xảy ra ở đó. Thật khó khăn. Thực phẩm gởi đến, nhưng phải chiến đấu mới có được.” Ngài cho biết ngài cầu nguyện rất nhiều để cuộc chiến ở vùng đất này được chấm dứt.

Ngài lo lắng khi thấy nụ cười biến mất trên khuôn mặt của trẻ em, các em ở Palestine cũng như ở Ukraine: “Các em không còn biết cười nữa. Khi một em bé không còn biết cười thì thật khó khăn cho em.” Ngài kêu gọi các nước đang có chiến tranh hãy ngừng giao tranh: “Các quốc gia đang có chiến tranh, xin mọi người ngừng chiến tranh. Xin tìm cách thương thuyết. Xin tìm kiếm hòa bình.”

Rạng sáng thứ năm 25 tháng 4, quân đội Israel đã tấn công vào Dải Gaza, đặc biệt ở khu vực Rafah nơi Israel muốn đánh bật quân Hamas. Một cuộc tấn công khác ở miền nam Lebanon, nhằm vào cơ sở hạ tầng và một trạm quan sát của Hezbollah. Một phóng viên AFP đưa tin về các cuộc không kích và pháo binh dữ dội ở thành phố Gaza và phía bắc vùng lãnh thổ bị bao vây.

Hai giáo xứ kitô giáo bị thử thách

Các tín hữu kitô ở vùng đất Palestine bị chia rẽ giữa giáo xứ chính thống giáo Thánh Porphyre và giáo xứ công giáo Thánh Gia. Cả hai giáo xứ đều tiếp nhận người di tản do các vụ ném bom của Israel. Kể từ khi bắt đầu xung đột, họ chưa bao giờ được tha và phải trả giá bằng máu. Hai giáo dân công giáo và khoảng 20 giáo dân chính thống giáo của giáo xứ Thánh Porphyre bị thiệt mạng vì các cuộc dội bom gần nhà thờ của họ. Theo thông tin mới nhất của tổ chức Giúp đỡ các Giáo hội gặp Khó khăn, giáo dân Thánh Gia có 128 gia đình trong tổng số 512 tín hữu kitô cả công giáo và chính thống, trong đó có 120 trẻ em dưới 18 tuổi, 60 trẻ khuyết tật, và 84 người trên 65 tuổi. Ngoài nguồn cung cấp thực phẩm rất hạn chế, một trong những thách thức lớn vẫn là vấn đề nước uống. Dù xung đột ngày càng gia tăng, các tín hữu kitô vẫn giữ vững tinh thần và tiếp tục sống với thánh lễ mỗi ngày và các bí tích. Các sinh hoạt giáo lý cho trẻ em, giờ chầu, rước lễ lần đầu, rửa tội vẫn được tiếp tục… Nữ tu Babila tâm sự: “Với ơn Chúa, con cái chúng tôi giờ đây gần với đức tin hơn bao giờ hết.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch