Các Giáo hội Botswana tái khẳng định lên án đồng tính
cath.ch, Ibrahima Cisse, 2024-04-24
Nhân dự thảo sửa đổi Hiến pháp được trình bày ngày 17 tháng 4 năm 2024, một liên minh các Giáo hội kitô giáo ở Botswana, Phi châu đã tái khẳng định sự phản đối của họ với bất kỳ hình thức hợp pháp hóa quyền đồng tính nào ở đất nước này.
Ông Kabo Morwaeng, bộ trưởng bộ Ngoại giao phụ trách các công việc của Tổng thống Botswana đã trình bày bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước này với chính phủ. Ông đề xuất đưa vào một điều khoản bảo vệ người liên giới tính và người khuyết tật, đồng thời cấm mọi hành vi phân biệt đối xử đối với họ.
Thay đổi của chính phủ
Năm 2021, chính phủ đã bảo vệ một quan điểm ngược lại. Trong phán quyết được đưa ra năm 2019, Tòa án Công lý Tối cao đã ra phán quyết có lợi cho người LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới). Tòa cho rằng án tù của những người cùng giới quan hệ với nhau là không phù hợp với Hiến pháp. Chính phủ đã kháng cáo bản án này nhưng không thành công.
Bị buộc phải tuân theo quyết định của tòa án, các nhà lãnh đạo đất nước đã tiến hành cải cách hiến pháp. Trong phiên họp tháng 7 năm 2023, bộ trưởng bộ Quốc phòng, Tư pháp và An ninh Ronald Shamukuni đã trình bày trước Quốc hội một dự luật nhằm sửa đổi các điều khoản của Bộ luật Hình sự được đề cập. Nhưng đã vấp phải vô số biểu hiện thù nghịch từ các Giáo hội, dự án đã bị bỏ dở.
Đối diện với những thay đổi mới được đề xuất, mục sư Abraham Kedisang, phát ngôn viên của liên minh các Giáo hội kitô giáo cho biết việc sửa đổi hiến pháp có nguy cơ “phá hủy cấu trúc cốt yếu của đời sống gia đình, cốt lõi của lối sống kitô giáo của Botswana, sẽ thay đổi cấu trúc nhị phân nam và nữ của xã hội, do Thiên Chúa toàn năng thiết lập và ban hành”.
Một vấn đề nhân quyền chứ không phải tôn giáo
Về phần ông Thato Moruti, chủ tịch phong trào LEGABIBO (Đồng tính nữ, đồng tính nam và song tính ở Botswana) tuyên bố, những sửa đổi hiến pháp do chính phủ đề xuất nhằm mục đích “bảo vệ nhân quyền và đó không phải là vấn đề tôn giáo. Chúng ta phải tách biệt đức tin tôn giáo khỏi các vấn đề nhân quyền. Việc phi hình sự hóa nhằm mục đích giảm bớt những bất lợi có hệ thống với người khác, đặc biệt là những người song tính hoặc chuyển giới.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch