Nicolas Rey: phép rửa, dấu chỉ của sự lựa chọn cá nhân và văn hóa
cath.ch, Lucienne Bittar, 2024-03-29
Đại uý quân đội Thụy Sĩ Nicolas Rey trong khu vườn của anh. Anh sẽ được rửa tội ngày 31 tháng 3 năm 2024 | © Lucienne Bittar
Đại úy quân đội Thụy Sĩ, Nicolas Rey, 32 tuổi, sẽ được rửa tội vào ngày lễ Phục sinh 31 tháng 3 tại nhà thờ Saint-Julien de Meyrin (GE) cùng với con gái hai tháng tuổi của anh. Anh có vợ và hai con. Những lần đi công tác ở nước ngoài với tư cách là quan sát viên quân sự, và cuộc hôn nhân của anh với một người công giáo đã làm cho anh đặt câu hỏi lại cho vấn đề thiêng liêng vốn luôn ở trong tâm trí anh.
Cuộc phỏng vấn với anh Nicolas ở trung tâm thành phố Geneva, trong khu vườn có những trò chơi ngoài trời dành cho trẻ em và những bụi cây forsythias nở hoa vàng rực rỡ mùa Phục sinh. Nhà của anh nằm lọt thỏm giữa các tòa nhà cao tầng. Trên chiếc bàn nhỏ trước mặt chúng tôi là cà phê Ả Rập, cho thấy anh quan tâm đến vùng Trung Đông.
Anh là quân nhân gốc thành phố Fribourg, sinh ra ở Lausanne, có bằng thạc sĩ về nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Geneva, theo đuổi “binh nghiệp quân sự dân quân”. Sau khi là sĩ quan, anh gia nhập lực lượng Mũ nồi xanh của Liên hợp quốc (những người lính hoạt động không có vũ khí) với tư cách là quan sát viên quân sự ở Bosnia, sau đó ở Trung Đông, Israel, Syria, Lebanon, Ai Cập và Jordan năm 2020 và 2021. Đó là những năm đánh dấu hành trình thiêng liêng của anh. Gương mặt của người dự tòng này rất nghiêm túc, giọng điệu lúc đầu có chút khô khan, nhưng nụ cười và tiếng cười không bao giờ vắng bóng.
Anh sẽ được rửa tội ngày chúa nhật Phục Sinh. Khi còn nhỏ, anh có một đời sống tôn giáo không?
Nicolas Rey: Cả cha mẹ tôi đều theo đạo công giáo, mẹ tôi không hề có thiên hướng tôn giáo. Nhưng bà rất tôn trọng Chúa Kitô. Theo bà, Ngài là nhân vật lịch sử quan trọng, người mang một thông điệp cao cả. Cha tôi luôn là người có đức tin. Gần đây ông rất gần với Giáo hội. Cha mẹ tôi quyết định không rửa tội cho anh em tôi và để chúng tôi lớn lên tự chọn. Và chính chọn lựa này mà bây giờ tôi theo học khóa dự tòng.
Có điều gì đã thúc đẩy anh?
Đức tin đã liên tục đồng hành với tôi mà tôi không biết tên gọi của đức tin. Tôi luôn cảm hứng trước sự siêu việt. Và rồi tôi gặp vợ tôi. Đức tin là một phần cuộc sống của vợ tôi. Chúng tôi quyết định kết hôn ở nhà thờ vì đó là điều tốt đẹp và mang ý nghĩa lớn với chúng tôi, vì chúng ta chỉ làm lễ cưới một lần trong đời ở nhà thờ! Vì thế tôi quyết định tham dự khóa dự tòng. Điều tốt đẹp là tôi và con gái tôi sẽ được rửa tội ngày chúa nhật Phục sinh.
Anh đã gặp các kitô hữu Đông phương, những người sống đức tin một cách sống động và mang tính cộng đồng. Nhưng không nhất thiết anh sẽ thấy ở đây những chuyện này.
Chúng ta có một hình ảnh đáng buồn về những nhà thờ ở Thụy Sĩ, vắng tanh hoặc chỉ có người già lui tới. Nhưng trong suốt hành trình của tôi, tôi ngạc nhiên thấy các nhà thờ đông kín người, ở đây cũng vậy, đặc biệt là trong Mùa Chay. Trẻ em, thanh niên, người già… Có rất nhiều người tham dự. Dù cho sự thật là người trẻ Thụy Sĩ ít quan tâm đến tôn giáo, và đó là lý do vì sao tôi đồng ý trả lời phỏng vấn này. Tôi nghĩ, nếu tình cờ có ai đọc bài báo này của bà, họ đang đi tìm ý nghĩa cuộc đời, có lẽ họ sẽ được tác động qua kinh nghiệm của tôi, thay vì nói “nào có ý nghĩa gì”.
Chắc hẳn anh đã trải qua những tình huống khó khăn khi làm quan sát viên quân sự ở nước ngoài. Những khó khăn này có ảnh hưởng đến việc đi tìm đời sống thiêng liêng của anh không?
Có, tôi và các đồng nghiệp đã trải qua một số chuyện khó khăn. Những chuyện này đòi hỏi tôi phải tìm câu trả lời và ý nghĩa của nó. Nhưng câu hỏi này tôi cũng hay đặt ra trong những lúc rất cô đơn. Sau một thời gian làm nghĩa vụ, chúng tôi hoài nghi sự đóng góp của mình có thực sự hữu ích không. Tôi cố gắng tìm ý nghĩa trong công việc và chính sự tìm kiếm này đã làm cho tôi phải dấn thân. Phép rửa sẽ giống như việc hiện thực hóa, thánh hiến toàn bộ cho cuộc hành trình này.
Vì vậy, cách tiếp cận của anh sẽ mang tính cá nhân hơn là tập thể?
Không chỉ vậy. Khía cạnh “di sản tập thể” rất quan trọng với tôi. Tôi luôn đam mê lịch sử cổ đại. Ở trường đại học tôi còn học tiếng la-tinh và tiếng hy lạp, tôi không bao giờ tiếc vì chuyện này. Kitô giáo có lịch sử 2000 năm và những gì kitô giáo mang lại cho chúng ta trên bình diện xã hội, văn hóa và pháp lý là điều khá phi thường. Ngày nay chúng ta thề trước Nhân quyền – điều mà chúng ta gọi là quyền “con người” vì chúng ta không còn biết làm gì với từ nguyên của nó – nhưng chúng ta quên chúng không thể tồn tại nếu không có kitô giáo. Đó là nền tảng của nhân quyền. Một cách nào đó, sự bình đẳng giữa các cá nhân được kitô giáo thiêng liêng hóa. Chắc chắn tình huynh đệ đã tồn tại trước, nhưng chính điều răn Tình yêu của Chúa Kitô đã quy định phải thực hành tình huynh đệ.
Đương nhiên có những giai đoạn lịch sử khủng khiếp đã diễn ra nhân danh Giáo hội – thường bằng cách gán cho mình những gì thực sự thuộc về Xêda – nhưng chúng được chấp nhận. Không có chủ nghĩa phủ nhận.
Khi được rửa tội, anh cũng muốn chứng tỏ tầm quan trọng của các giá trị và văn hóa kitô giáo đã truyền cho anh phải không?
Đúng, đây là gốc rễ của chúng ta. Trong cuộc gặp cuối cùng giữa các dự tòng chúng tôi ngày chúa nhật Lễ Lá, chúng tôi ngồi im lặng một lúc trong nhà thờ. Sau đó chúng tôi cùng nhau nghe đoạn nhạc Cuộc Khổ nạn theo Thánh Matthêu của Bach. Chẳng lẽ đó không phải bài hát được truyền từ sự siêu việt đó sao! Nhà soạn nhạc còn ghi vào cuối mỗi bản nhạc của ông dòng chữ: “Vinh quang chỉ dành cho Chúa”. Kitô giáo đã truyền linh cảm cho nhiều nhà soạn nhạc vĩ đại, cũng như cho rất nhiều tác phẩm văn hóa. Ngày nay chúng ta muốn loại bỏ tôn giáo là không đúng. Hoàn toàn vô ơn.
Chúng tôi cùng nhau nghe đoạn nhạc Cuộc Khổ nạn theo Thánh Matthêu của Bach. Chẳng lẽ đó không phải bài hát được truyền từ sự siêu việt đó sao!
Anh đã làm việc ở những quốc gia mà bản sắc tôn giáo đã là hoặc vẫn là nguồn gốc của chia rẽ. Chúa nhật này anh sẽ là người công giáo. Những chuyện này có làm anh nản lòng không?
Khi nào chính trị lấn chân vào vấn đề này thì thông điệp ban đầu sẽ bị bóp méo ngay. Nhưng đó chính là thông điệp mà tôi muốn truyền khi tôi dấn thân vào. Đó mới là điều quan trọng, không phải là những gì chúng ta làm với nó.
Khi tôi ở Trung Đông, tôi kết được một tình bạn chân thành và sâu sắc với một thông dịch viên người Palestine theo chính thống giáo. Tôi vẫn còn liên lạc với anh. Thật kỳ lạ khi thấy sự hiểu biết của anh về cuộc xung đột giữa người Palestine và Nhà nước Israel đã thay đổi như thế nào, từ cuộc xung đột có tính chất chính trị sang cuộc xung đột mang tính chất tôn giáo rõ rệt.
Bối cảnh căng thẳng liên sắc tộc hoặc liên tôn giáo này còn thấy rõ hơn ở Bosnia. Người dân nước này bây giờ vẫn còn đau khổ. Các cuộc chiến tranh Balkan, Đức chiếm đóng trong những năm 1940 và các cuộc xung đột ở Nam Tư cũ trong những năm 1990. Những người sống sót sau cuộc chiến sau cùng này cố gắng nhắc con cái họ “đừng bao giờ lặp lại nữa”. Nhưng điều đó không đủ tác dụng. Những người trẻ lại quay về với những đòi hỏi về bản sắc và tôn giáo, đối lập nhau. Thật nản… Vì vậy, đúng, tôi biết tôn giáo có thể bị lạc lối, nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta quay trở lại với cốt lõi thông điệp của Chúa Kitô về lòng nhân từ và tình yêu.
Maria Tô Diệu Lan dịch
Nở rộ các lễ rửa tội: “Một sức mạnh ngược dòng bác bỏ chủ nghĩa hư vô”