Demos II: Một hồng y ẩn danh chỉ trích Đức Phanxicô

127

Demos II: Một hồng y ẩn danh chỉ trích Đức Phanxicô

Những lời chỉ trích ẩn danh lan truyền giữa các hồng y chống lại triều Đức Phanxicô | ©DR

cath.ch, Raphael Zbinden, 2024-03-04

Đầu tháng 3, một số phương tiện truyền thông đưa tin, một tập sách nhỏ của một hồng y tự xưng là “Demos II” lưu hành giữa các hồng y, tài liệu chỉ trích nhiều khía cạnh của ‘phương pháp Đức Phanxicô’ và đưa ra những đề xuất cho triều giáo hoàng tiếp theo.

Tập sách được trang web bảo thủ Ý La Nuova Bussola Quotidiana đăng. Ngày 2 tháng 3, trang Il Messagero đưa tin, hồng y Trung Quốc Joseph Zen, người thường xuyên chỉ trích Đức Phanxicô, là người đầu tiên đăng bài phân tích Demos II về mật nghị tiếp theo trên mạng xã hội. Truyền thông Ý cho rằng đây không phải là văn bản của một tác giả duy nhất, ngược với những gì được tuyên bố. Người viết giấu tên vì sợ bị trả thù.

Một Giáo hội “bị rạn nứt hơn bao giờ hết”?

Tập sách nhỏ được dịch sang sáu thứ tiếng, từ vài ngày nay đã lưu hành trong Hồng y đoàn. Đây là bản “x-quang” về những gì đã xảy ra trong Giáo hội trong mười năm qua. Demos II viết: “Những năm cuối của triều giáo hoàng là thời điểm thuận lợi để đánh giá con đường cho Giáo hội ngày mai”. Văn bản bắt đầu bằng việc ghi nhận những điểm tích cực, hồng y giấu tên thừa nhận: “Sức mạnh lớn lao trong triều giáo hoàng Phanxicô là lòng trắc ẩn của ngài với những người yếu đuối, người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Bergoglio quan tâm đến phẩm giá con người, ngài chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu và những thách thức lớn về môi trường.”

Nhưng phân tích tiếp theo rất gay gắt về phong cách cai trị của Đức Phanxicô, bị cho là “chuyên quyền, đôi khi mang tính thù hận”. Demos II lên án “sự thiếu quan tâm đến luật pháp; không khoan dung với bất đồng, thậm chí là sự bất đồng tôn trọng; và còn nghiêm trọng hơn là mô hình mơ hồ trong các vấn đề đức tin và đạo đức, làm cho tín hữu bị nhầm lẫn. Sự bối rối sinh ra sự chia rẽ và xung đột, làm suy yếu niềm tin vào Lời Chúa, làm suy yếu chứng tá Tin Mừng. Kết quả ngày nay Giáo hội bị rạn nứt nhiều hơn bao giờ hết trong lịch sử gần đây”.

Sự vắng mặt của nhân học kitô giáo?

Theo hồng y, “tân giáo hoàng phải khôi phục tính liên tục trong đời sống công giáo và tái khẳng định sự hiểu biết về Vatican I cũng như vai trò riêng của triều giáo hoàng (…) Giáo hoàng (…) không thể thay đổi học thuyết Giáo hội và không được tùy tiện phát minh hoặc sửa đổi kỷ luật giáo hội”. Đối với Demos II, những “mô hình mới” và “những con đường mới chưa được khám phá” đi ra khỏi hai yếu tố này “không phải là của Chúa”.

Người viết tập sách ẩn danh cho rằng, trong số những điều khác, “việc tháo dỡ và tái sử dụng Viện Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II ở Rôma cũng như việc loại bỏ các văn bản như Thông điệp Chân lý Rạng ngời Veritatis Splendor cho thấy cảm xúc và lòng trắc ẩn đã lấn át lý trí, công lý và sự thật. Đối với cộng đồng đức tin, điều này là không lành mạnh và cực kỳ nguy hiểm”.

Tập sách tiếp tục, Giáo hội không thể “bị thu gọn vào một hệ thống đạo đức hay phân tích xã hội học linh hoạt và bị sửa sang lại theo bản năng và ham muốn (và những nhầm lẫn về tình dục)”. Theo tập sách, một trong những sai sót chính của triều hiện nay là việc rút lui khỏi ‘thần học về thân xác’ đầy thuyết phục, và “sự vắng mặt của nhân học kitô giáo trong thời đại mà các cuộc tấn công vào bản chất và bản sắc con người, từ chủ nghĩa chuyển giới sang chủ nghĩa xuyên nhân loại” đang tăng lên.

Một giáo hoàng không còn tông du nữa?

Văn bản cũng đưa ra việc tông du của giáo hoàng tiếp theo: “Tông du quốc tế đã phục vụ tốt cho một mục tử như giáo hoàng Gioan-Phaolô II vì những tài năng cá nhân độc đáo của ngài và tính chất của thời đại. Nhưng thời thế và hoàn cảnh đã thay đổi. Giáo hội ở Ý và khắp châu Âu – ngôi nhà lịch sử của đức tin – đang gặp khủng hoảng”. Vatican cần khẩn trương đổi mới đạo đức, thanh lọc các thể chế, thủ tục và nhân sự, cũng như cải cách tài chính toàn diện để chuẩn bị cho một tương lai khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi sự hiện diện, sự quan tâm trực tiếp, sự cam kết cá nhân của bất kỳ tân giáo hoàng nào.”

Một khía cạnh mà nhà báo John Allen của trang Crux, có quan điểm ngược lại trong bài báo ngày 3 tháng 3. Nhà vatican học người Mỹ tin rằng: “Dù người ta có nghĩ gì về chẩn đoán chung của Demos II, nhưng điểm đặc biệt này gần như chắc chắn không thể áp dụng, vì dòng lịch sử đưa triều giáo hoàng đi theo hướng hoàn toàn ngược lại. Trước hết, quan điểm cho rằng trách nhiệm đầu tiên của giáo hoàng là đối với nước Ý hoặc châu Âu là một chủ nghĩa lỗi thời về mặt lịch sử. Ngày nay, 2/3 trong số 1,3 tỷ người công giáo trên thế giới sống bên ngoài phương Tây, tỷ lệ này sẽ đạt 3/4 vào giữa thế kỷ này.

Theo nhà báo John Allen, “một giáo hoàng từ chối tông du có thể bị cho là dấu hiệu rút lui của Giáo hội công giáo, như thế sẽ làm tổn hại đáng kể đến tầm quan trọng về mặt ngoại giao và địa chính trị của giáo hoàng và sẽ làm cho Vatican gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện các mục tiêu nhân đạo truyền thống của mình.” Với ông, “thật khó để thấy một giáo hoàng bị suy yếu và bị bỏ quên sẽ phục vụ cho lợi ích của Giáo hội như thế nào, bất kể ưu tiên của giáo hoàng tiếp theo là gì”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch