Sử gia Ulrich L. Lehner: “Lạm dụng tình dục không phải là vấn đề của thời hiện đại”
Nhà sử học và thần học người Đức Ulrich L. Lehner xuất bản một quyển sách nói về lạm dụng tình dục nơi các tu sĩ Dòng Tên, tiết lộ cho biết, hầu hết tất cả các vấn đề mà Giáo hội phải đối diện trong cuộc khủng hoảng lạm dụng hiện nay đều đã được biết đến từ thế kỷ 17 và 18.
cath.ch, Annalena Müller, 2024-02-19
Ulrich L. Lehner, giáo sư thần học tại Đại học Notre Dame (Indiana) | © Peter Ringenberg/Đại học Notre Dame
Ulrich L. Lehner, 47 tuổi là nhà thần học và sử học công giáo gốc Đức. Ông là giáo sư thần học tại Đại học Notre Dame danh tiếng của Hoa Kỳ, lãnh vực nghiên cứu của giáo sư là lịch sử văn hóa, Giáo hội, thần học và tôn giáo trong thời kỳ đầu hiện đại. Giáo sư vừa phát hành quyển sách mới nhất Khiết tịnh dàn dựng – tội phạm tình dục trong Dòng Tên vào thế kỷ 17 và 18 (Inszenierte Keuschheit– Sexualdelikte in der Gesellschaft Jesu im 17. und 18. Jahrhundert)
Xin giáo sư cho biết, giáo sư viết quyển sách này với mục đích gì?
Giáo sư Ulrich L. Lehner: Tôi chưa bao giờ thực sự muốn viết quyển sách. Kể từ năm 2010, trong các hội nghị và ấn phẩm khoa học, tôi luôn tiếp tục nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử tội phạm tình dục trong giới giáo sĩ, kể cả trước năm 1945. Tôi đã đi xa đến mức phổ biến các nguồn thông tin và tài liệu lưu trữ tôi có thể tìm thấy trong các thông tin này. Nhưng không ai dám lao vào. Vì vậy, tôi cảm thấy buộc tôi phải làm công việc này.
Giáo sư có thể cho chúng tôi biết ngắn gọn chuyện này nói về điều gì không?
Quyển sách đề cập đến vấn đề lạm dụng tình dục nơi các tu sĩ Dòng Tên vào thế kỷ 17 và 18. Các tu sĩ Dòng Tên thích tự cho mình ở trong một Dòng đặc biệt khiết tịnh. Việc dàn dựng này có hiệu quả vì các vụ bạo lực tình dục với học sinh và các thành viên của Dòng đều được giữ bí mật. Những người phạm tội chỉ đơn giản là bị về lại đời sống thế tục, dù điều này trái với quy chế của Dòng. Ngược lại, họ lại giữ trong Dòng những kẻ lạm dụng có ảnh hưởng nhất và họ che đậy cho những người này…
“Các cơ chế tương tự như những cơ chế chúng ta chứng kiến trong cuộc khủng hoảng lạm dụng hiện nay”
… Điều này nhắc chúng ta về một chuyện gì đó…
Đúng, các cơ chế này tương tự như những cơ chế chúng ta thấy trong cuộc khủng hoảng lạm dụng hiện nay. Vào thời điểm đó cũng có những tin đồn mà Dòng không muốn tin. Đơn giản họ chỉ thuyên chuyển người. Các nạn nhân cũng là một vấn đề, họ chưa bao giờ được xem là nạn nhân. Quyển sách nhằm mục đích khuyến khích chúng ta suy nghĩ lại về sự tranh cãi chống lại các trường Dòng Tên, xem đây là những nơi “loạn dâm hậu môn (pédérastie)”, một buộc tội mà các nhà sử học chưa bao giờ nghiêm túc xem xét.
Giáo sư vừa là nhà khoa học vừa là người công giáo giữ đạo – đây có phải là vấn đề khi giáo sư làm công việc này không?
Thật là khủng khiếp. Nhất là khi tôi phải viết ghi chú cho quyển sách, phải liệt kê lại tất cả các chi tiết – kiểu thâm nhập nào, có xuất tinh hay không, v.v. Những tường thuật chi tiết này, tôi trích từ các tài liệu bằng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, liên tục nhắc tôi nhớ đến những câu chuyện đau lòng về nạn lạm dụng đương thời được đưa ra ánh sáng ở Đức và Hoa Kỳ.
“Ngay cả với tôi, nhà sử học giàu kinh nghiệm, thật khó để kiềm chế được cơn tức giận”
Ngay từ thế kỷ 17 và 18 đã có những “mạng lưới” riêng biệt của những người phạm tội chuyên chuyển nạn nhân của họ cho nhau, họ không ngần ngại cưỡng hiếp và hiếm khi họ bị pháp luật trừng trị đúng luật. Ngay cả với tôi, nhà sử học giàu kinh nghiệm, thật khó để kiềm chế được cơn tức giận.
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, việc che đậy hành vi lạm dụng của các giáo sĩ là một chủ đề lớn. Điều này có tồn tại trước đây không?
Chắc chắn có. Cáo buộc che đậy chủ yếu đã có từ thế kỷ 19 trở đi. Tất nhiên, phải tính đến bối cảnh lịch sử. Vào thời điểm đó, lý tưởng về sự minh bạch như chúng ta biết ngày nay vẫn chưa tồn tại. Sử gia Daniel Jütte (về thời kỳ hiện đại tại Đại học New York) gần đây đã làm sáng tỏ vấn đề một cách phi thường. Nhưng họ đã chấp nhận một linh mục ra khỏi Dòng mà vẫn tiếp tục hành vi sai trái của họ ở chỗ khác, dù khi đó chưa có lý tưởng minh bạch, thì vẫn là một chuyện không thể chấp nhận được.
Chính xác thì việc che đậy diễn ra như thế nào vào thời điểm đó?
Đối với các tu sĩ Dòng Tên là các giáo sư – và có rất ít – việc sa thải chỉ được xem xét trong những trường hợp cực kỳ thái quá. Hầu hết họ được chuyển đi nơi khác. Đó là trường hợp của Theoderich Beck (mất năm 1676). Ông là cha giải tội của hồng y Frederick de Hesse. Theoderich Beck đã ép nhiều học sinh trung học được giao phó cho ông chăm lo, có quan hệ tình dục với ông. Khi nhà sử học tỉnh Bavaria Karl Ritter von Lang lần đầu tiên xuất bản một vài trường hợp năm 1815, các tu sĩ Dòng Tên đã tấn công ông và buộc tội ông nói dối hoặc tối thiểu hóa các tội phạm tình dục.
Vào thời đó, việc bảo vệ danh tiếng tốt là hàng đầu, trước mọi chuyện khác…
Đúng vậy, chúng tôi không muốn làm hoen ố danh tiếng của Dòng qua việc ghi lại ký ức. Tuy nhiên, cũng có những người gióng lên tiếng chuông báo động trong nội bộ Dòng, họ không thể yên được với lương tâm của mình, với một lương tâm “vô tư”. Họ là những người bắt đầu làm một số việc nào đó.
Giáo sư có ví dụ điển hình nào về trường hợp này trong nghiên cứu của giáo sư không?
Trường hợp nổi tiếng nhất là trường hợp của Jakob Morell, tu sĩ Dòng Tên ở Augsburg (mất năm 1727). Morell là một tội phạm tình dục. Ông đã lạm dụng học sinh trong nhiều thập kỷ. Nhiều người trong số này xuất thân từ những gia đình có thế lực, như gia đình Fugger. Khi Morell bị vạch mặt, ban đầu ông bị loại ra khỏi Dòng. Nhưng ông không bao giờ ông bị truy tố hình sự hay ngồi tù.
Chuyện gì đã xảy ra với Jakob Morell sau khi ông ra khỏi Dòng?
Ông nhanh chóng được vào Dòng lại. Bề trên Tổng quyền ở Rôma mềm lòng trước những thư van xin của ông và đã cho ông vào Dòng lại chỉ một năm sau khi ông bị trục xuất ra khỏi Dòng. Chắc chắn, Jakob Morell đã được chuyển đến một vùng sâu của Hungary. Nhưng từ đó, cứ hai năm một lần, ông lại chuyển sang một trường trung học khác của Áo – chuyện này kéo dài trong 27 năm.
“Rất khó có khả năng một kẻ phạm tội tình dục như vậy sẽ ngừng hành động”
Ở nhiều thị trấn, Jakob Morell từng là cha giải tội cho học sinh trung học. Rất khó có khả năng một kẻ phạm tội tình dục như vậy sẽ ngừng hành động. Họ chỉ cẩn thận hơn. Nhưng có thể ông đã tiếp tục lạm dụng học sinh trong gần 50 năm.
Đặc biệt, trong các môi trường của những người theo chủ nghĩa truyền thống, một luận điểm phổ biến cho rằng lạm dụng trong Giáo hội là vấn đề hiện đại liên quan đến cuộc cách mạng tình dục vào những năm 1960. Tổng giám mục Georg Gänswein là người tán thành nổi tiếng. Ông nghĩ sao?
Điều này được chứng minh là sai. Đức Piô XII (1939-1958) được một người mà cảnh sát Rôma cho rằng đã là người loạn dâm hậu môn trong nhiều thập kỷ vinh danh. Người tiền nhiệm của ngài là Đức Piô XI (1922-1939), trong hầu hết các bức ảnh chính thức, ngài chụp với hai giáo sĩ cấp cao mà chúng ta có thể đọc thấy những điều tương tự trong hồ sơ cảnh sát.
“Đức Phanxicô không cải thiện được gì cho tình hình”
Ông David Kertzer (nhà nhân chủng học và sử học người Mỹ, chuyên gia về nước Ý) đã nói về điều này trong quyển sách Giáo hoàng và Mussolini (The Pope and Mussolini, 2016). Ở Tessin, năm 1916, giám mục buộc phải từ chức vì một linh mục giáo phận cáo buộc giám mục đã lạm dụng tình dục ông – và đây có lẽ không phải là một trường hợp cá biệt. Đây chỉ là những trường hợp được giữ bí mật ở cấp cao nhất của Giáo hội trong suốt ba thập kỷ đầu của thế kỷ 20. Có thể quy mô của hiện tượng này ít hơn trước năm 1968. Tôi không biết và không thể đưa ra mức độ lớn lao. Nhưng thực tế là những trường hợp như vậy đã tồn tại và với số lượng lớn hơn nhiều so với chúng ta nghĩ, đó là một sự việc.
Vậy lạm dụng không phải là vấn đề hiện đại mà là vấn đề mang tính hệ thống?
Dù sao đi nữa, tôi đã tìm thấy nhiều mối liên hệ giữa việc hướng dẫn thiêng liêng và lạm dụng. Ngày nay, cũng như thời đó, có những luật lệ nghiêm ngặt của Giáo hội, nhưng thường không được thi hành hoặc chỉ được thi hành khi có nguy cơ xảy ra tai tiếng công khai. Lạm dụng tình dục chắc chắn không phải là một vấn đề hiện đại.
Cho đến nay ông đã nhận được những phản ứng nào về quyển sách của ông?
Trên hết, tôi rất bằng lòng với lòng tốt và sự sẵn sàng của các tu sĩ Dòng Tên. Họ thực sự quan tâm đến công việc ghi lại ký ức. Cho đến nay, tôi chỉ nhận được phản hồi từ các nhà sử học đồng nghiệp và họ ghi nhận những điều tích cực.
Với tư cách là một nhà sử học, thần học và là tín hữu công giáo, ông muốn thấy những cải cách nào trong Giáo hội công giáo để cuối cùng có thể giải quyết được vấn đề lạm dụng?
Đức Phanxicô không cải thiện được tình hình. Chúng ta nhìn vào vụ “phục hồi” giám mục Mỹ John Nienstedt cách đây vài tuần. Mười năm sau khi ngài từ chức, giờ đây các tín hữu được mời gọi “tin tưởng” vào tòa án tối cao của Vatican, mà không cần có một lý do biện minh hay bằng chứng nào, theo đó, những cáo buộc chống lại giám mục Nienstedt không có gì là đúng sự thật.
Sự tin tưởng là chiếc cầu để đưa bạn qua sông. Chúng ta chỉ làm được việc này, nếu có lý do chính đáng để tin rằng các tấm ván không bị mục nát. Nhưng những năm gần đây, chúng ta thường xuyên bị gáo nước lạnh tạt vào mặt vì mù quáng tin tưởng vào tiếng gọi từ bờ bên kia, ngày nay người công giáo cần những lý do chính đáng để mạo hiểm băng qua cây cầu này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch