Giáo hoàng tiếp theo sẽ đến từ Quebec, Canada?
ici.radio-canada.ca, François Pouliot, 2023-12-27
Hồng y Gérald Cyprien Lacroix được cho là người có khả năng được bầu làm giáo hoàng nhưng ghế Thánh Phêrô vẫn còn rất xa.
Hồng y Gérald Cyprien Lacroix bên cạnh Đức Phanxicô trên xe giáo hoàng ở đền thờ Sainte-Anne-de-Beaupré trước thánh lễ 7-2022. Ảnh: Radio-Canada / Olivia Laperrière-Roy
Ở tuổi 87, sức khỏe của Đức Phanxicô ngày càng yếu. Ai là người sẽ có thể kế vị ngài. Nhà báo Alain Pronkin, chuyên gia về các vấn đề tôn giáo nhận thấy có hai ứng viên địa phương: hồng y Gérald Cyprien Lacroix và hồng y Michael Czerny ít được biết hơn ở đây, ngài sinh ra ở Tiệp Khắc nhưng lớn lên ở Montreal và Toronto, Canada.
Giáo hoàng tiếp theo sẽ đến từ Quebec? Từ mùa đông năm ngoái, hồng y Gérald Cyprien Lacroix, tổng giám mục giáo phận Québec là một trong chín thành viên của Hội đồng Hồng y (C9). Được Đức Phanxicô đánh giá cao, hồng y Lacroix dường như đang ở một vị trí tốt để kế nhiệm ngài.
Nhưng giáo sư Gilles Routhier, phân khoa Thần học và Khoa học Tôn giáo tại Đại học Laval, Québec lưu ý: “Nhưng cẩn thận, không phải Đức Phanxicô là người chỉ định người kế vị ngài.”
Giáo sư Routhier nhắc lại, dù chắc chắn hồng y Gérald Cyprien Lacroix được Đức Phanxicô quý trọng, nhưng tiến trình bầu cử luôn liên hệ đến Hồng y đoàn và tùy tình hình lúc thời điểm đó diễn ra.
Bối cảnh sẽ quyết định người kế nhiệm nào thích hợp lúc đó
Giáo sư khẳng định: “Một cách tiên nghiệm, thật khó để nói ai sẽ là người được cân nhắc, không phải do giáo hoàng Phanxicô nhưng do Hồng y đoàn thấy đó là người thích hợp nhất cho tình huống. Họ sẽ xác định chân dung trước khi đi tới tính cách.”
Hồng y đoàn gồm 133 hồng y cử tri. Trong số này, 96 người được giáo hoàng đương nhiệm bổ nhiệm.
Liên tục hay cắt đứt?
Tùy thuộc vào bối cảnh, sau khi Đức Phanxicô ra đi, các cử tri của Hồng y đoàn có thể lựa chọn cho một khả năng tiếp tục, một giáo hoàng có khả năng lãnh đạo tương tự, có cùng định hướng và theo đuổi cùng một chương trình với giáo hoàng tiền nhiệm. Các thành viên của Hội đồng C9 có chung những đặc điểm này.
Giáo sư Routhier giải thích: “Nếu các hồng y cử tri muốn cắt đứt với giáo hoàng tiền nhiệm, họ sẽ nói ‘chúng ta đã có đủ định hướng này’ và bây giờ chúng ta thay đổi hướng đi, chúng ta sẽ hướng tới những ứng viên tiềm năng khác.”
Kể từ mùa đông năm ngoái, hồng y Gérald Cyprien Lacroix đã là thành viên của C9, liệu yếu tố này có đưa ra một chỉ dẫn nào về những gì sẽ xảy ra tiếp theo không?
Không, giáo sư Routhier trả lời thẳng. Thực tế, đây là dấu hiệu cho thấy Đức Phanxicô thấy nơi hồng y Lacroix là người có đầu óc phán đoán tốt. Hai người ăn ý và phối hợp nhau. Họ có những điểm chung và họ cùng làm việc chung với nhau.
Hồng y Gérald Cyprien Lacroix là người kết hợp, ngài có khả năng xây dựng sự đồng thuận, chắc chắn ngài là ứng viên tiềm năng. Theo giáo sư Routhier, gần đây những làn sóng gây ra do việc Vatican cho phép chúc phúc các cặp đồng giới, đây có thể là lý do làm cho một số hồng y bỏ phiếu đòi thay đổi.
Giáo sư Routhier cảnh báo, không những vậy, đặc biệt ở châu Phi các hồng y đang gây ồn ào và vận động theo hướng này.
Giáo hội công giáo không phải là dòng sông dài lặng lẽ, đôi khi nó có những dòng xoáy trên sông.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch