Davos, giáo hoàng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp

48

Davos, giáo hoàng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp

Thành phố Davos nơi tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) | wikimedia commons CC-BY-SA-2.0

Trong thông điệp gởi Diễn đàn Davos, Đức Phanxicô nhắc nhở trách nhiệm đạo đức của những người ra quyết định.

la-croix.com, Isabelle de Gaulmyn, 2024-01-18

Davos và thách thức toàn cầu hóa đạo đức

Davos? Trong những năm gần đây, sự nổi tiếng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), được tổ chức tại thành phố Thụy Sĩ đã bị mờ nhạt. Đã có thời tất cả các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ưu tú đều muốn được nhìn thấy ở đó. bây giờ trường hợp này ít xảy ra hơn. Vì thế chúng ta có nên xem Diễn đàn này không có gì thú vị không? Chắc là không.

Ông Klaus Schwab, nhà sáng tạo Diễn đàn cũng đã được Đức Phanxicô tiếp năm 2014 tại Vatican, ngài luôn quan tâm gởi thông điệp hàng năm. Chính tại Davos, nhu cầu xem xét lợi ích của tất cả các bên liên quan trong công ty đã được thảo luận vào những năm 1970. Ở đó Bill Gates cũng ca ngợi “chủ nghĩa tư bản sáng tạo”, chủ nghĩa tư bản khai thác các lực lượng thị trường để đáp ứng nhu cầu của những người thiếu thốn nhất. Một lần nữa năm 2020, sau vụ tai tiếng máy bay riêng của những người đến tham dự, vấn đề khí hậu toàn cầu nóng lên lại bước vào cuộc tranh luận.

Các thành viên đều là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp có doanh thu trên 5 tỷ đô la… Vì thế chúng ta có thể chế nhạo một số “ý định tốt” nào đó. Nhưng khi đến Davos, họ nhận ra trách nhiệm của họ trước sự tiến bộ của thế giới. Họ vẫn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ và có lẽ đây là điều kiện để Diễn đàn này giữ được hình ảnh vững mạnh của mình. Năm nay Đức Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ cho họ để “thúc đẩy các mô hình toàn cầu hóa đạo đức”. Ngài nhấn mạnh hai điểm: mối quan tâm của các công ty trong việc tính đến hoàn cảnh của người lao động ở các nước nghèo, điều mà Liên minh Châu Âu đang bắt đầu thực hiện với “nghĩa vụ cảnh giác”. Và sự cần thiết của các cơ cấu liên chính phủ để áp dụng “kiểm soát hiệu quả đối với khu vực kinh tế”. Nói tóm lại, đây là lời kêu gọi chống lại chủ nghĩa siêu tự do về kinh tế đang trong quá trình tái sinh ở Mỹ và các nơi khác.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch