Đức Phanxicô cảnh báo: “Thói tham ăn có lẽ là thói xấu nguy hiểm nhất đang hủy hoại hành tinh”

91

Đức Phanxicô cảnh báo: “Thói tham ăn có lẽ là thói xấu nguy hiểm nhất đang hủy hoại hành tinh”

 “Không phải những gì đi vào con người làm ô uế con người, nhưng là những gì xuất phát từ tâm hồn con người.”

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày thứ tư 10 tháng 1 tại Hội trường Phaolô VI. Vatican Media

cnews.fr, I.Media, 2024-01-11

Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày thứ tư 10 tháng 1, Đức Phanxicô lên tiếng, thói háu ăn là hậu quả trực tiếp của một xã hội tiêu dùng bệnh hoạn và vô trách nhiệm.

Giữa thực phẩm và đời sống tinh thần có mối liên hệ chặt chẽ. Theo một cách nào đó, người này nuôi người kia. Trong buổi tiếp kiến chung, ở Hội trường Phaolô VI, trong loạt bài giảng về tệ nạn và đức tính, ngài nhắc đến liên hệ giữa thói “tham ăn” và tính “háu ăn” của xã hội tiêu dùng.

Thức ăn là một chúc lành

Đức Phanxicô giải thích không nên tập trung vào “chính thức ăn mà vào mối quan hệ chúng ta có với nó”, ngài thấy một số người đã trở thành “nô lệ” cho thức ăn.

Nhiều đoạn trong Kinh thánh nói về Chúa Giêsu ngồi cùng bàn với người nghèo, chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ với mọi người. Tiệc cưới Cana là bằng chứng: “Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, nhưng chúng ta thường thấy Ngài ở bàn ăn”. Vì vậy, bữa ăn được xem là cơ hội gặp gỡ, vui vẻ và chia sẻ. Ngược lại, ăn chay sau cái chết của Ngài, trong Cuộc Khổ nạn, gắn liền với sự vắng mặt và chia ly.

Chúa Giêsu, khi nói về quan hệ của Ngài với thực phẩm, Ngài “từ bỏ sự phân biệt giữa thực phẩm tinh khiết và thực phẩm không tinh khiết, vốn là một trong những nền tảng của một số nền văn hóa của thế giới cổ đại”, Ngài giải thích, “không phải những gì vào cơ thể con người làm con người ô uế, nhưng là những gì xuất phát từ tâm hồn mình”.

“Hãy cho tôi biết bạn ăn như thế nào, tôi sẽ cho bạn biết bạn có tâm hồn như thế nào”

Đức Phanxicô lên án xã hội xã hội tiêu dùng, từ đó nảy sinh sự mất cân bằng lớn. Ngài nhận xét trong nhiều tình huống, “chúng ta ăn quá nhiều hoặc ăn không đủ”: “Các chứng rối loạn ăn uống đang lan rộng: biếng ăn, cuồng ăn, béo phì… Và y học cũng như tâm lý học đang cố gắng giải quyết mối quan hệ xấu với thực phẩm.”

Ngài nhấn mạnh: “Đó là những căn bệnh, thường rất đau đớn, chủ yếu liên quan đến những dằn vặt về tinh thần và tâm hồn. Hãy cho tôi biết bạn ăn uống như thế nào và tôi sẽ cho bạn biết bạn có tâm hồn như thế nào. Cách chúng ta ăn uống cho thấy thái độ tâm lý của chúng ta.”

Luôn muốn nhiều hơn nữa, tội ác lớn nhất của nhân loại

Đức Phanxicô lo lắng: “Nếu chúng ta hiểu những điều này trên quan điểm xã hội, thói háu ăn có lẽ là tật xấu nguy hiểm nhất đang hủy diệt hành tinh,” ngài mở rộng thuật ngữ “háu ăn” thành thực tế là liên tục tiêu thụ nhiều hơn mức cần thiết.

Ngài nhấn mạnh: “Tội lỗi của những người không thể nhịn trước chiếc bánh ngon, xét cho cùng, không gây tai hại gì nhiều, nhưng sự phàm ăn mà chúng ta đã và đang làm trong nhiều thế kỷ trên của cải của hành tinh, sẽ làm tổn hại đến tương lai của tất cả mọi người.”

Chúng ta bỏ tên mình để lấy tên của một người khác, của những người tiêu dùng. Đức Phanxicô

Vì thế ngài định nghĩa “cơn thịnh nộ của cái bụng” là “tội nặng” của thế giới đương đại. “Chúng ta bỏ tên mình để lấy tên của một người khác, của những người tiêu dùng”, vì thế Đức Phanxicô lên tiếng chống lại “sự háu ăn” làm cho nhân loại xa rời ơn gọi ban đầu của mình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch