Những gì tôi học được trong buổi tiếp kiến với Đức Phanxicô
Giáo dân chiếm một phần lớn trong đời sống công khai của Đức Phanxicô. Ảnh từ Vatican Media / Getty
Phát biểu trước hội nghị, Đức Phanxicô nói về vai trò của trí tưởng tượng trong đời sống của đạo công giáo.
newyorker.com, Paul Elie, 2023-06-06
Cách đây vài tuần, bà Giorgia Meloni, Thủ tướng của phái dân tộc chủ nghĩa cánh hữu của Ý đã dự một sự kiện với Đức Phanxicô về về tỷ lệ sinh sản thấp của Ý, bà đã bị các phóng viên Ý chỉ trích vì đã mặc chiếc quần màu be nhạt với chiếc áo khoác dài màu trắng. Vi phạm một nghi thức cũ quy định, chỉ các phụ nữ duy nhất được phép mặc đồ trắng khi yết kiến giáo hoàng là hoàng hậu và các phối ngẫu của các vị vua công giáo, họ cho rằng bà Meloni mặc như thế là không phù hợp, rằng bà cố gắng thu hút sự chú ý. Đức Phanxicô mặc toàn trắng, từ sân khấu ngài nói: “Chúng tôi mặc giống nhau.”
Cơn bão nhỏ đó đã ở trong đầu tôi một buổi sáng thứ bảy gần đây, khi tôi vội vã đến Vatican để gặp trực tiếp ngài. Đây là một buổi tiếp kiến của giáo hoàng; các đồng nghiệp ở Đại học Georgetown, nơi tôi giảng dạy, đã cùng tổ chức một hội nghị tập họp hàng chục nhà văn về Rôma để thảo luận về cách đạo công giáo có mặt trong các tác phẩm của họ và phục vụ như một “thẩm mỹ học toàn cầu”, cùng tham dự với các nhà văn từ các quốc gia và nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Hướng dẫn được gởi đến chúng tôi: đến đúng 9 giờ sáng, y phục phù hợp, đàn ông là áo vét với cà vạt, phụ nữ là áo trang trọng (không mặc màu trắng). Bỏ qua chuyện ăn mặc, vấn đề chính là Đức Phanxicô sẽ trông như thế nào. Ngài đã hủy tất cả cuộc hẹn ngày hôm trước. Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết ngài chỉ bị sốt, nhưng giáo hoàng đã 86 tuổi và tháng 3 vừa qua, ngài phải nhập viện khẩn cấp vì nhiễm trùng đường hô hấp nên mọi vấn đề sức khỏe đều là nguyên nhân làm mọi người lo ngại. Tôi tự hỏi liệu nhóm của chúng tôi có thực sự xứng đáng với thời gian và sức lực còn lại của ngài không.
Các buổi tiếp kiến chung là một phần lớn trong cuộc đời công khai của giáo hoàng. Các buổi tiếp kiến hàng tuần ngày thứ tư có một lượng giáo dân quan trọng đến dự, khi thời tiết cho phép thì Vatican tổ chức ở Quảng trường Thánh Phêrô, mùa đông thì ở Hội trường Phaolô VI rộng lớn. Các hàng ghế hàng đầu dành cho các nhân vật quan trọng, thành viên báo chí, người bệnh, người có liên hệ đặc biệt. Và giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật từ cửa sổ dinh tông tòa cũng với đông đảo giáo dân ở quảng trường. Xung quanh các sự kiện này, và trong suốt tuần là các buổi tiếp kiến riêng với các nhân vật chức sắc, các nguyên thủ quốc gia và những người có trách nhiệm trong Giáo hội. Năm 1987, Đức Gioan-Phaolô II đã bị chỉ trích khi ngài tiếp tổng thống Áo Kurt Waldheim, sau khi ông bị cáo buộc đã đóng một vai trò trong các tội ác chiến tranh của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Đức Bênêđictô XVI đã giải thích quyết định từ nhiệm “khó khăn và đau đớn” của ngài trong buổi tiếp kiến chung cuối cùng tháng 2 năm 2013. Đức Phanxicô đã tiếp kiến riêng hàng ngàn người, trong đó có nữ hoàng Elizabeth II, các tổng thống Barack Obama, Donald Trump, Volodymyr Zelensky, các nghệ sĩ Bono và George Clooney. Ngài cũng tiếp các nhóm hoạt động trong những lãnh vực ngài đặc biệt quan tâm: trong những ngày trước buổi tiếp kiến của chúng tôi, ngài đã tiếp những người hành hương từ miền bắc nước Ý, các nhà lãnh đạo liên tôn từ Trung Đông, các thị trưởng từ Châu Mỹ la-tinh và Châu Âu, các nhân viên từ thiện từ trên khắp thế giới, và cơ quan quản lý quần vợt quốc gia của Ý.
Lúc chín giờ sáng, nhóm chúng tôi tập trung tại cổng Thánh Annà, nằm giữa Đền thờ Thánh Phêrô và lối vào Viện bảo tàng Vatican. Chúng tôi được dẫn đi qua bưu điện Vatican, qua một bãi đậu xe trong sân có tượng Đức Mẹ bằng đá, đi lên cầu thang ngoằn ngoèo, dọc theo hành lang mạ vàng, rồi vào một phòng khách lớn theo phong cách ba-rốc được trang trí bằng những bức bích họa về cuộc đời của Thánh giáo hoàng Clement ở thế kỷ thứ nhất. Khi chúng tôi vào chỗ, một bản in bằng tiếng Anh về những lời phát biểu của giáo hoàng đã được phân phát. Tôi ngồi cạnh giáo sĩ Abraham Skorka, hiện là đồng nghiệp của tôi ở Georgetown, ông đã biết giáo hoàng trong nhiều thập kỷ; Skorka là giáo sĩ do thái ở Buenos Aires khi Đức Phanxicô còn là Jorge Mario Bergoglio, tổng giám mục tại đây. Ở cuối hàng là đạo diễn Martin Scorsese, người vừa từ Liên hoan phim Cannes đến. Chiều hôm đó ông có buổi phỏng vấn với linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, người gần gũi với Đức Phanxicô; kể từ năm 2016, Đức Phanxicô đã gặp đạo diễn nhiều lần sau khi ông phát hành phim “Im lặng”, kể câu chuyện các nhà truyền giáo Dòng Tên ở Nhật Bản, bộ phim đã thu hút sự chú ý đến chiều kích công giáo trong tác phẩm của ông.
Giáo hoàng xuất hiện ở ngưỡng cửa, mọi người vỗ tay khi ngài bước vào. Ngài dùng gậy có đinh bám, và mỗi bước đi, ngài đưa cây gậy về phía trước và xoay người về hướng đó. Thật rất xúc động khi nhìn thấy ngài, người đã không có cuộc sống của riêng mình trong mười năm qua kể từ khi ngài được bầu làm giáo hoàng, người mà mọi cử chỉ đều được xem xét kỹ lưỡng về tầm quan trọng, ngài bước qua sàn nhà bóng loáng chỉ bằng hai bước nhẹ nhàng. Ngài ngồi xuống ghế và lấy kính ra đọc, một phụ tá điều chỉnh micrô cho ngài. Sau đó, ngài nói chuyện bằng tiếng Ý với nhóm về vai trò của trí tưởng tượng trong đời sống công giáo. Ngài nói: “Nghệ thuật là thuốc giải độc cho tư duy tính toán và tiêu chuẩn hóa. Các nghệ sĩ được kêu gọi mang lại sự sống, hiện thực và cách diễn tả bằng lời nói cho tất cả những gì nhân loại trải nghiệm, cảm nhận, mơ ước và chịu đựng. Công việc của họ có tác động đến trí tưởng tượng thiêng liêng nơi con người thời đại chúng ta”. Và vai trò của các nghệ sĩ công giáo như những người có mặt ở đây không phải là để “giải thích” đức tin và các mầu nhiệm của Chúa Kitô nhưng để giúp người đương thời cảm nhận được chúng và để “đưa xã hội chúng ta hướng tới vẻ đẹp và tình huynh đệ phổ quát”.
Đó là lời nhắn của giáo hoàng, cao cả và phổ quát. Đoạn bất ngờ nhất – và vì thế theo tôi dường như là đoạn có nhiều khả năng phản ánh quan điểm đặc biệt nhất của ngài, là đoạn cảm hứng từ tác phẩm “Anh em nhà Karamazov” của Dostoyevsky. Ngài nói: “Một em bé, con của người hầu gái, ném một hòn đá trúng chân một trong những con chó của ông chủ nhà. Sau đó, ông chủ để đàn chó tấn công đứa trẻ, đứa trẻ chạy và cố gắng tự cứu mình khỏi cơn thịnh nộ của chúng, nhưng cuối cùng em bé bị xé thành từng mảnh dưới ánh mắt mãn nguyện của ông chủ và con mắt đau đến điên cuồng của người mẹ. Trong đại sảnh nặng nề nghi lễ, Đức Phanxicô nói về cái ác – ngài đánh vần từng ý nghĩa của một trí tưởng tượng như trí tưởng tượng của văn hào Dostoyevsky – là “đáng lo ngại”. Chắc ngài cũng kể chuyện này với các sinh viên trong các lớp văn chương ngài đã dạy ở một trường Dòng Tên Argentina vào những năm 1960.
Ngồi cách ngài chỉ vài bước, tôi chăm chú quan sát, tập trung vào hình ảnh của ngài cũng như lời ngài đang nói. Ngài có vẻ ổn: hơi mệt, nhưng thanh thản và giọng nói mạnh mẽ. Trong cuộc gặp ngắn ngủi với ngài năm 2015 tại Quảng trường Thánh Phêrô, tôi đã có ấn tượng mạnh bởi sức sống trong đôi mắt và nụ cười của ngài. Tám năm sau, ngài đã tăng cân và đi lại khó khăn. Nhưng đôi mắt vẫn sáng, và nụ cười vẫn chân thật. Khi ngài nói xong, chúng tôi xếp hàng và từng người một đến chào ngài. Một số nhà văn đem sách tặng ngài; những người khác mang đồ vật để ngài làm phép. Đạo diễn Scorsese và vợ của ông, bà Helen Morris tặng ngài bản Kinh Lạy Cha đóng khung, viết bằng tiếng osage, ngôn ngữ đầu tiên của nhiều nhân vật trong cuốn phim sắp chiếu của ông, “Killers of the Flower Moon” dựa theo một quyển sách của David Grann, một cây viết cho tạp chí này. Khi đến lượt tôi, ngài nắm bàn tay phải của tôi bằng cả hai tay của ngài, một giao thoa giữa một cái bắt tay và một cái ôm. Tôi thì thầm vài câu đánh giá cao góc nhìn ngoài sức tưởng tượng mà ngài vừa đưa ra. Sau khi tất cả mọi người đã chào ngài, giám mục Ai-len Paul Tighe trong lễ phục dâng lời cầu nguyện, và mọi người cùng cầu nguyện. Kế đó, ngài rời phòng, trong tiếng vỗ tay. Toàn bộ sự kiện kéo dài chỉ khoảng một giờ.
Ngược với hai giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Phanxicô không được biết đến như một tác giả; ngài chưa làm xong luận án tiến sĩ về nhà thần học Romano Guardini, khi ngài học ở Frankfurt, nước Đức, luận án chưa xuất bản và ngài không viết quyển sách quan trọng nào trước khi là giáo hoàng. Nhưng ngài đã mang đến trí tưởng tượng cho ngôi vị giáo hoàng, dùng những hình ảnh sống động để truyền cảm thức về đạo công giáo phải nên như thế nào của ngài. Ngay từ đầu triều, trong một phỏng vấn với linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, ngài mô tả Giáo hội giống như một bệnh viện dã chiến nơi chăm sóc những người bị tổn thương của thế giới hiện đại. Và ngài đi gặp người tị nạn ở Lampedusa, ở Lesbos, ngài đến Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, ngài hình dung một Giáo hội của người nghèo và vì người nghèo, gặp người dân ở nơi họ ở thay vì chờ họ về Rôma. Tháng 10 năm nay, tại thượng hội đồng giám mục đã được lên kế hoạch từ lâu, giáo dân mong chờ ngài quảng bá hình ảnh của Giáo hội như một không gian để lắng nghe, trong đó các nhà lãnh đạo Giáo hội lắng nghe nhu cầu của người dân bình thường về các vấn đề nghèo đói, công lý, di cư, tình dục, theo cách ngài nói với người khác như ngài đã nói với chúng tôi. Dĩ nhiên thượng hội đồng có thể cũng chỉ là một cuộc họp thuộc lòng khác, và đạo công giáo có những vấn đề mà chỉ duy đối thoại không thể giải quyết được, nhưng giáo hoàng với tư cách là người lắng nghe chính là một ý tưởng khó mà không thương mến.
Khi đi bộ băng qua Quảng trường Thánh Phêrô, tôi đi ngang qua một nhóm khoảng vài chục người đàn ông dưới hàng cột đá Bernin nổi tiếng. Một số mang dép; một số đi chân không. Một số mang túi xách; một số đẩy xe đẩy. Họ đến quảng trường để dùng nhà vệ sinh, nhà tắm đàng sau hàng cột, những nơi này Đức Phanxicô đã làm cho người vô gia cư năm 2015. Ba năm trước, ngài cũng đã dùng một cung điện gần đó làm nơi ở cho người vô gia cư. Khi thành lập nơi này, ngài đã tìm cách đến gần với đạo công giáo như ngài hình dung về nó, để Giáo hội của người nghèo trở nên hữu hình, để du khách của Giáo hội Thánh Phêrô có thể ra về với hình ảnh tôn giáo ngài điều hành ngày càng sâu sắc và phức tạp.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch