Sự trở lại của bà Hirsi Ali, một trong những nhà trí thức ấn tượng nhất trong công chúng Mỹ hiện nay
didoc.be, fr, Michael Cook, 2023-12-02
Bà Hirsi Ali, một trong những người vô thần nổi tiếng nhất thế giới trở thành người tín hữu kitô
Năm 1822, Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của Mỹ đã tiên đoán về cái chết của kitô giáo truyền thống. Ông viết cho một người bạn: “Tôi hy vọng không có một thanh niên nào hiện đang sống ở Hoa Kỳ sẽ không chết như một người theo phái Nhất thể.” Khi nói điều này, ông muốn nói sẽ không còn ai tin vào thiên tính của Chúa Kitô và chấp nhận thẩm quyền của một Giáo hội.
Hai thế kỷ trôi qua đủ để chứng minh ông đã sai lầm như thế nào. Dù có những vụ tai tiếng, cãi vã, hỗn loạn, người Mỹ ít nhiều vẫn mộ đạo. Và kitô giáo vẫn có nhiều sức mạnh để thu hút những người trở lại thông minh và chân thành.
Dấu hiệu mới nhất là bà Ayaan Hirsi Ali thông báo bà đã trở thành một tín hữu kitô.
Hirsi Ali là một trong những trí thức gây ấn tượng nhất ở Hoa Kỳ hiện nay. Cuối tuần qua, bà đăng một bài xã luận trên Unherd, một tạp chí trực tuyến của Anh, với tựa đề “Tại sao bây giờ tôi là tín hữu kitô” (Why I am now a Christian ). Đây là ám chỉ rõ ràng đến bài tiểu luận nổi tiếng năm 1927 của nhà toán học triết gia Bertrand Russell “Tại sao tôi không phải là người tín hữu kitô”.
Hành trình trí tuệ của bà thật đáng kinh ngạc.
Bà sinh năm 1969 ở Somalia, được nuôi dạy là người hồi giáo ở Kenya. Ở trường trung học, bà gia nhập Tổ chức Anh em hồi giáo vì bị thuyết phục qua cách giải thích gay gắt của họ về đạo hồi. Khi gia đình di cư sang Hà Lan, bà bỏ đạo hồi. Bà học tiếng Hà Lan và trở thành thành viên của Quốc hội Hà Lan. Sau ngày 11 tháng 9, bà trở thành người vô thần và chỉ trích cách xã hội hồi giáo đối xử với phụ nữ. Bà viết kịch bản cho một bộ phim ngắn về chủ đề này, nhưng đạo diễn Theo van Gogh đã bị một người hồi giáo cuồng tín sát hại dã man. Với cuộc sống của chính mình bị đe dọa, cuối cùng bà di cư sang Mỹ, bà lập nghiệp tại đây với tư cách là nhà phê bình hồi giáo, người đánh thức văn hóa và là nhà đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận. Bà được xem là ngôi sao của phong trào “những người vô thần mới”. Trên tạp chí Unherd bà viết:
“Tôi tìm được một nhóm bạn hoàn toàn mới, khác với những nhà truyền giáo của Tổ chức Anh em Hồi giáo như chúng ta hình dung. Càng dành nhiều thời gian với họ – những người như Christopher Hitchens và Richard Dawkins – tôi càng tin chắc tôi đã có lựa chọn đúng đắn. Bởi vì những người vô thần rất thông minh. Họ cũng rất vui vẻ. Vậy điều gì đã làm bà thay đổi? Tại sao bây giờ tôi lại tự cho mình là người tín hữu kitô? ”.
Trong bài luận ngắn gọn của bà, bà đưa ra hai lý do.
Lý do thứ nhất, kitô giáo là tường thành hiệu quả duy nhất chống lại “ba thế lực khác nhau nhưng có liên quan với nhau: sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài và chủ nghĩa bành trướng cường quốc dưới hình thức Đảng cộng sản Trung quốc và nước Nga của Vladimir Putin; sự trỗi dậy của chủ nghĩa hồi giáo toàn cầu, đe dọa huy động một lượng lớn dân chúng chống lại phương Tây; và sự lan truyền rộng rãi của hệ tư tưởng thức tỉnh (woke) đang ăn mòn những nền tảng đạo đức của thế hệ tiếp theo”.
Bà nói, tất cả những giá trị mà người phương Tây trân trọng đều có nguồn gốc từ kitô giáo – phẩm giá con người, pháp quyền, tự do, nghiên cứu khoa học, giáo dục…
Quyền tự do lương tâm và ngôn luận này có lẽ là lợi ích lớn nhất của nền văn minh phương Tây. Nó không tự nhiên đến với con người. Nó là kết quả của nhiều thế kỷ tranh luận trong cộng đồng do thái và kitô giáo. Chính những cuộc tranh luận này đã giúp thúc đẩy khoa học và lý trí, giảm bớt sự tàn ác, loại bỏ mê tín dị đoan và thiết lập các thể chế để có trật tự và bảo vệ sự sống, đồng thời đảm bảo quyền tự do cho số đông nhất.
Lý do thứ hai mang tính cá nhân và thiêng liêng:
Tôi quay về với kitô giáo vì cuối cùng tôi nhận thấy cuộc sống mà không có một thanh thoát thiêng liêng nào là một cuộc sống không thể chịu nổi, gần như tự hủy hoại bản thân. Chủ nghĩa vô thần đã không trả lời được câu hỏi đơn giản: ý nghĩa và mục đích của cuộc sống là gì?
Niềm tin mới của Hirsi Ali chỉ mới bắt đầu. Bà nói mỗi chúa nhật ở nhà thờ bà học thêm được một chút. Bà để cho độc giả đọc bài xã luận của bà không biết đó là nhà thờ nào và ai đã đưa bà ấy đến đó. Chồng bà, nhà sử học Niall Ferguson cho mình là người vô thần. Nhưng ông nói trên Twitter, ông hoàn toàn ủng hộ quyết định của bà.
Nhưng nghĩ rằng kitô giáo là tốt cho xã hội chỉ là bước đầu hướng tới niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Như Đức Bênêđictô XVI đã viết: “Trở thành người tín hữu kitô không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một ý tưởng cao quý, mà là cuộc gặp với một sự kiện, một con người, Đấng mang lại cho cuộc sống một chân trời và một hướng đi mới mang tính quyết định”.
Có lẽ bà Ayaan Hirsi Ali vẫn còn một chặng đường dài để tìm hiểu kitô giáo. Nhưng ít nhất bà đã bỏ lại đằng sau ngọn lửa địa ngục và lòng căm thù chủ nghĩa hồi giáo, chủ nghĩa ích kỷ của thế hệ bông tuyết (snowflake, những người trẻ không ổn định về mặt cảm xúc trong những năm 2010) và chủ nghĩa duy lý sai lầm của chủ nghĩa vô thần. Bà đang đi đúng hướng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch