Enzo Bianchi: “Đức Phanxicô bị cô lập. Trên mạng xã hội, phe truyền thống của Giáo hội hoạt động rất mạnh”

117
Enzo Bianchi: “Đức Phanxicô bị cô lập. Trên mạng xã hội, phe truyền thống của Giáo hội hoạt động rất mạnh”
milano.corriere.it, Giampiero Rossi, 2023-11-30
Phỏng vấn tu sĩ thần học gia Enzo Bianchi, người thành lập Cộng đồng Đan viện Bose, miền bắc nước Ý.
Theo tu sĩ và nhà thần học: “Có một khoảng cách giữa giáo hoàng ngôn sứ và giáo dân của ngài. Tôi không nghĩ chúng ta đang hướng tới một cuộc ly giáo, nhưng tôi e rằng Giáo hội đang trượt tới chỗ diệt vong nguy hiểm. Đức Phanxicô bị cô lập, Giáo hội không có nguy cơ ly giáo nhưng là một mất mát nguy hiểm”.
Enzo Bianchi – tu sĩ tám mươi tuổi, nhà thần học, học giả uyên bác của Giáo hội, người sáng lập Cộng đồng đan viện Bose – ông không đi tìm những tuyên bố khoa trương để nói những gì ông nghĩ. Ông không núp sau những người có hành động cân bằng, cả khi ông nói về giáo hoàng trong quá khứ gần đây, ông có xung đột công khai: ông chỉ trích và bảo vệ giáo hoàng không dè chừng. Nhưng ông giải thích, suy nghĩ chính của ông là Giáo hội, tương lai của Giáo hội trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Quyển sách mới nhất của ông “Giáo hội đi về đâu?” (Où va l’Église?, nxb. San Paolo) ra mắt ngày thứ năm 30 tháng 11 tại Trung tâm Ambrosianeum cùng với Ferruccio de Bortoli và cha Antonio Rizzolo.
Câu hỏi này là bắt buộc, Giáo hội đang đi về đâu?
Enzo Bianchi. Giáo hội hướng tới Chúa Giêsu Kitô, hướng tới Vương quốc. Hoặc ít nhất đó là ơn gọi của Giáo hội, sứ mệnh của Giáo hội.
Tuy nhiên…?
Nhưng trong những thập kỷ gần đây, Giáo hội đã trở thành trọng tâm, chúng ta nói quá nhiều về Giáo hội mà ít nói về Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng”.
Ông nghĩ thái độ này bắt đầu từ khi nào?
Từ Công đồng Vatican II, chúng ta đã tiến tới một cuộc cải cách Giáo hội để mang Tin Mừng đến với thế giới, nhưng sau đó chúng ta tập trung mạnh vào chính các hoạt động của Giáo hội, vốn luôn tự xem mình là chủ của lịch sử, tin rằng mọi thứ đều phụ thuộc vào chính Giáo hội, quên đi sự lựa chọn bắt buộc mà chính Chúa Kitô đã thực hiện với tư cách là con Thiên Chúa. Ở đây, thay vì có ý định phải và có thể nói mọi điều về mọi sự, là chủ nhân và hướng dẫn mọi người, Giáo hội nên bỏ bộ y phục cũ, bước đi bên cạnh giáo dân, với lòng trắc ẩn và khiêm tốn, để cống hiến cho mọi người những điều tốt đẹp nhất, niềm hy vọng lớn lao về sự sống lại.
Ông có nghĩ kể từ thời Đức Gioan-Phaolô I, nhiều cử chỉ và bước đi đã được thực hiện theo hướng này không?
Tôi biết rõ tất cả họ, và tôi có thể nói Đức Gioan-Phaolô I đã có những lựa chọn bắt buộc mà sau đó hoàn toàn không có trong triều giáo hoàng sau, kể cả triều của giáo hoàng Ratzinger, đã không có đủ sức mạnh với Giáo hội cũng như với dân Chúa, nên Đức Phanxicô đã can đảm và quyết tâm, nhưng chúng ta phải nói một sự thật mà không ai muốn nói một cách công khai…
Ai là?
Đức Phanxicô bị cô lập, ngoài những người thân cận nhất, ngài không được các hồng y, giám mục, linh mục và dân Chúa đi theo, dường như họ điếc tai trước đề nghị thượng hội đồng của ngài, gần như họ để mọi thứ trôi qua trong thờ ơ. Và vì vậy chúng ta thấy chúng ta ở trong khoảng trống này, giữa Giáo hoàng tiên tri và giáo dân của ngài, điều này làm cho tôi rất lo lắng vì trong giao tiếp qua mạng xã hội, phe truyền thống hoạt động rất mạnh.
Vì thế ông bảo vệ con đường của Đức Phanxicô vạch ra, dù ông có những bất đồng khá cởi mở và gay gắt với ngài?
Tôi chỉ trích tất cả mọi người, tôi chưa bao giờ có khuynh hướng thần tượng bất kỳ giáo hoàng nào, nhưng bây giờ tôi thấy có một tình thế rất khó khăn. Tôi không nghĩ chúng ta đang tiến tới một cuộc ly giáo, nhưng tôi sợ Giáo hội đang rơi vào tình trạng diệt vong nguy hiểm.
Nhưng chẳng phải đã có một mật nghị được xây để mang lại sự tiếp nối trong tương lai cho con đường mà giáo hoàng này đã đưa ra sao?
Không, hoàn toàn không đúng khi cho rằng Đức Phanxicô đã tạo một mật nghị theo hình ảnh của ngài, ngài đã bổ nhiệm các hồng y nhàm chán và theo chủ nghĩa truyền thống, vì thế có một rủi ro cho tương lai để duy trì cân bằng giữa các tâm hồn khác nhau, mật nghị cuối cùng sẽ lựa chọn một người nhàm chán. Chúng ta cũng đã thấy khi Giáo hội chọn phong chân phước cho Đức Gioan XXII và Đức Piô IX như thế nào, trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Về các hồng y, tại Milan có người đặt vấn đề về sự thất bại trong việc đề cử tổng giám mục Mario Delpini. Ông nghĩ sao?
Đức Phanxicô không chọn những thành phố lớn, những con người lớn, mà đi theo logic ngoại vi. Chúng ta nên nghĩ đến việc ngài bổ nhiệm giám mục Mông Cổ, một nơi cực kỳ xa xôi của thế giới và chỉ có khoảng ba ngàn tín hữu. Bởi vì ngài muốn nói, ngay cả một cộng đồng nhỏ, rất nhỏ cũng có giá trị. Và đây không phải là một lựa chọn chính trị, mà là lựa chọn mang tính Tin Mừng. Nếu không, ngài đã phong cho tất cả dân ngài làm hồng y.
Một chủ đề rất tế nhị ở giáo phận Milan và trong toàn Giáo hội là suy giảm ơn gọi. Trong quyển sách, ông cũng nói đến vấn đề này, nhưng ông đảo ngược điểm xuất phát.
Tất nhiên, vì trước khi đặt câu hỏi về cuộc khủng hoảng ơn gọi, chúng ta phải đặt câu hỏi về cuộc khủng hoảng đức tin. Và tôi quay trở lại điểm khởi đầu: Giáo hội, quá tập trung vào các hoạt động của chính mình – tất cả đều đẹp đẽ và quý giá, trong suốt hai ngàn năm lịch sử – đã đánh mất thông điệp cơ bản và phi thường của mình: niềm hy vọng cái chết không quyết định tất cả, vì với Chúa Kitô chúng ta có sự phục sinh. Chúng ta hãy quay lại và nói điều này với nhân loại.
Tóm lại, theo câu ngạn ngữ nổi tiếng, người “trong sáng” luôn tìm được người trong sáng hơn, người thanh lọc mình…
Marta An Nguyễn dịch