Liệu cuối cùng Đức Phanxicô có thể về thăm quê hương của ngài  không?

97

Liệu cuối cùng Đức Phanxicô có thể về thăm quê hương của ngài  không?

fr.aleteia.org, Cyprien Viet, 2023-11-1

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 27 tháng 9-2917

Đức Gioan Phaolô II về thăm Ba Lan chín lần và Đức Bênêđíctô XVI về thăm Đức ba lần, kể từ khi được bầu chọn ngày 13 tháng 3 năm 2013, Đức Phanxicô chưa một lần về quê hương Argentina. Lời mời chính thức của các giám mục Argentina cho phép chúng ta xem xét chuyến đi của ngài vào nửa đầu năm 2024. Nhưng bầu khí căng thẳng của cuộc bầu cử tổng thống vòng thứ hai sẽ diễn ra vào chúa nhật 19 tháng 11 tuần này để lại nhiều điều không chắc chắn.

Ứng viên tổng thống theo chủ nghĩa dân túy Javier Milei, người phản đối tất cả các nguyên tắc của học thuyết xã hội Giáo hội, đã công khai dám gọi giáo hoàng là “con trai của một kẻ khốn nạn” và là “người cộng sản”. Nếu ông làm tổng thống, khó tưởng tượng ông sẽ đón tiếp ngài đàng hoàng dù ông đã đưa ra lời xin lỗi khá trang trọng trong một tranh luận trên đài truyền hình. Việc tập trung một phần cánh hữu truyền thống, và đặc biệt là sự ủng hộ của cựu tổng thống Mauricio Macri (2015-2019), người nổi tiếng lạnh nhạt với Đức Phanxicô có thể thúc đẩy một phần giới thượng lưu đất nước bỏ phiếu cho ông Javier Milei.

Đối lập ông là ứng viên cánh tả Sergio Massa theo chủ nghĩa perón, bộ trưởng bộ Kinh tế trong chính phủ sắp mãn nhiệm là nhân vật hòa giải hơn nhưng lại phải gánh chịu một kết quả kinh tế thảm hại. Với tỷ lệ lạm phát hơn 140% và hơn 40% dân số sống dưới mức nghèo khổ, đất nước rộng lớn này đang tích tụ những mâu thuẫn. Vì thế, nhiều thông điệp của Đức Phanxicô về các vấn đề lương thực có thể được giải thích bằng sự phản kháng sâu sắc của ngài trước những bất bình đẳng, cản trở sự phát triển  quê hương ngài: cường quốc xuất khẩu nông nghiệp to lớn này chưa bao giờ biết làm sao để nuôi sống dân số của mình một cách hợp lý, một số thành phần bây giờ đang phải chịu cảnh cận kề nạn đói.

Hồng y Bergoglio, người không mệt mỏi bảo vệ những người bị lãng quên

Trong hơn 20 năm làm giám mục ở Buenos Aires (đầu tiên là giám mục phụ tá từ năm 1992, sau đó là tổng giám mục từ năm 1998 đến 2013), hồng y Bergoglio là hình ảnh của người không mệt mỏi bảo vệ những người bị bỏ quên nhất, ngài không ngần ngại chỉ trích những mâu thuẫn của các chính phủ liên tiếp từ cánh tả sang cánh hữu, đến mức năm 2004 ngài bị cựu tổng thống Nestor Kirchner xem là “người lãnh đạo tinh thần của phe đối lập chính trị”.

Bị mời ra tòa năm 2010 vì bị cáo buộc thông đồng với chế độ độc tài Argentina khi ngài còn là giám tỉnh của Dòng Tên ở Buenos Aires trong những năm 1970, hồng y Bergoglio xem trải nghiệm này như một cuộc đàn áp chính trị. Cuối cùng ngài được minh oan, nhưng ngài tiết lộ các thẩm phán đã được những người có quyền lực ủy nhiệm để làm ngài phải im tiếng trên các diễn đàn công cộng, đặc biệt là việc ngài phản đối hôn nhân đồng giới. 

Từ chối rủi ro bi lợi dụng chính trị

Sau khi là giáo hoàng, ngài gặp nhiều nhà lãnh đạo chính trị Argentina ở Vatican, ngài tỏ ra nồng nhiệt với cựu tổng thống Cristina Kirchner, bà đã gặp ngài một ngày trước thánh lễ nhậm chức ngày 19 tháng 3 năm 2013. Nhưng trong suốt các cuộc gặp, ngài luôn cảnh giác với những lời mời về thăm Argentina vì ngài sợ có nguy cơ bị lợi dụng chính trị.

Với những người khác, câu hỏi thiên về sự cân bằng tâm lý của ngài hơn. Cố nhà báo Thụy Sĩ Arnaud Bédat, qua đời tháng 7 năm 2023, là bạn thân của bà Maria Elena Bergoglio, em ruột của giáo hoàng. Tác giả quyển sách Phanxicô, người Argentina, tác giả là người am hiểu tâm lý người Mỹ la-tinh, qua các trao đổi với gia đình và những người thân của ngài, ông nghĩ chuyến đi Argentina rồi sau đó về lại Rôma sẽ là quá mạnh cho ngài về mặt tâm lý, một xúc cảm sẽ quá mạnh cho giáo hoàng đã trên 80 tuổi. Nhưng sau khi đã đi 11 nước từ Bắc tới Nam Mỹ, việc Argentina rơi vào tình trạng bế tắc cuối cùng dường như khó xảy ra.

Ngoài Argentina, quốc gia láng giềng Uruguay có thể đón Đức Phanxicô trong chuyến tông du Châu Mỹ Latinh dự kiến vào năm 2024, một quốc gia mà ngài luôn gắn kết – đặc biệt là qua linh mục thư ký riêng người Uruguay Gonzalo Aemilius của ngài từ năm 2020 đến 2023. Đất nước ít được biết đến này, rất thế tục và bị thế tục hóa, khá gần gũi với Pháp về mặt văn hóa, vì thế Giáo hội công giáo địa phương nhỏ bé của mình nhận được sự khuyến khích mạnh mẽ từ Giáo hoàng với tư cách là thiểu số sáng tạo và không bị cấm đoán. Trên thực tế, một trong những chủ đề chính của giáo hoàng cho thấy sự suy yếu về mặt thống kê của đạo công giáo, vốn đang mất dần vị thế ở Châu Mỹ Latinh, nhưng không ngăn người công giáo làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô trong tư thế bất bạo động, chủ động và quan tâm, phục vụ cho toàn xã hội.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Rôma âm thầm chuẩn bị chuyến tông du Argentina của Đức Phanxicô

Mười năm triều Đức Phanxicô: người dân Argentina vẫn chờ ngài trở về