Linh mục Nathanaël Garric: “Những người nói ‘mong cho mau có giáo hoàng tiếp theo’, họ sai lầm”
Sinh thái, người di cư, phụng vụ… Đứng trước những chỉ trích ngày càng tăng của người công giáo với Đức Phanxicô, linh mục Nathanaël Garric của hội dòng Emmanuel quyết định thành lập một quy trình trực tuyến để hiểu rõ Đức Phanxicô hơn. Linh mục giải thích nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng lòng tin này.
famillechretienne.fr, Antoine Pasquier, 2023-11-09
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày 8 tháng 11-2023
Làm thế nào chúng ta có thể giải thích thái độ của những người từ ngờ vực và sau đó dần dần thành không tin tưởng Đức Phanxicô?
Linh mục Nathanaël Garric. Tôi nghĩ đây là một loạt hiểu lầm. Cũng như trong trường hợp của các cặp vợ chồng, hiện tượng không hiểu ngày càng gia tăng theo thời gian. Lúc đầu, một lời nói hơi hiểu sai hoặc vụng về có thể tạo một khoảng cách nhỏ trong cách hiểu, sau đó, với thời gian, bất kỳ cử chỉ hoặc lời nói nào cũng bị giải thích dựa trên những hiểu lầm trước đó. Khi tôi nói chuyện với những người công giáo chỉ trích ngài rất nặng, tôi thấy có hiện tượng trầm lắng khó hiểu này. Có lẽ tất cả bắt đầu với tông huấn Niềm vui Tình yêu, Amoris Laetitia và sau đó là việc ngài đưa người di cư hồi giáo về Vatican. Theo tôi, hai sự kiện chính có thể giải thích sự khó hiểu này: Đức Phanxicô là người Argentina – vì thế không phải là người phương Tây – và ngài là tu sĩ Dòng Tên chính hiệu, là người con đích thực của Thánh I-Nhã và các Bài tập Linh thao của ngài.
Cha đang nói về khoảng cách văn hóa giữa giáo hoàng Argentina và người phương Tây. Nhưng văn hóa Argentina có khác biệt với văn hóa phương Tây không?
Để hiểu được sự khác biệt này, chúng ta phải đặt bối cảnh vào thời của nó. Đức Phanxicô lớn lên dưới chủ nghĩa perón, trong thời chính trị phức tạp ở Argentina. Với người công giáo phương Tây, học thuyết xã hội của Giáo hội hơi giống như lớp kem phủ trên bánh. Nhưng nếu chúng ta lớn lên dưới chế độ độc tài, chúng ta không thể tách rời lớp kem này được. Trong đời sống trí tuệ và thiêng liêng của ngài, học thuyết xã hội của Giáo hội cũng quan trọng và cổ xưa như việc khám phá chính đức tin. Dưới thời Perón, người dân phải chọn phe và không thể bỏ qua các vấn đề về công bằng xã hội được.
Vì sao cha triển khai chương trình đào tạo trực tuyến về Đức Phanxicô?
Hơn một năm trước, thất vọng trước những tiết lộ của báo cáo Ciase (Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp), khi chứng kiến cuộc khủng hoảng sinh thái và di cư cũng như phong trào Áo vàng ở Pháp, tôi thấy cần phải suy nghĩ lại về sứ mệnh của Giáo hội. Chúa kêu gọi chúng ta làm gì? Vì thế tôi đi tìm một “nhà hiến triết”, có lẽ là một vị thánh có đặc sủng của thời này, người có thể nhìn thấy những điều mà người khác chưa thấy. Một người có thể nghĩ đến những cuộc khủng hoảng này, không phải riêng lẻ mà nhưng chúng có mối liên hệ với nhau. Và rồi một ngày, tôi chợt nhận ra: người nghĩ đến những cuộc khủng hoảng này đang ngồi trên ngai Thánh Phêrô. Thư gởi dân Chúa, Thông điệp Fratelli Tutti, Laudato si… Đức Phanxicô đã viết về tất cả những cuộc khủng hoảng này và không ngừng suy nghĩ về sứ mệnh của Giáo hội.
Trong vòng một năm, với một nhóm nhỏ, chúng tôi quyết định nghiên cứu những suy nghĩ của ngài, bổ sung bằng những nghiên cứu và những cuộc họp trên địa bàn. Và đó là lúc tôi bắt đầu nhận thấy sự thù nghịch của một số người công giáo Pháp với giáo hoàng. Sau đó, một tín hiệu mới nảy sinh trong lòng tôi: Giáo hội sẽ không tiến lên nếu bị chia rẽ và nếu mục tử của chúng ta không được thấu hiểu. Điều còn thiếu là giải mã lời của ngài để người công giáo có thể sống trải nghiệm mà chúng tôi đã sống: chú tâm đọc các bản văn của ngài, nó cho chúng ta thấy một sức mạnh trí tuệ, một thần học thực sự thích nghi với thời chúng ta đang sống.
Do đó, lịch sử cá nhân của ngài giải thích các quan điểm của ngài được cho là chính trị?
Tôi thường nghe nói Đức Phanxicô làm chính trị, nhưng chúng ta hiểu ý nghĩa gì đằng sau từ này? Nếu nó được hiểu như một tập hợp các biện pháp pháp lý cụ thể thì không, Đức Phanxicô không làm chính trị. Nhưng nếu từ này được hiểu là thực hiện các nguyên tắc chung của học thuyết xã hội của Giáo hội, thì ngài làm chính trị. Nhưng chẳng phải Đức Lêô XIII cũng đã làm chính trị trong Thông điệp Tân sự (Rerum Novarum) bằng cách phản đối việc bóc lột công nhân đó sao? Còn Đức Bênêđictô XV khi kêu gọi người Pháp tránh Thế chiến thứ nhất thì sao? Trên thực tế, Đức Phanxicô chỉ nhắc nhở người công giáo về sự tồn tại của học thuyết xã hội của Giáo hội.
Bài phát biểu của ngài ở Marseille về người di cư đã gây ra nhiều chỉ trích. Ngài bị chỉ trích vì không nhắc nhở đầy đủ về nghĩa vụ của những người di cư khi họ đến châu Âu và sự cần thiết phải điều chỉnh dòng người ra đi.
Mọi người ngạc nhiên khi Đức Phanxicô không có bài phát biểu về chính sách chung về nhập cư hoặc nghĩa vụ của người di cư khi họ đến đất nhập cư, nhưng giáo hoàng không đến Marseille để nói về các nước châu Phi! Ngài đến nói chuyện với người Pháp và người châu Âu để kêu gọi họ hãy rộng lượng.
Liệu văn hóa Mỹ la-tinh của ngài có ảnh hưởng đến bài phát biểu của ngài về người di cư không?
Tất nhiên, Đức Phanxicô đến từ một đất nước được làm giàu và phong phú nhờ một dân tộc từ ngoài đến. Người dân Argentina là tổng hợp của văn hóa địa phương và sự đóng góp của người Tây Ban Nha, đặc biệt là các tu sĩ Dòng Tên. Ngài cho rằng, sự nhập cư của những người nước ngoài đến Argentina trước hết là một phong phú cho đất nước này.
Ở Pháp, không hẳn là các tu sĩ Dòng Tên đến…
Một trong những trục thiêng liêng của Đức Phanxicô là ngài luôn nhìn nhân loại trong sự thống nhất, trước khi xem nó trong các phân rẽ. Ngài nói điều này trong Fratelli tutti: trước hết chúng ta là anh em. Tình bạn xã hội gắn kết chúng ta được phải đi trước sự phân biệt giữa các dân tộc. Khi ngài nói về những người di cư, ngài không nói: “Có rất nhiều tín hữu kitô hay có rất nhiều tín hữu hồi giáo”, nhưng trước tiên ngài thấy đây là một nhân loại cần có một cân bằng để sống. Dưới mắt ngài, ai cũng có quyền “có đất, có nhà và có công ăn việc làm”. Khi nói điều này, ngài áp dụng nguyên tắc mục đích chung của của cải, học thuyết truyền thống nhất của Thánh Tôma Aquinô. Do đó, chính Thiên Chúa ban cho mọi người quyền có “3 chuyện”: đất đai, mái nhà và công việc. Theo Đức Phanxicô, chúng ta chưa có đủ tinh thần kitô giáo về điểm này.
Như thế có nguy cơ ưu tiên toàn cầu hơn địa phương, toàn bộ hơn từng phần và cuối cùng là chủ nghĩa đa văn hóa hơn bản sắc sao?
Những người chỉ trích Đức Phanxicô nghĩ rằng ngài đang theo một hình thức chủ nghĩa toàn cầu phủ nhận bản sắc và văn hóa địa phương. Một lần nữa, họ chưa đọc Thông điệp Fratelli Tutti! Khi nói “toàn bộ chiếm ưu thế hơn từng phần, ngài lập tức nói thêm “tổng thể không phủ nhận từng phần”. Ngài luôn chú ý đến văn hóa địa phương. Ngài viết trong Thông điệp Fratelli Tutti đoạn 143: “Giải pháp không nằm ở cởi mở từ bỏ kho báu của mình. Cũng như không có đối thoại với người khác mà mình không có một bản sắc riêng và cởi mở với các dân tộc dựa trên tình yêu quê hương, con người, nét văn hóa của họ.” Ai có thể nói Đức Phanxicô không quan tâm đến văn hóa địa phương khi ngài ủng hộ đội bóng đá Argentina, uống chè maté, yêu nhạc tango và văn học Argentina?!
Ngài viết nhưng không thường xuyên nói ra…
Đó là vòng luẩn quẩn của việc ngày càng mất lòng tin vào ngài. Khi lời nói của ngài bị nghi ngờ, chúng ta cần cố gắng đọc đi đọc lại lời của ngài…
Việc ngài là tu sĩ Dòng Tên làm xáo trộn chúng ta như thế nào?
Đức Phanxicô là người có đầu óc phân định và chúng ta đã quen với lối suy nghĩ này. Các giáo hoàng trước đây – Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI – cảm thấy cần phải tái khẳng định các chuẩn mực và nguyên tắc. Đức Phanxicô đưa ra một cách tiếp cận bổ sung. Điều này không có nghĩa là ngài không tin vào các quy tắc (chúng cần thiết cho sự phân định) nhưng ngài nghĩ sứ mệnh của giáo hoàng là làm cho tín hữu kitô lớn lên trong tình yêu Giáo hội, lắng nghe Chúa Thánh Thần và phân định. Nhưng phân định đòi hỏi phải hiểu mỗi hoàn cảnh là duy nhất.
Vậy không thể hiểu được nếu trước hết không nghiên cứu linh đạo I-Nhã?
Đức Phanxicô luôn theo một kế hoạch chính xác trong các văn bản của ngài. Để làm được điều này, ngài dựa vào hai mô hình “nhìn thấy, phán xét, hành động”, hoặc bốn tuần Linh thao của Thánh I-Nhã. Khéo léo của ngài là kết nối hai mô hình này với nhau. Ngài lấy phương pháp này từ linh mục Dòng Tên người Pháp Gaston Fessard. Chẳng hạn, trong chương đầu của thông điệp Laudato si, chúng ta có ấn tượng Thiên Chúa hoàn toàn vắng mặt. Đến mức một số người còn đi xa hơn khi họ khẳng định ngài quên Tin Mừng hoặc ngài không đủ các điểm quy chiếu kitô giáo để đọc thời sự. Không có gì sai hơn. Chương đầu tiên này tương ứng với “nhìn thấy” trong mô hình thứ nhất. Chúa Kitô ít được nhắc đến, vì đây là nói về khủng hoảng sinh thái, về việc nhìn thế giới để hành động. Nhưng cẩn thận, Chúa Kitô hiện diện ở đó vì chính Ngài hướng dẫn cái nhìn! Chúng ta biết, ở cuộc họp Aparecida Châu Mỹ Latinh, hồng y Bergoglio đã từ chối một “nhìn thấy” chỉ mang tính xã hội học. Với tư cách là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta nhìn vào thực tế, gồm cả dữ liệu xã hội học. Chúng ta có thể nghiên cứu cấu trúc của Laudato Si’ hoặc Fratelli Tutti từ bốn tuần Linh Thao…
Ở Marseille, không chỉ nội dung bài phát biểu của ngài về người di cư bị chỉ trích, mà ngài còn bị chỉ trích là giảng đạo đức cho người công giáo châu Âu thay vì khuyến khích họ…
Chúng ta có bị sốc khi người giảng tĩnh tâm đưa ra những điểm cần hoán cải cho người đi tĩnh tâm không? Không hữu ích sao khi một nhà giáo cho chúng ta thấy những khiếm khuyết của mình? Vì sao chúng ta có thái độ tệ như vậy với ngài? Điều này chúng ta nên chất vấn mình. Đâu là khả năng sửa lỗi trong tinh thần anh em của chúng ta? Đức Phanxicô có tự do này, tự do đưa ra những bất cập, những thiếu sót mà chúng ta khó có thể tự mình nhận ra. Vì ngài không lo lắng phải làm hài lòng người khác nên ngài có được tự do nội tâm trước cái nhìn của người khác. Sức mạnh của ngài là ấn vào nơi đau. Và để nhấn mạnh! Nếu ngài cảm nhận lời của ngài không được lắng nghe, ngài sẽ lặp lại trong bài viết hay trong bài phát biểu của ngài. Chúng ta đừng quên ngài có ơn gọi là nhà đào tạo rất sớm. Ngài mong muốn sẽ là người đào tạo các môn đệ. Nó nằm trong DNA của ngài.
Bản chất của ngài là không biết nói những điều tốt đẹp sao?
Người ta nói, Đức Phanxicô cứng rắn bên trong nhưng lại nhân hậu bên ngoài. Xin thứ lỗi, có phải đó là lời trách móc mà người pharisêu đã nói với Chúa Giêsu trong thời của Ngài đó sao? Đòi hỏi các môn đệ nhưng lại có lòng thương xót với người phạm tội không được sao? Có khi nào Chúa Giêsu nói khi ghi công các môn đệ: “Hoan hô, tốt lắm, các con làm tốt lắm”. Không. Có khi nào Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót với dân ngoại? Mọi lúc. Chúng ta nhìn gương Ngài đối xử với người phụ nữ Phênixi xứ Syria, viên đội trưởng la-mã, v.v. “Tôi chưa bao giờ thấy một đức tin như vậy ở Israel”, Ngài không nói điều này với các môn đệ nhưng với người ngoại giáo! Những lời chỉ trích chúng ta dành cho Đức Phanxicô cũng là những lời chỉ trích của người đương thời nói với Chúa Giêsu. Sức mạnh của Đức Phanxicô là đặt chúng ta trước Chúa Kitô và buộc chúng ta phải tự vấn mình. Chúng ta luôn nghĩ mình là trọng tâm Giáo hội, trong khi Đức Phanxicô muốn chúng ta nhìn về những vùng ngoại vi, những vùng mà chúng ta xem thường…
Cha có lời khuyên nào cho những người chỉ trích ngài?
Đọc Đức Phanxicô và hiểu logic của ngài trước. Quyển sách ngài giải thích nhiều nhất về phương pháp của ngài là quyển Một thời để thay đổi, (Un Temps pour changer). Sau đó làm một hành vi đức tin: tôi có tin vào việc tuân theo huấn quyền của giáo hoàng không? Khi Chúa Giêsu chọn Thánh Phêrô, tôi có tin việc này không? Cuối cùng, hãy tìm kiếm những gì Chúa Thánh Thần muốn nói với chúng ta qua giáo hoàng mà Ngài đã ban cho chúng ta. Với những người nói “Tôi nóng lòng chờ giáo hoàng tiếp theo”, tôi muốn nói với họ, họ đã sai. Nếu chúng ta không thể hiểu Đức Phanxicô, chúng ta sẽ không hiểu được giáo hoàng tiếp theo bởi vì huấn quyền của các giáo hoàng và giáo huấn của các ngài luôn có tính liên tục.
Marta An Nguyễn dịch