Một ghi chú của bộ Giáo lý Đức tin ngày 31 tháng 10 nhưng được công bố ngày 8 tháng 11, khẳng định có thể rửa tội cho những người đã thay đổi giới tính hoặc con cái của cặp vợ chồng đồng tính sinh ra nhờ mang thai hộ. Tài liệu này, được Đức Phanxicô phê chuẩn, cũng tuyên bố về khả năng người chuyển giới và đồng tính có thể là cha mẹ đỡ đầu rửa tội hoặc làm chứng cho đám cưới.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-11-08
Một ghi chú của bộ Giáo lý Đức tin ngày 31 tháng 10 nhưng được công bố ngày 8 tháng 11, khẳng định thực sự có thể rửa tội cho những người đã thay đổi giới tính hoặc con cái của cặp vợ chồng đồng tính sinh ra nhờ mang thai hộ. (Ảnh minh họa) YANA TATEVOSIAN/ADOBE STOCK
Đây là ghi chú được kín đáo đăng trực tuyến ngày thứ tư 8 tháng 11, trên trang web của bộ Giáo lý Đức tin, không có một quảng cáo nào. Đề ngày 31 tháng 10 và được Đức Phanxicô phê chuẩn, tài liệu được được tân hồng y Victor Fernandez vừa được bổ nhiệm vào bộ Giáo lý Đức tin vào tháng 9, khẳng định những người chuyển giới và trẻ em sinh ra nhờ mang thai hộ có thể được rửa tội.
Ghi chú hai trang rưỡi bằng tiếng Ý trên trang web của Vatican đăng: “Một người chuyển giới – dù họ đã được điều trị nội tiết tố và phẫu thuật xác định lại giới tính – vẫn có thể được rửa tội, cũng cùng điều kiện như các tín hữu khác, nếu không có tình huống nào có nguy cơ gây ra tai tiếng công khai hoặc làm mất phương hướng cho các tín hữu.”
“Giáo hội không phải là rào cản hải quan”
Các tác giả của ghi chú viết: “Trong trường hợp trẻ em hoặc thanh thiếu niên chuyển giới, họ có thể được rửa tội nếu họ chuẩn bị tốt và sẵn lòng”.
Lặp lại lời của Đức Phanxicô, bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin nhấn mạnh: “Giáo hội không phải là rào cản phong tục, mà là ngôi nhà của Người cha, nơi có chỗ cho mỗi người với cuộc sống khó khăn của họ. Phép rửa tội không thể bị ngăn cản, dù khi vẫn còn nghi ngờ về hoàn cảnh đạo đức khách quan của một người.”
Ghi chú này được gởi đến giám mục José Negri, giáo phận Santo Amaro, Brazil, tháng 7 vừa qua ngài đã gởi cho Vatican một loạt sáu câu hỏi về chủ đề các bí tích cho người đồng tính và chuyển giới. Không bao giờ trả lời “có” hay “không”, nhưng triển khai các trả lời một cách uyển chuyển, hồng y Fernandez cho rằng đứa trẻ của một cặp đồng tính sinh ra nhờ phương pháp mang thai hộ có thể được rửa tội, “với điều kiện có một hy vọng có căn cứ, em bé sẽ được nuôi dạy và lớn lên trong đức tin công giáo”. Đây là tiêu chuẩn chung áp dụng cho tất cả mọi người khi rửa tội.
“Khôn ngoan mục vụ”
Một cách tổng quát hơn, tài liệu mới này của Vatican cũng xét cơ hội cho những người đồng tính – mà Vatican gọi họ là “những người đồng tính nhạy cảm” – và những người chuyển giới, được làm cha mẹ đỡ đầu cho một em bé hoặc làm nhân chứng trong lễ cưới. Ghi chú nêu rõ: “Trong một số điều kiện, người chuyển giới trưởng thành đã trải qua điều trị nội tiết tố và can thiệp phẫu thuật có thể được thừa nhận làm cha mẹ đỡ đầu, tuy nhiên trong đó nêu rõ điều này không thể cấu thành “một quyền”.
Vatican giải thích: “Sự thận trọng mục vụ đòi hỏi khả năng này sẽ không được chấp nhận nếu có nguy cơ xảy ra tai tiếng đặc biệt trong lãnh vực giáo dục của cộng đồng giáo hội, vốn cổ vũ những gì có thể được mô tả như một hình thức kín đáo. Một yêu cầu mà một số người sẽ không thể không chỉ trích.
“Hãy sống một cuộc sống phù hợp với đức tin và chức năng mình sẽ đảm nhận”
Tương tự như vậy, “không có điều gì trong giáo luật phổ quát hiện hành cấm người chuyển giới làm nhân chứng trong hôn nhân”. Không có gì cấm với một người đồng tính sống như cặp vợ chồng.
Tuy nhiên, hồng y bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin ít trực tiếp hơn trong rường hợp người đồng tính sống trong quan hệ của một cặp, khi họ làm cha mẹ đỡ đầu vì ghi chú trích dẫn điều 874, cha mẹ đỡ đầu phải “sống một cuộc sống phù hợp với đức tin và chức năng mà họ sẽ đảm nhận”. Một sự không tương thích về mặt lý thuyết với việc đồng tính và sống như cặp vợ chồng, vì hành vi đồng tính bị Giáo hội xem là một tội.
Dù có quy tắc kinh điển này, ghi chú vẫn mở ra khả năng một người đồng tính sống như một cặp vợ chồng có thể là cha mẹ đỡ đầu, và phải xét tùy từng trường hợp cụ thể. Hồng y thần học gia Fernandez viết: “Sự thận trọng mục vụ đòi hỏi mỗi tình huống phải được cân nhắc một cách khôn ngoan, để bảo vệ bí tích rửa tội và đặc biệt là việc lãnh nhận bí tích này, vốn là một thiện ích quý giá cần được bảo vệ, vì nó cần thiết cho sự cứu rỗi.” Ngài cũng khẳng định “một người khác trong gia đình”, ngoài cha mẹ đỡ đầu, có thể “đảm bảo việc truyền tải tốt đẹp đức tin công giáo cho người được rửa tội”.
Cách tiếp cận được minh họa bởi ghi chú này, để mọi người đến được với bí tích “ngay cả khi vẫn còn nghi ngờ” về “tình trạng đạo đức khách quan” của họ, cũng kết hiệp với tiếp cận được đề cao trong hai ghi chú khác được Vatican ký từ tháng 9, trong ngày bàn về các chủ đề như chúc phúc cho các cặp đồng tính hay cho người ly dị tái hôn rước lễ. Một nguyên tắc được Đức Phanxicô bày tỏ rõ ràng trong Ngày Giới trẻ Thế giới, theo đó “tất cả mọi người”, không có ngoại lệ, đều có thể có chỗ đứng của mình trong Giáo hội. Ngài nhấn mạnh trước hàng trăm ngàn người trẻ ở Lisbon: “Tất cả, tất cả, tất cả. Đó là Giáo Hội của tất cả mọi người, có chỗ cho tất cả mọi người.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Phanxicô nói với các bạn trẻ chuyển giới: “Chúa đi bên cạnh các con cả khi chúng ta là tội nhân”