Giám mục Aillet: “Chúng ta phải đánh thức Giáo hội trong tâm hồn chứ không trong các cơ cấu”

205

Giám mục Aillet: “Chúng ta phải đánh thức Giáo hội trong tâm hồn chứ không trong các cơ cấu”

fr.aleteia.org, Cécile Séveirac, 2023-10-25

Giám mục Marc Aillet, giáo phận Bayonne / Iroz Gaizka / AFP

Nhân dịp ra mặt quyển sách “Thời các thánh: chúng ta đừng trở thành những con chó câm” (Le temps des saints: ne soyons pas des chiens muets), giám mục Marc Aillet nói đến cuộc cải cách thực sự mà ngài tin Giáo hội phải thực hiện: một cải cách nội tâm. Ngài nói với trang Aleteia: “Tôi nghĩ Giáo hội cần được đánh thức trong tâm hồn chứ không trong cơ cấu. Chúng ta phải khôi phục những yếu tố tạo nên sự thánh thiện của dân Chúa. Ưu tiên hàng đầu là phải trở lại với những nền tảng cơ bản của đời sống kitô hữu.”

Khi mọi con mắt hiện đang hướng về Rôma, nơi Thượng Hội đồng về tương lai của Giáo hội đã được tổ chức kể từ ngày 4 tháng 10, giám mục Marc Aillet quay trở lại với những khủng hoảng Giáo hội đang trải qua: khủng hoảng lạm dụng tình dục nhưng cũng là khủng hoảng về đức tin và đạo đức. Để ra khỏi các khủng hoảng này, theo giám mục chỉ có một giải pháp: cải cách nội tâm. Cải cách này tập trung vào ơn gọi của người đã được rửa tội, ngài khẳng định: “Chúng ta phải khôi phục những yếu tố củng cố sự thánh thiện của dân Chúa. Những yếu tố này là cầu nguyện, Thánh Thể, xưng tội, lắng nghe Lời Chúa và cuối cùng là công bố Lời Chúa. Việc quay trở lại các nguyên tắc cơ bản của đời sống kitô giáo là ưu tiên hàng đầu.”

Năm 1969, Đức Bênêđictô XVI nói: “Cuộc khủng hoảng trong Giáo hội chỉ mới bắt đầu”, một nhận xét mà cha đồng ý. Theo ý cha, cuộc khủng hoảng Giáo hội công giáo đang trải qua là gì và Giáo hội nên thoát ra như thế nào? 

Giám mục Marc Aillet. Trước hết tôi nghĩ cuộc khủng hoảng này không phải là mới. Theo tôi, nó bắt nguồn từ sau Thế chiến thứ hai, thời kỳ có sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Nó có thể được xem là cuộc khủng hoảng đức tin như Đức Bênêđictô XVI nói, một khủng hoảng đức tin mà sau đó đã tạo ra một khủng hoảng đạo đức sâu đậm. Tôi nghĩ chúng ta đã chứng kiến một thời kỳ hình ảnh Thiên Chúa dần dần bị phai nhạt, nhường chỗ cho việc chú trọng quá mức đến con người, đến những cảm xúc của con người. Có một thứ chủ nghĩa nhân văn thái quá, bằng mọi giá muốn Giáo hội phải thích ứng với những tiến hóa của thế giới. Giáo hội có thể thấy mình phải đối diện với nguy cơ trở nên quá “tử tế”. Mà ngày xưa Chúa Kitô không tử tế. Chúng ta phải nói rõ: Ngài luôn thương xót và cảm thương với người phạm tội, nhưng cứng rắn với sự dữ và tội lỗi, đã có nhiều lần Ngài buộc lòng phải tỏ ra nghiêm khắc và cứng rắn. Khi cần thiết, Ngài nói nặng.

Tôi nghĩ Giáo hội phải thức tỉnh trong tâm hồn chứ không phải trong cơ cấu. Câu trả lời cho cuộc khủng hoảng này được tìm thấy trong điều mà chính Đức Gioan Phaolô II đã nói, đó là cải cách của sự thánh thiện.

Đây chính là thách thức cho Giáo hội: chúng ta phải cho thấy lòng bác ái mục vụ với mỗi người, lên tiếng với họ khi họ phạm tội. Ngày nay chúng ta đang để ngỏ lãnh vực này cho tất cả mọi đòi hỏi cải cách. Phong trào này tạo ra sự lờ mờ về học thuyết và đạo đức làm cho một số tín hữu lo lắng và cảm thấy bất ổn. Sự thật không phải lúc nào cũng dễ dàng nói ra và đôi khi buộc chúng ta phải vi phạm quy luật giao tiếp tử tế, nếu không muốn đụng chạm hoặc xúc phạm. Vì thế thành ngữ “những con chó câm” mà tôi mượn của tiên tri Isaia (chương 56), ngài khiển trách các mục tử xấu của Israel đã “không biết sủa”: vì muốn làm vui lòng, họ không còn dám nói sự thật để giúp họ giữ và bảo vệ đàn chiên. Tuy nhiên, chúng ta ở đây không phải để làm hài lòng mọi người nhưng để cứu nhân loại qua Chúa Kitô, chúng ta phải tin chắc vào điều này. 

Khi cần thiết, Thiên Chúa đã gởi các thánh đến để cải tổ Giáo Hội của Ngài.

Cuối cùng, tôi nghĩ ngày nay cuộc khủng hoảng này đặc biệt bùng phát trở lại do nạn lạm dụng tình dục: đối diện với quy mô của thảm kịch này, nhiều giáo dân không còn tin vào Giáo hội và chức linh mục. Tất cả những điều này làm cho chúng ta, các mục tử có thể có xu hướng ẩn mình, để rồi cuối cùng chúng ta xóa mình và nghi ngờ chính mình. Rốt cuộc, chúng ta cảm thấy có lỗi với tập thể, điều này đã làm cho nhiều linh mục phải từ bỏ chức vụ của mình.

Theo ý cha, liệu Thượng hội đồng về tính đồng nghị và tương lai của Giáo hội có thể mang lại những đáp ứng lâu dài cho cuộc khủng hoảng này không?

Thượng hội đồng tự nó là một điều rất tốt, nhưng tôi sợ chúng ta bị ám ảnh hơi nhiều với các vấn đề về tổ chức và hoạt động, điều này có thể làm chúng ta đi sai đường. Tôi nghĩ Giáo hội thức tỉnh trong tâm hồn chứ không trong cơ cấu. Câu trả lời cho cuộc khủng hoảng này được tìm thấy trong điều mà chính Đức Gioan Phaolô II đã nói: đó là cuộc cải cách của sự thánh thiện. Mỗi khi cần thiết, Thiên Chúa gởi các thánh đến cải tổ Giáo hội của Ngài: chúng ta sẽ không thoát khỏi tình trạng bế tắc này nếu không có một chương trình mục vụ mới về sự thánh thiện, một cải cách nội tâm tập trung vào ơn gọi của người đã được rửa tội. Một cách cụ thể, đó là việc khôi phục những yếu tố làm nền tảng cho sự thánh thiện của dân Chúa. Những yếu tố này là cầu nguyện, Thánh Thể, xưng tội, lắng nghe Lời Chúa và cuối cùng là công bố Lời Chúa. Trở lại những nền tảng cơ bản của đời sống kitô hữu là ưu tiên hàng đầu. Tôi rất lo ngại khi lạc vào những cuộc cải cách cơ cấu giáo hội, hơn bất cứ điều gì khác, chúng ta sẽ phá vỡ động lực truyền giáo vĩ đại này, bởi vì chúng dẫn đến những cuộc tranh giành quyền lực một cách có hệ thống giữa giáo dân và linh mục, giữa mọi người… Chính Đức Phanxicô đã đề cập đến nguy cơ này trong tông huấn Vui mừng và Hân hoan Gaudete et exsultate ngày 19 tháng 8. Tôi đã thấy một chỉ dẫn rõ ràng ở đó: cải cách Giáo hội, có; nhưng nguy cơ đặt lại vấn đề về thể chế do chính Chúa Kitô thiết lập thì không.

Ở trọng tâm cuộc khủng hoảng Giáo hội đang trải qua, một cách hệ thống, chúng ta tìm thấy hình ảnh của linh mục. Vì sao hình ảnh này  bị lạm dụng đến mức như thế và từ đó, chúng ta rút tỉa gì cho tương lai?

Cuộc khủng hoảng giáo sĩ trước hết là do đã có tiến hóa trong xã hội  kể từ những năm 1960. Trong lần tiến hóa này chúng ta ghi nhận có một tranh cãi gay gắt về mọi quyền lực và các yêu cầu dân chủ đã dẫn đến việc giải thích giáo huấn của Công đồng về Giáo hội theo một cách rất chính trị. Xu hướng này đã dẫn đến việc giảm bớt sự khác biệt giữa linh mục và giáo dân và trên hết là sự cạnh tranh quyền lực giữa họ. Ngày nay, hình ảnh của linh mục bị tổn thương do  truyền thông đưa tin về việc lạm dụng tình dục, dù cần thiết. Cũng chính những tiến hóa này trong những năm 1960, bị xúc động trước sự thách thức quyền lực đã sử dụng những hành vi lạm dụng này như một cái cớ để đặt câu hỏi về việc thánh hóa linh mục.

Chúng ta luôn được mời gọi nên thánh nhờ bí tích rửa tội: linh mục cũng không ngoại lệ.

Bởi vì chúng ta đã chọn đứng về phía các nạn nhân – và một lần nữa, đó là điều cần thiết – linh mục và danh tính của họ giờ đây liên tục là nạn nhân của một loại nghi ngờ. Ngược lại, chúng ta phải nhớ lại căn tính này được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô-linh mục, Đấng là đầu, là mục tử của Giáo hội. Nếu để linh mục “qua một bên” thì linh mục không bị “tách biệt”. Công đồng Vatican II đã trả lời vấn đề này một cách rất rõ ràng, khi xem xét các mối quan hệ giữa chức tư tế thừa tác của các linh mục và chức tư tế chung của tín hữu, khác biệt không những về mức độ mà còn về bản chất, dưới dấu hiệu bổ sung cho nhau. Có sự hòa hợp tuyệt vời giữa họ. Chắc chắn là có sự khác biệt, nhưng không phải là đối lập. Sau đó, cần phải nhắc lại, linh mục vẫn là người được rửa tội, và vì thế vẫn là người tội lỗi: bí tích truyền chức làm cho linh mục thành người được thánh hiến chứ không thành một vị thánh. Chúng ta luôn được mời gọi nên thánh nhờ bí tích rửa tội: linh mục cũng không ngoại lệ. Nếu linh mục nhận ra mình là khí cụ của Chúa Kitô và cùng với các tín hữu, linh mục có nhiệm vụ hoán cải, thánh hóa bản thân thì mọi việc sẽ được cải thiện. Thánh Augutinô đã nói: “Để cho anh em, tôi là giám mục; nhưng với anh em, tôi là tín hữu kitô”: đó là bản tóm tắt tất cả những gì linh mục phải là – linh mục ngày nay vẫn phải là như vậy.

Marta An Nguyễn dịch 

Thời các thánh. Chúng ta đừng trở thành những con chó câm (Le temps des saints. Ne soyons pas des chiens muets, giám mục Marc Aillet, nxb. Artège)

Đến thời các thánh?