lanef.net, Christophe Geffroy, 2023-11-01
Giám mục Marc Aillet, giám mục giáo phận Bayonne, Lescar và Oloron
Giám mục Marc Aillet, giám mục giáo phận Bayonne, Lescar và Oloron vừa xuất bản quyển Thời Các Thánh. Chúng ta đừng trở thành những con chó câm (Le temps des saints. Ne soyons pas des chiens muets, giám mục Marc Aillet, nxb. Artège), một tiểu luận hấp dẫn, sáng suốt và can đảm, mục đích để củng cố đức tin tín hữu đôi khi họ gặp rắc rối trước tình trạng Giáo hội hiện nay. Phỏng vấn giám mục Marc Aillet đầu tháng 11 năm 2023
Cha nói hình ảnh linh mục đã bị suy yếu ở thế kỷ 20: tại sao và làm thế nào chúng ta có thể hòa giải, cần thiết để bảo vệ cho sự cao cả của chức linh mục mà không rơi vào chủ nghĩa giáo sĩ trị?
Giám mục Marc Aillet. Công đồng Vatican II đã đúng đắn nhấn mạnh vị trí của giáo dân trong sứ mệnh Giáo hội, đến mức có xu hướng giảm thiểu vai trò của các linh mục. Cuộc tranh cãi về quyền lực và các yêu cầu dân chủ diễn ra trong một xã hội đang thay đổi nhanh chóng, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx, dẫn đến việc giải thích giáo huấn công đồng theo đường lối chính trị, điều mà Đức Bênêđictô XVI chỉ định dưới danh nghĩa chú giải theo văn bản cổ là sự đứt gãy, cho rằng giảm khác biệt giữa giáo sĩ và giáo dân và tạo ra sự cạnh tranh quyền lực giữa họ. Ngày nay, cũng chính những người này sử dụng việc lạm dụng tình dục trong Giáo hội như cái cớ để đặt vấn đề về căn tính của linh mục trong cấu hình bản thể học của chức linh mục là Chúa Kitô-Linh mục, Người Đúng đầu và Mục tử của Giáo hội. Chúng ta nên rạch ròi với việc “thần thánh hóa” linh mục mà chúng ta lên án dưới thuật ngữ thông thường là “chủ nghĩa giáo sĩ trị”. Phải giữ căn tính của linh mục mà chúng ta nhận được từ Kinh thánh và truyền thống, đồng thời phải nhớ, khi thay thế Chúa Kitô, nếu để linh mục “qua một bên” thì linh mục không bị “tách biệt”. Công đồng Vatican II đã trả lời vấn đề này một cách rất rõ ràng, khi xem xét các mối quan hệ giữa chức tư tế thừa tác của các linh mục và chức tư tế chung của tín hữu, khác biệt không những về mức độ mà còn về bản chất, dưới dấu hiệu bổ sung, như “như người này người kia được phong chức” (x. Hiến chế Tín lý về Hội thánh Lumen Gentium số 10). Để thoát khỏi chủ nghĩa giáo sĩ trị, linh mục nên suy nghĩ những lời này của Thánh Augutinô: “Để cho anh em, tôi là giám mục; nhưng với anh em, tôi là tín hữu kitô”, nói cách khác, tôi luôn là thừa tác viên được phong chức để thành người đã được rửa tội, cùng với anh em, tôi dốc tâm đi trên con đường hoán cải và thánh hóa. Đó là liều thuốc giải độc tốt nhất cho chủ nghĩa giáo sĩ trị, mà không làm mất đi căn tính, mà bổn phận của linh mục là giảng dạy, thánh hóa và cai quản đàn chiên của Chúa với quyền uy của Chúa Kitô.
Tại sao bậc sống độc thân của linh mục lại quan trọng? Tại sao việc truyền chức cho các ông đã lập gia đình không phải là một giải pháp cho tình trạng thiếu ơn gọi?
Người ta thường nói bậc sống độc thân của linh mục không phải là tín điều! Chắc chắn rồi, nhưng về phần tôi, tôi vẫn cho rằng, xét về mặt lịch sử và thần học công giáo về chức linh mục, đó là thể hiện đặc quyền của căn tính linh mục. Luật độc thân được áp đặt trong Giáo hội la-tinh vào cuối thế kỷ 12, nhưng nó nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiết dục của các giáo sĩ có từ thời các tông đồ. Hơn nữa, đây là hình thức của bậc sống mà chính Chúa Kitô đã đảm nhận, Ngài tự cho mình là Phu quân của Giáo hội, và vì vậy hoàn toàn tiết dục, hiến thân thể mình để cứu thế giới. Như thế thích hợp hơn cho linh mục khi họ sống tiết dục hoàn toàn, vì họ được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô là Phu quân của Giáo hội, được gọi để hiến dâng đời mình cho Giáo Hội, và cử hành hy tế Thánh Thể trong chính con người của Chúa Kitô: nếu không thì làm sao linh mục có thể nói những lời của Chúa Giêsu: “Đây là mình Thầy đã bị nộp vì các con… Đây là chén máu Thầy đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội…”
Sự thiếu hụt ơn gọi xuất phát từ sự suy giảm đức tin trong kitô giáo, và do đó là từ thiếu tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta có thể cống hiến cả cuộc đời và là Đấng ban sức mạnh để chúng ta gánh vác tất cả những hệ quả hiện sinh của nó. Ơn gọi linh mục là ơn gọi hiến thân hoàn toàn theo Chúa Kitô. Linh mục không thể có một trái tim chia rẽ: vừa là chồng của Giáo hội vừa là chồng của một phụ nữ. Trong bối cảnh hiện nay, khi người trẻ khao khát làm linh mục, họ không muốn cống hiến một nửa sức lực của mình. Nhưng không phải vì vậy mà không đào tạo để họ thành những người xứng đáng với dấn thân này.
Cha giải thích rằng “vấn đề ơn gọi” trước hết là một “khủng hoảng sinh sản”: xin cha giải thích điều này cho chúng tôi và tại sao với cha, điều quan trọng là mở chủng viện riêng cho giáo phận mình?
Một hôm có một linh mục được chịu chức vào cuối những năm 60 buồn bã tâm sự với tôi: “Thất bại của chúng tôi là chúng tôi đã không thành công trong việc lôi kéo những người trẻ trở thành linh mục như chúng tôi.” Như thế, không còn nghi ngờ gì nữa, điều này liên hệ đến một thời mà mà nhiều linh mục bị khủng hoảng bản sắc, dưới áp lực của tâm lý đoạn tuyệt với quá khứ, đôi khi đến mức “giết cha”, dù họ luôn quảng đại. Kết quả là họ gặp khó khăn trong việc thực thi quyền làm cha. Nhưng cũng có những chủng sinh, xúc động trước chứng tá của các linh mục có bản sắc vững, cắm rễ trong Truyền thống Giáo hội và dâng hiến mọi sự cho Chúa và cho con người, đã tự nhủ: “Tôi muốn trở thành linh mục như họ.” Chúng ta không thể phủ nhận có một số nhân cách linh mục có thể sinh ra ơn gọi nhờ sức thu hút của họ.
Theo tôi, mở chủng viện giáo phận có nghĩa là cho phép các chủng sinh phát triển trong mối quan hệ chặt chẽ với các giám mục và các linh mục có khả năng thực hiện vai trò làm cha thực sự. Nếu nhân cách của một giám mục có thể là tác nhân thúc đẩy việc mở chủng viện giáo phận, thì tôi rất vui khi thấy các linh mục trẻ của chủng viện trở thành như người ‘chạy tiếp sức’, tạo điều kiện dễ dàng cho ơn gọi linh mục. Một thanh niên trẻ tâm sự với tôi về một linh mục trẻ mà anh gặp trong Đại hội Giới trẻ: “Con muốn trở thành linh mục như cha đó!”
Cha thấy việc tổ chức các giáo xứ và công cuộc truyền giáo trong bối cảnh thiếu linh mục hiện nay như thế nào?
Theo tôi, việc thiếu linh mục là một cơ hội để xem xét lại lối sống của các linh mục giáo phận, điều mà chủng viện phải tính đến. Khi Chúa Giêsu sai các tông đồ đi truyền giáo, Ngài sai họ đi từng hai người một để giúp đỡ lẫn nhau và cảnh giác lẫn nhau. Lịch sử truyền giáo đến muôn dân, ad gentes, cho thấy các nhà truyền giáo thường được cử đi theo nhóm ít nhất ba người. Niềm xác tín của tôi là việc truyền giáo cho một thế giới ngày càng xa cách Giáo hội đòi hỏi các linh mục phải sống tinh thần tông đồ chung: họ nương tựa vào đời sống chung, được Công đồng Vatican II mạnh mẽ khuyến khích các linh mục giáo phận (x. Christus Dominus n. 30), tạo điều kiện thuận lợi cho việc cầu nguyện chung, chia sẻ tình huynh đệ, quy tụ huynh đệ và hỗ tương hóa các đặc sủng, một táo bạo truyền giáo mới đối với những người ở xa, làm chứng cho tình bác ái huynh đệ của họ.
Cha đề cập đến cuộc khủng hoảng phát triển sau Công đồng Vatican II: cha phân tích cuộc khủng hoảng này như thế nào? Có phải chính công đồng là nguồn gốc?
Đức Joseph Ratzinger, khi đó là giáo sư thần học, năm 1969 ngài đã tuyên bố: “Cuộc khủng hoảng trong Giáo hội chỉ mới bắt đầu”! Ôi những lời này mang tính tiên tri biết bao cho chúng ta ngày nay. Dưới áp lực của những thay đổi văn hóa và những rạn nứt sau chiến tranh, cuộc khủng hoảng đã nổ ra vào những năm 60 và 70, giống như cuộc khủng hoảng đức tin tạo ra do một khủng hoảng đạo đức sâu sắc: vấn đề về Thiên Chúa mờ nhạt trước sự quan tâm quá độ đến con người, đến mức mặc lấy quan điểm chủ nghĩa nhân văn theo thuyết tự tại của văn hóa hiện đại và muốn bằng mọi giá thích ứng thể chế giáo hội vào với những tiến hóa của thế giới, đến mức triết gia Jacques Maritain phải nói “quỳ gối trước thế giới”. Kết quả là một “kitô giáo thế tục” mà thế hệ boomer (những người sinh sau thế chiến) cảm thấy rất khó thoát ra. Công đồng Vatican II không phải là nguồn gốc của một khủng hoảng như vậy, nhưng chắc chắn Công đồng Vatican II bị tràn ngập bởi những tiến hóa trong việc tiếp nhận và áp dụng, tuy nhiên, công đồng đã có ý định quan phòng là phát động một cải cách nội bộ lớn lao cho Giáo hội, tập trung vào ơn gọi phổ quát trở nên thánh thiện và một động lực truyền giáo mới nhằm truyền đạt cho thế giới tục hóa và tân ngoại giáo ngày nay, kho tàng đức tin và luân lý công giáo, theo những cách thức mới. Các giáo hoàng sau công đồng là những người rao truyền, bắt đầu từ Thánh Phaolô VI và Thánh Gioan Phaolô II, rồi đến Đức Bênêđíctô XVI khi ngài sửa lại những giải thích sai lầm của công đồng, rồi tông huấn Niềm vui Tin Mừng của Đức Phanxicô. Đức Bênêđictô XVI đưa “thần học kitô giáo” vào tâm điểm, ngài dành vị trí hàng đầu cho Thiên Chúa và việc thờ phượng, ngày nay có một sức hấp dẫn đầy hứa hẹn với giới trẻ công giáo.
Trong phần giới thiệu quyển sách của cha, cha đề cập đến “bầu khí hỗn loạn lớn lao về mặt giáo lý và đạo đức đang chiếm lĩnh Giáo hội: sự nhầm lẫn này biểu hiện như thế nào? Phải chăng đây là sự tiếp nối của cuộc khủng hoảng được đề cập ở câu hỏi trước?
Do cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo hội, những hậu quả bi thảm của nó không thể giảm thiểu được, đặc biệt với các nạn nhân, một số tín hữu nghi ngờ Giáo hội và chức linh mục, và các mục tử cố gắng thu mình trước thế giới. Giáo hội mà Đức Gioan-Phaolô II đã mang lại sự hữu hình và niềm vui được là người công giáo, một lần nữa phải xóa mình và nghi ngờ chính mình. Lòng thương xót chính đáng với các nạn nhân, thậm chí vượt ra ngoài vấn đề lạm dụng, sự quan tâm mục vụ với “nhóm thiểu số”, vốn ngày càng áp đặt mình lên thành đa số, nhân danh những yêu cầu hung hăng được lan rộng trên các phương tiện truyền thông đồng tình, đến mức tạo ra cảm giác tội lỗi tập thể, duy trì đối lập giữa giáo lý và chăm sóc mục vụ, đôi khi ở những vị trí cao cấp làm cho nhiều mục tử từ bỏ lời nói thẩm quyền, những lời nhắc lại nền tảng trong sáng và rõ ràng của đức tin, cũng như đức ái mục vụ. Khi làm như vậy, chúng ta để ngỏ cho mọi loại khẳng định và hành vi sai lầm, tạo ra sự nhầm lẫn nghiêm trọng về mặt giáo lý và đạo đức trong lòng tín hữu. Nhân danh định kiến “bao gồm”, hầu như chỉ hướng về thế giới bị tổn thương của thời đại chúng ta, chúng ta trở thành “những con chó câm, không có khả năng để sủa”, theo như lời của tiên tri Isaia, được Thánh Grêgôriô Cả (+ 604) triển khai trong Quy luật Mục vụ. Chúng ta không còn quan tâm đến việc bảo vệ đàn chiên và chúng ta có nguy cơ không còn biết cách cống hiến cho thế giới ơn cứu độ mà Giáo hội là bí tích phổ quát.
Cha đã có những trang viết rất hay cho phụng vụ cầu xin hòa bình cho vấn đề này: làm thế nào để đạt được điều này trong bối cảnh mới của Cử hành thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng?
Phải hiểu ý định của tự sắc Cử hành thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng của Đức Phanxicô, cũng giống như ý định của Đức Bênêđictô XVI trong Hiến chế về Phụng vụ (Summorum pontificum), cụ thể là bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo hội trước những căng thẳng phụng vụ, tôi thú nhận tôi hơi khó chịu với quyết định này của Rôma. Có lẽ vì trong giáo phận của tôi, sự đa dạng phụng vụ giữa hai hình thức được trải nghiệm một cách hòa bìn, các linh mục cũng như tín hữu gắn bó với trật tự cũ (vetus ordo) sống hài hòa với đời sống và định hướng mục vụ của giáo phận. Có lẽ chúng ta chưa tính đến đầy đủ về tính liên tục, thậm chí là một thành công nào đó của Sách lễ cũ, phần lớn có liên quan đến những biến dạng phụng vụ ở giới hạn có thể chấp nhận được, vốn đôi khi chi phối việc thực hiện Sách lễ mới. Hơn nữa, chúng tôi buộc phải lưu ý có nhiều người trẻ sẵn sàng chuyển từ hình thức nghi lễ này sang hình thức nghi lễ khác, không xem tiếp cận của họ có sức nặng ý thức hệ mà những lựa chọn như vậy có thể đại diện cách đây 40 hoặc 50 năm trước. Sẽ dễ dàng nhận ra nguyên nhân ở chỗ thiếu sự đào tạo sâu sắc trong phụng vụ và sự hiểu lầm về Hiến chế về phụng vụ thánh (Sacrosanctum concilium), mà Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh phải đọc lại. Vẫn còn những người trẻ này tìm thấy ở trật tự cũ một sự thánh thiêng, một chiều dọc mang tính quyết định cho cuộc gặp của họ với Chúa. Xác tín của tôi là chúng ta chưa nỗ lực đủ để “làm phong phú cho nhau” giữa hai hình thức mà Đức Bênêđictô XVI kêu gọi. Hôm nay cũng vậy, chúng ta phải tránh bất kỳ sự cứng nhắc nào trong việc thực hiện tự sắc này, thể hiện sự kiên nhẫn và phương pháp sư phạm, nhấn mạnh đến việc đào tạo phụng vụ cho các tín hữu, vốn chính là chủ đề trong tông huấn Thầy những khát khao Desiderio desideravi của Đức Phanxicô. Theo nguyên tắc thường được ngài đưa ra “thời gian vượt trội hơn không gian”, và khuyến nghị của ngài về việc “lắng nghe như một người cha” với những tín hữu bị tổn thương này, chúng ta phải áp dụng thái độ mục vụ mà ngài đã khuyến khích trong Tông huấn Niềm vui Tình yêu, Amoris Laetitia, cụ thể là: “Chào đón, đồng hành, phân định, hội nhập.” Trước tính cấp bách của sứ mệnh, chúng ta cùng đồng ý để tạo hiệp nhất trong đa dạng, miễn là ý nghĩa của Giáo hội vẫn còn nguyên vẹn.
Cha thấy thế nào về vị trí của Giáo hội và các giám mục, vai trò của giáo dân, trong một thế giới thế tục hóa thờ ơ với tôn giáo, thậm chí thù nghịch, trong khi một cuộc cách mạng nhân học chưa từng có đang diễn ra mà trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã không thể làm được để ngăn chặn bất kỳ một “tiến bộ” lớn nào?
Giáo hội và các giám mục phải lấy lại vị trí tiên tri trong xã hội mà chính Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, không giải quyết, nhân danh một đối thoại không được hiểu, bằng lòng với điều tương đối và hạn hẹp, mà thế giới muốn chúng ta nhường bước. Với lý do là, trong một xã hội thế tục hóa và tân ngoại giáo, đương đầu với một cuộc khủng hoảng nhân học chưa từng có, người dân chúng ta không còn những quy tắc văn hóa kitô giáo nữa, chúng ta không còn dám lớn tiếng tuyên bố sự thật, như thể chúng ta không có niềm tin về bản chất của một con người hướng về sự thật. Tôi vui mừng tin rằng, chúng ta không ngần ngại nói với lương tâm của mọi người, đền thánh mật thiết này, nơi tiếng nói của Thiên Chúa được lắng nghe (x. Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes n. 16). Một lời nói có thẩm quyền, không xin lỗi vì đã có những xác tín, có thể phá vỡ văn hóa dơ bẩn làm tắc nghẽn lương tâm, càng yếu hơn khi con người hiện đại bị suy yếu bởi nền văn hóa phân chiết chung quanh và thực sự chạm đến trái tim con người ngày nay. Chắc chắn chứng từ về sự thật đòi hỏi những nhân chứng nhất quán.
Thời các thánh. Chúng ta đừng trở thành những con chó câm (Le temps des saints. Ne soyons pas des chiens muets, giám mục Marc Aillet, nxb. Artège)
Marta An Nguyễn dịch
Giám mục Aillet: “Chúng ta phải đánh thức Giáo hội trong tâm hồn chứ không trong các cơ cấu”