Lộ Đức, cuộc hành hương dành cho những người có ý định tự tử
Cuộc Hành hương Quốc gia về phòng chống tự tử được tổ chức tại Lộ Đức từ ngày 23 đến 27 tháng 8, giúp cho những người có ý định tự tử sống cuộc sống thiêng liêng một cách an toàn nhờ sự hiện diện của một “thiên thần hộ mệnh” ở bên họ. Một “dấu ngoặc đơn” dành cho những người đã quen chiến đấu một mình chống lại cám dỗ của cái chết.
la-croix.com, Juliette Vienot de Vaublanc, 2023-08-27
Các tình nguyện viên mặc áo màu vàng đi cùng những người tham gia thánh lễ buổi sáng trong Cuộc hành hương quốc gia ở Lộ Đức nhằm ngăn chặn nạn tự tử. Lilian Cazabet / La Croix
“Ở đây, chúng ta có thể xoa dịu…”
Trước bốn mươi người hành hương, bà Michelle đọc từng tên một. “Jeanne, 13 tuổi; Louise, 41 tuổi; Kevin, 25 tuổi, chết vì tự tử; Julie, 45 tuổi, chết vì tự tử; Mặlys, 12 tuổi, ba lần cố gắng tự tử.” Giọng bà run run, nghẹn ngào, người thiện nguyện viên thở dài: “Danh sách còn dài.”
Trong ngày đầu tiên của cuộc hành hương quốc gia đầu tiên nhằm ngăn chặn nạn tự tử, được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 8 tại Lộ Đức, vùng Hautes-Pyrénées, những người đi hành hương đã viết lên những viên sỏi tên và tuổi của những người đã tự tử hoặc có ý định tự tử. Với những người này, ý tưởng tự tử luôn ám ảnh họ, một số người đã qua hành động.
Một chữ thập nhỏ màu trắng được thêm vào nếu người đó đã chết. Gom thành bốn rổ, “các bạn đồng hành” này đã đi theo những người hành hương trong mọi sinh hoạt của họ. Ông Hubert kể lại chi tiết trước micro: “Có rất nhiều tình thương trong đó. Những viên sỏi này tượng trưng cho mỗi người chúng ta đồng hành.”
“Các thiên thần hộ mệnh” canh chừng những người tự tử
Năm nay có hàng chục người đi hành hương. Sáng kiến này giúp họ sống đời sống thiêng liêng một cách an toàn ở Lộ Đức. Mỗi người trong tâm trạng muốn tự tử đều được một “thiên thần hộ mệnh” đi cùng, họ có trách nhiệm canh chừng người này trong suốt thời gian lưu trú. Một mối quan hệ mà bà Béatrice, nữ hộ sinh và làm thiên thần hộ mệnh lần đầu tiên nhẹ nhàng nói: “Tôi ở vài ngày bên cạnh một người và tôi sống theo nhịp sống của họ. Nếu họ không muốn đi lễ, tôi không đi. Chúng tôi cùng đồng hành với nhau.”
Năm 2023 là năm đầu tiên có cuộc tụ họp này, nhưng người dân Landes đã có từ cách đây hai mươi năm. Bà Lalye Lafitte, đồng giám đốc cuộc hành hương kể: “Vào đầu những năm 2000, tôi đã đi hành hương Mân Côi và tôi muốn tự tử. Tôi nhận ra, không phải đến Lộ Đức là đủ để không có ý định tự tử.” Sau đó, bà từ chối không đi đền thánh vì không có lời mời phù hợp với tình trạng khó khăn của bà lúc đó. Vì thế linh mục Éric Lestage, người đồng hành với bà quyết định cùng bà thành lập cuộc hành hương an toàn cho những người có ý định tự tử (Cha Lestage đã qua đời tháng 7 vừa qua vì bệnh).
Bà Lalye nhấn mạnh: “Thời gian này là thời gian chúng tôi suy nghĩ. Trong đời sống hàng ngày chúng tôi không có thiên thần hộ mệnh, đây là cuộc chiến chúng tôi đương đầu một mình.” Một người hành hương, đã muốn tự tử năm ngoái, bà muốn giấu tên, đã nói lên rất nhiều: “Trong giới thân cận tôi, tôi không tìm ra ai để nói về nỗi đau của tôi, họ nói, tôi ‘đừng cầu nguyện hoặc đừng đến nhà thờ thường xuyên nữa’. Những lời này khác xa với lời nói của những người đi hành hương, trong đó việc lắng nghe là giá trị chính yếu.
Nếu chủ đề hành hương khó đề cập, nhưng cả nhóm chúng tôi chia sẻ những giây phút vui vẻ với nhau. Vì thế khi thánh lễ và thời gian cầu nguyện kết thúc, chúng tôi đứng dậy vỗ tay theo điệu nhạc sôi động của Troubadours of Hope, một nhóm nhạc pop kitô từ Biscarrosse (Landes) đến đây trong dịp này.
Ngoài khía cạnh nhân bản mạnh mẽ của chuyến đi năm ngày này, đây thực sự là kinh nghiệm thiêng liêng của những người đi hành hương. Vì thế chương trình đi hành hương này cũng giống như bất kỳ chương trình nào khác, với thánh lễ hàng ngày, xen kẽ thời gian cầu nguyện và chia sẻ, thảo luận, rước kiệu Đức Mẹ…
Nhưng với những người đang có ý định tự tử, việc đến Lộ Đức mang một ý nghĩa đặc biệt. Giám mục Nicolas Souchu, giáo phận Aire và Dax tóm tắt trong thánh lễ khai mạc: “Hang động hướng về phía bắc, tại đây không bao giờ có mặt trời. Vì thế chính từ đó, chúng ta đến để tìm ánh sáng, bởi vì đó là nơi mà sự sống đã chiến thắng cái chết.”
Bà Anne, nhân viên xã hội đã nghỉ hưu, bà có người mẹ 89 tuổi tự tử cuối năm 2017 mà không một lời từ biệt, bà chia sẻ cách giải thích này: “Tôi biết cuộc hành hương này sẽ rất đau đớn, tôi sẽ mất rất nhiều nước mắt. Nhưng ở đây, tôi có thể trút hết tâm tình vì trong hang động có nguồn nước, nguồn của sự sống.”
Đã quen với Lộ Đức, hàng năm cô Martine đến đây nhiều lần, cô đặt nhiều kỳ vọng ở cuộc hành hương nhằm ngăn ngừa tự tử này: “Tôi muốn chúng ta nói về sự dữ và cách đối phó với nó. Khi bạn thường xuyên bị cám dỗ muốn kết thúc đời mình, như trường hợp của tôi, có nghĩa là sự dữ đang ở đó, tôi biết nó không đến từ Chúa,” cô bị suy thoái tinh thần và bị vướng vào hoàn cảnh này suốt đời.
“Dỡ bỏ những điều cấm kỵ” về tự tử
Từ lâu Giáo hội công giáo từ chối chôn cất những người tự tử, cuộc hành hương này cũng nhằm mục đích “xóa bỏ những điều cấm kỵ” về việc này. Bắt đầu với những từ liên quan, thường được thay thế bằng các cụm từ như ‘bệnh tật’, ‘tuyệt vọng’ hoặc ‘cái chết bạo lực’, điều làm cho bà Lalye rất tiếc nuối. Vì thế theo bà, điều quan trọng là thuật ngữ này phải được viết rõ ràng trên áo màu vàng của các tình nguyện viên.
Dòng chữ này đã thách thức một người hành hương trong cuộc rước kiệu Đức Mẹ. Bà nói: “Bạn không thể biết được việc tôi cảm nhận như thế nào khi tìm thấy nó.” Sau khi kể lại việc mất mát một người thân 46 tuổi tự tử, vì thế bà đi hành hương Mân Côi của Cuộc hành hương quốc gia phòng chống tự tử ngày thứ sáu 25 tháng 8. Ông Hubert, trông giống như một ông già thông thái với bộ râu trắng và chiếc gậy, ông lắng nghe cuộc thảo luận từ xa. Ông vui mừng nói: “Đây là một người đã tìm được sự nâng đỡ”, ông vui vẻ trước khi rời thánh đường để về phòng.
“Học cách phản ứng”
Thầy phó tế Patrick Lepault đồng hành cho Cuộc hành hương quốc gia về phòng chống tự tử, thầy nói: “Kể từ năm 1983, Giáo hội mới cho chôn cất người tự tử. Chuyện này chưa xa lắm. Bây giờ vẫn còn các câu hỏi. Trong bài giảng, linh mục có nên cho biết đây là thánh lễ của người tự tử không? Thường thì linh mục không nói. Mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi người chết bị bệnh ung thư hoặc tai nạn. Trên thực tế, Giáo hội cũng làm như ngoài xã hội: khi không thoải mái với một chủ đề nào đó, Giáo hội sẽ để nó sang một bên. Ngoại trừ việc các linh mục tiếp tục đồng hành và lắng nghe. Các linh mục phải học cách dùng từ ngữ khi ở trong tình huống tự tử và biết cách phản ứng. Nếu họ không được đào tạo, họ sẽ cảm thấy mình không đủ khả năng và sẽ không dám đặt câu hỏi với người đến gặp họ, nói với họ về ý muốn chết của mình.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Lộ Đức, cuộc hành hương dành cho những người có ý định tự tử