“Vì sao Đức Phanxicô xem việc tưởng nhớ triết gia Blaise Pascal là mốc quan trọng”
lemonde.fr, Jean de Saint-Cheron, 2023-07-12
Tượng Blaise Pascal ở lối vào Tháp Saint Jacques, ở Paris, Thứ sáu 31 tháng 5 năm 2019. FRANCOIS MORI / AP
Đức Phanxicô vừa công bố một tông thư bày tỏ lòng kính trọng với triết gia người Pháp Blaise Pascal, nhân kỷ niệm 400 năm ngày sinh của ông. Theo nhà tiểu luận Jean de Saint-Cheron, tông thư này có tính cách “lịch sử” vì “giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên trong lịch sử vinh danh một trong những người hủy diệt Dòng Tên không thương tiếc nhất của lịch sử”.
Để kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Blaise Pascal (1623-1662), ngài vừa dành riêng tông thư Cao cả và khốn cùng của con người (Grandeur et misère de l’homme, nxb. Salvator), trong đó ngài không chỉ bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước cuộc đời và công việc của thiên tài mà còn mong muốn Pascal được “tất cả những người thiện tâm” biết đến.
Đức Phanxicô khẳng định, trong tông thư Pascal đã “nói về thân phận con người một cách đáng khâm phục” và ông đã có thể chạm đến mỗi người. Hơn cả một nhà đạo đức thấu suốt, thậm chí ông còn có thể thúc đẩy chúng ta đi tìm một hạnh phúc đích thực. Ông thực sự là một người bạn đồng hành.
Một vinh danh như vậy là một mốc quan trọng. Vì làm sao chúng ta có thể bỏ qua sự việc, một giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên trong lịch sử đã vinh danh một trong những người hủy diệt Dòng Tên không thương tiếc nhất của lịch sử? Liệu ngài có phủ nhận các thành viên của Dòng Tên, những người mà Blaise Pascal, khi đó thân cận với những người theo thuyết giăng-xen đã chế nhạo họ “với những lời giả dối tai tiếng?” Để hiểu đặc tính lịch sử của tông thư này, chúng ta phải quay trở lại vài thế kỷ trước.
Ân sủng chống với lý trí con người
Những tinh tế của cuộc đấu tranh dữ dội giữa tu sĩ Dòng Tên và những người theo thuyết giăng-xen thế kỷ 17 và 18 có xu hướng lọt ra khỏi tầm tay của người đương thời 2023, vì thế chúng ta cần nắm lại nội dung của cuộc tranh cãi. Kể từ khi Thánh Augutinô (354-430) và cuộc tranh chấp của ngài với tu sĩ Pêlagiô (khoảng 350-418, chủ trương không cần ơn Chúa) vào những năm 410, vấn đề ơn Chúa là đề tài của cuộc tranh luận trí tuệ. Cuộc tranh luận xoay quanh câu hỏi: trong sự cứu rỗi con người (nghĩa là con người được hưởng sự sống đời đời), vai trò ơn Chúa nâng cao bản chất con người là gì, mặt khác, đó là do sức con người được phú cho lý trí và ý chí hay sao?
Cuộc tranh luận này đã kích động vào thời Pascal. Các tu sĩ Dòng Tên, dưới ảnh hưởng của nhà thần học Molina (1535-1600) chống lại những người theo thuyết giăng-xen, vì vậy được gọi là liên quan đến những người giăng-xen (1585-1638), vào năm 1640 tác giả của Augustinus, một tác phẩm dựa trên các bài viết của Thánh Augutinô chống lại tu sĩ Pêlagiô. Vì thế những người theo thuyết giăng-xen đứng về thuyết của Thánh Augutinô (ơn Chúa là điều đầu tiên và tuyệt đối cần thiết để giúp con người làm điều tốt và đạt được sự sống vĩnh cửu), trong khi những người chống đối Dòng Tên bảo vệ cái gọi là “Pêlagiô nửa vời” (ý chí tự do đóng vai trò quyết định trong sự cứu rỗi).
Với cuộc tranh luận về ân sủng này, cần phải nói thêm những người theo thuyết giăng-xen đã tranh cãi về đạo đức của các tu sĩ Dòng Tên, những người mà họ cáo buộc là lỏng lẻo và đạo đức giả: các cha giải tội Dòng Tên đã thiết lập một hệ thống giải nghi học nhằm bào chữa cho mọi tội lỗi có thể tưởng tượng được hoặc hầu hết (kể cả tội giết người), thông qua thang bậc của những tình tiết giảm nhẹ và ý định “tốt” (ví dụ: “Tôi không đâm gươm vào tim người đàn ông này để giết ông, nhưng để bảo vệ danh dự của tôi. Như vậy, hành động tôi làm không phải là giết người, mà là khôi phục công lý”). Điều này đã thực sự làm rối, vì dưới mắt của những người theo thuyết giăng-xen, họ gắn liền với sự nghiêm khắc lành mạnh, ranh giới giữa công bằng và bất công, giữa tốt và xấu – với tôn giáo “chân chính”.
Cuối cùng, vào thế kỷ 17, người ta thêm vào tất cả những điều này, rằng thuyết giăng-xen của tu viện Port-Royal là để chống chủ nghĩa chuyên chế, và phản đối tôn giáo thời thượng bị gán cho Dòng Tên. Chính trong bối cảnh này, Pascal bước vào cuộc.
Sự trở lại kitô giáo sâu sắc của nhà toán học thiên tài và nhà phát minh lỗi lạc thực sự có liên quan đến ảnh hưởng của một số người theo thuyết giăng-xen. Bạn bè ở tu viện Port-Royal đánh hơi được thiên tài tư biện và hùng biện của ông đã giao ông việc tấn công các quan điểm của Dòng Tên và chế nhạo họ. Điều này làm nảy sinh ra ở các Tỉnh dòng giữa hai năm 1656 và 1657 một số công thức nào đó, làm nhắc lại, không cưỡng lại được kiểu chế giễu của kịch tác gia Molière: “Được, không sao đâu thưa Cha. Nếu Cha cho tôi là người dị giáo thì tôi sẽ trả lời Cha, không sao.”
“Chúa nhạy cảm với trái tim, chứ không với lý trí”
Xung đột sau Pascal
Sau Pascal, cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Việc giải thể hội dòng giăng-xen ở tu viện Port-Royal và việc san bằng tu viện theo lệnh của nhà vua năm 1711 đã không chấm dứt tranh luận. Ngày 25 tháng 9 năm 1762 nhà văn Voltaire viết cho ông Alembert, thầy và là bạn của ông: “(…) Anh hãy để những người theo chủ nghĩa giăng-xen và nghị viện lặng lẽ loại bỏ chúng ta khỏi đám đông của Dòng Tên, và đừng ngăn cản những con nhện này nuốt chửng lẫn nhau.”
Năm 1763, việc trục xuất các tu sĩ Dòng Tên khỏi vương quốc Pháp cũng không khép lại cuộc tranh luận. Ngày nay, trong thần học, những buộc tội về thuyết giăng-xen hoặc thuyết Dòng Tên tiếp tục tạo tiếng vang trong một số môi trường công giáo. Và, trong ngôn ngữ hàng ngày, các chính trị gia được cho là khắc khổ thì thường bị gán là người giăng-xen, còn danh xưng “dòng tên” thì dành cho những nhân vật bị kết án là đạo đức giả.
Giáo hoàng Phanxicô, tu sĩ Dòng Tên bị gán cho là người bảo vệ thuyết giăng-xen, liệu ngài có tìm cách kết thúc vụ việc một cách dứt khoát không? Phải công nhận ngài dẫn đến việc đối đầu của những người theo thuyết giăng-xen và pêlagiô, những học thuyết mà ngài cho là đặc trưng, một bên là cứng nhắc quá mức và thiếu lòng thương xót, bên kia là kiêu ngạo và tự phụ, tháng 9 năm 2021 ngài tuyên bố: “Chúng ta hãy nghĩ đến những kẻ dị giáo này, những người theo thuyết giăng-xen và pêlagiô, tự cao cho rằng mình làm cho Giáo hội đi tới, nhưng mỗi dị giáo đều kết thúc không tốt.”
Nhưng nếu ngài đề cập đến cuộc tranh cãi của các Tỉnh dòng trong tông thư Cao cả và khốn cùng của con người thì thiết yếu là để vinh danh Pascal “vì sự thẳng thắn và chân thành trong các chủ ý của ông” và để xác định “tông thư này chắc chắn không phải là nơi thích hợp để đặt lại vấn đề”. Ngài không tán thành những tuyên bố của Pascal cho rằng các tu sĩ Dòng Tên ở thế kỷ 17 là “những người “bỉ ổi pêlagiô nửa vời”, phải cẩn thận phân biệt Pascal với chủ nghĩa giăng-xen, ngài đi xa hơn khi khẳng định “vào cuối đời, quan điểm của Pascal về ân sủng (…) hoàn toàn phù hợp với tinh thần công giáo”, nghĩa là không theo thuyết giăng-xen.
Về cuộc tranh cãi ân sủng, cuộc thảo luận vẫn còn bỏ ngỏ giữa những người theo chủ nghĩa molin (những người ủng hộ thần học gia Molina) và những người theo thuyết giăng-xen. Nhưng giáo hoàng dường như muốn đem thiên tài toán học ra khỏi tranh chấp, đặt ông vào đúng vị trí của ông, lên trên các tranh chấp này.
Jean de Saint-Cheron là nhà văn, người viết chuyên mục và là giám đốc Học viện Công giáo Paris. Ông vừa xuất bản “Blaise Pascal. Đây chính là đức tin” (Blaise Pascal. Voilà ce que c’est que la foi. Nxb. Salvator)
Marta An Nguyễn dịch
Tông thư nhân dịp 400 năm ngày sinh của triết gia Blaise Pascal