Bởi vì giáo hoàng không thân Nga

76

Bởi vì giáo hoàng không thân Nga

repubblica.it, Enzo Bianchi, 2023-09-11

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine, Đức Phanxicô bị cáo buộc là không đủ rõ ràng trong việc lên án kẻ xâm lược và trong những ngày gần đây, ngài không còn được cho là trọng tài giữa các đối thủ vì ngài bị cho là “thân Nga”. Một số lời của ngài về nước Nga – “đất nước vĩ đại, được khai sáng với nền văn hóa và nhân văn vĩ đại” – đã gây sự khó chịu trong Giáo hội công giáo-Hy Lạp Ukraina đang họp Thượng hội đồng giám mục tại Rôma. Trong cuộc gặp với Đức Phanxicô, các giám mục Ukraine đã chỉ trích mạnh mẽ thái độ của Đức Phanxicô, bị đánh giá là không có khả năng hiểu Ukraine và lên án chủ nghĩa thực dân mới trong cuộc chiến tranh Nga, đến nay đã kéo dài từ tháng 2 năm 2022, một cuộc chiến giữa các kitô hữu.

Thật ra Đức Phanxicô luôn tiếp tục yêu cầu chấm dứt chiến tranh và bắt đầu đối thoại vì hòa bình; hơn nữa, không ai có thể nói quan điểm của ngài là thân Nga, lại càng không thể nói ngài ủng hộ Putin. Thực tế ở Ukraine khó giải mã hơn, phức tạp hơn khi phải đối diện và Đức Phanxicô, trong tư cách là người kế vị Thánh Phêrô – người có nhiệm vụ phục vụ sự hiệp nhất không chỉ của giáo hội mà còn của tất cả các giáo hội – tìm kiếm khả năng ngưng chiến, ngưng xung đột trong mục đích kiến tạo hoà bình.

Ngài không và không thể hành động như những quyền lực chính trị của thế giới này, vì nhiệm vụ của ngài rất khác biệt. Ở Ukraine có một Giáo hội công giáo hy lạp, theo các nhà thờ chính thống nhưng hiệp thông với Rôma trong nhiều thế kỷ. Giáo hội Thống nhất, được định nghĩa không xem thường, nhưng được đánh dấu kể từ khi ra đời vào thế kỷ 17 bằng phương pháp thống nhất mà Giáo hội công giáo đã thực hiện với các Giáo hội chính thống: lấy mục tiêu là sự hiệp nhất của Giáo hội, được quan niệm như một sự trở lại hoặc đồng hóa dần dần đối với Giáo hội công giáo la-mã, các phần của Giáo hội chính thống được hội nhập để tạo các Giáo hội công giáo song song. Tuy nhiên, phương pháp này không những bị người công giáo và người chính thống lên án khi họ họp tại Balamand (1993), nhưng còn bị Đức Phanxicô đánh giá là “ngày nay không còn được phép… không còn được xem là một con đường cho chủ nghĩa đại kết”.

Giáo hội công giáo hy lạp Ukraine là một giáo hội vĩ đại và thánh thiện của các vị tử đạo, đã bị đàn áp và dưới thời Stalin và gần như bị tiêu diệt. Giáo hội công giáo la-mã không thể không xem họ là thành viên đặc quyền để đối thoại với chính thống giáo, nhưng chắc chắn không thể ủng hộ họ bằng cách đặt họ đối lập với chính thống giáo. Đây là lý do vì sao Đức Phanxicô đã hứa với chính thống giáo rằng Rôma sẽ không đồng ý thành lập một thượng phụ công giáo Ukraine dù người Ukraine yêu cầu điều đó.

Chỉ có lời tiên tri trong phục vụ giáo hoàng với các Giáo hội mới có thể giải quyết được tình hình và đưa ra một lối thoát. Ngày nay chúng ta bị kết án là có thành kiến công giáo đối với một Giáo hội, dù là công giáo, nhưng trên thực tế lại bị chủ nghĩa dân tộc cám dỗ như nhiều Giáo hội chính thống khác.

Nhưng Đức Phanxicô, trung thành với tinh thần của Công đồng, không thể dung thứ cho phương pháp thống nhất vì ngài vẫn là người phục vụ hiệp thông đầy xác tín giữa những mâu thuẫn, giữa sự thiếu thông hiểu và hiếm có sự hỗ trợ. Chúng ta hãy nghĩ đến sự hiệp thông của tất cả các giáo hội, để bảo vệ Giáo hội công giáo và điều này là tuân theo Công đồng, nhưng trên hết là Tin Mừng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch