Trí tuệ nhân tạo phục vụ truyền giáo?
cath.ch, Maurice Page, 2023-07-27
Trí tuệ nhân tạo có thể trở thành công cụ truyền giáo không? Đây là xác quyết của ông Matthew Sanders, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Longbeard, ở Canada, công ty vừa ra mắt Magisterium A.I. Phiên bản thử nghiệm bằng tiếng Anh đã trả lời các câu hỏi về đức tin công giáo.
Sự gia tăng của trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực hoạt động là không thể phủ nhận, và Giáo hội công giáo dường như là một lĩnh vực thú vị cho công nghệ này. Theo ông Matthew Sanders, một chuyên gia tiếp thị và truyền thông đã làm việc cho tổng giáo phận Toronto, ông cộng tác trong nhiều năm với nhiều bộ và dịch vụ khác nhau của Vatican, Magisterium A.I. hiện chỉ có bảng tiếng Anh, có thể là một công cụ hữu ích cho việc truyền giáo.
Các nhà phát triển Magisterium A.I. đã đào tạo trí tuệ nhân tạo của họ trên cơ sở dữ liệu gồm 456 tài liệu của Giáo hội, bao gồm Sách Giáo lý Giáo hội công giáo, Bộ Giáo luật, Sách lễ Rôma, 90 thông điệp, 7 tông hiến và 26 tông huấn.
Để giải thích và để hiểu
Theo ông Matthew Sanders, Magisterium A.I. có thể giúp giải thích các khái niệm thần học, triết học và lịch sử phức tạp bằng một ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, gồm cả việc trình bày những giáo huấn chính yếu của Giáo hội như Chúa Ba Ngôi, Nhập Thể, các bí tích, v.v. Người dùng có thể hỏi Magisterium A.I. bất cứ câu hỏi nào về việc giảng dạy và thực hành của Giáo hội. Các người đi giảng có thể nhờ soạn một bài giảng về một chủ đề cụ thể.
Magisterium A.I. cũng có ý định cung cấp nền tảng về lịch sử và sự phát triển của giáo lý Giáo hội, giới thiệu sách, tài liệu và các nguồn khác có thể cung cấp thêm thông tin. Các nhà thiết kế còn muốn tận dụng khả năng của A.I. vào việc dạy giáo lý và chuẩn bị các bí tích.
Thảo luận với một linh mục vẫn là quan trọng
Một cách thận trọng, ông Matthew Sanders nêu rõ, dù Magisterium A.I. có thể cung cấp thông tin và bối cảnh có giá trị, nhưng nó không phải là nguồn tài nguyên duy nhất cho người muốn tìm hiểu giáo huấn công giáo. Tốt hơn vẫn là tham khảo các nguồn có thẩm quyền và thảo luận với những người hiểu biết và những người có trách nhiệm trong Giáo hội, và đọc các nguồn chính như Sách Giáo lý.
Để tránh nguy cơ lệch lạc, Magisterium A.I. đã thành lập một ủy ban cố vấn khoa học, do tu sĩ Dòng Tên người Canada David Nazar, viện trưởng Học viện Giáo hoàng Phương Đông ở Rôma làm chủ tịch. Ông Matthew Sanders nói rõ: “Magisterium A.I. không phát minh ra bất cứ gì, chỉ cung cấp các trích dẫn để bạn biết câu trả lời của nó đến từ đâu.”
Có thể làm tốt hơn
Trong một bài phân tích dài, trang web công giáo Hoa Kỳ The Pillar đã thách thức Magisterium A.I. về một loạt câu hỏi hóc búa về thần học và giáo luật. Không đùa, A.I. đã không thể vượt qua được nhà thần học và giáo sư giáo luật được mời đến để xem xét. Về thần học, trí tuệ nhân tạo chỉ được 1,5 điểm so với giáo sư thần học được điểm 6.
Về giáo luật thì bộ máy chật vật hơn. A.I. bị điểm ‘zero’, giáo sư được 4 điểm khi câu hỏi là: ‘Một phụ nữ 40 tuổi chưa lập gia đình có thể trở thành phó tế được không?’ Câu trả lời của Magisterium A.I. đã không chính xác nói đến điều luật 1024 của giáo luật ‘chỉ một người nam được rửa tội mới có thể lãnh nhận chức thánh một cách hợp lệ’. Trừ khi trí tuệ nhân tạo có được ơn có thể nhìn thấy trước?
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Trí tuệ nhân tạo sẽ là chủ đề của Thông điệp hòa bình
CatéGPT, trí tuệ nhân tạo phục vụ Giáo hội
Trí tuệ nhân tạo dưới mắt của linh mục Paolo Benanti Dòng Ba Phanxicô