Trí tuệ nhân tạo sẽ là chủ đề của Thông điệp hòa bình
cath.ch, I.Media, 2023-08-08
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã đặt ra một số lượng lớn các câu hỏi về đạo đức | © Focal Foto/Flickr/CC BY-NC 2.0
Ngày thứ ba 8 tháng 8, một thông báo của bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện cho biết, Đức Phanxicô đã chọn trí tuệ nhân tạo là chủ đề thông điệp hòa bình truyền thống ngày 1 tháng 1 năm 2024. Ngài sẽ đặc biệt nhấn mạnh đến lãnh vực giáo dục và luật pháp, một vấn đề đang đặt ra nhiều câu hỏi về sự phát triển của những công nghệ mới, từ vài tháng qua đã có những cải tiến ngoạn mục mới như giao diện ChatGPT.
Kể từ năm 1968, ngày 1 tháng 1 hàng năm, Giáo hội công giáo cử hành Ngày Hòa bình Thế giới và nhân dịp này, giáo hoàng ra một thông điệp, qua đó ngài đưa ra các quan tâm và mong muốn của mình cho năm tới. Tháng 1 vừa qua, ngài đề cập đến đại dịch Covid-19 và lấy làm tiếc về sự tái diễn chiến tranh trên lục địa châu Âu mà ngài xem đó là “tai họa”.
Năm 2024, ngài đề xuất một suy tư về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), thông báo nêu chi tiết: “Tác động của trí tuệ nhân tạo ngày càng sâu sắc, chạm đến hoạt động của con người, đời sống cá nhân và xã hội, chính trị và kinh tế”.
Ngài sẽ nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cảnh giác và làm việc để logic bạo lực và phân biệt đối xử không bắt nguồn từ việc sản xuất và sử dụng các thiết bị này, gây bất lợi cho những người mong manh và bị loại trừ.
Bảo vệ phẩm giá con người
Theo Đức Phanxicô, có một nhu cầu cấp thiết là hướng dẫn thiết kế và sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm, để A.I. phục vụ nhân loại và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta. Vì thế điều cần thiết là “suy tư về đạo đức mở rộng sang lãnh vực giáo dục và luật pháp để đảm bảo việc bảo vệ phẩm giá con người và mối quan tâm đến một tình huynh đệ thực sự mở ra cho tất cả gia đình nhân loại”.
Suy nghĩ về các công nghệ mới không phải là điều mới mẻ với Vatican. Đức Phanxicô thường thách thức những người ra quyết định và người dùng cho mục đích của họ. Năm 2020, dưới sự bảo trợ của Tòa thánh, một số tổ chức đã ký Lời kêu gọi Rôma về đạo đức A.I., một tài liệu được Học viện Giáo hoàng về Sự sống triển khai minh bạch, toàn diện, có lợi cho xã hội và có trách nhiệm hơn. Trong số những bên ký kết đầu tiên có các công ty Microsoft và IBM, Tổ chức Lương Nông Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (FAO).
Marta An Nguyễn dịch
ChatGPT có linh hồn không? Một cuộc trò chuyện về đạo đức công giáo và trí tuệ nhân tạo A.I.
Nữ tu Helen Alford: “Giáo hội có thể mở mang tinh thần cho trí tuệ nhân tạo A.I.”