Pascal và Đức Phanxicô, trở về với thực tại

175

Pascal và Đức Phanxicô, trở về với thực tại

fr.aleteia.org, Michel Cool, 2023-06-24

Khi ca ngợi nhà toán học triết gia Blaise Pascal, Đức Phanxicô vinh danh một tư tưởng gia của việc trở về với thực tế. Nhà báo chuyên mục Michel Cool của trang Aleteia quan sát, như một cách để trả lời trước sự phóng đại của những bài phát biểu sai lệch và vô trách nhiệm.

Đây là một trong tám mươi sáu bức tượng đại diện cho những nhân vật lừng lẫy trong lịch sử Pháp ở triều đình Napoléon tại Louvre. Vào những năm sáu mươi, thời của đồng quan Pháp, hình của ông được in trên tờ giấy bạc “lớn”. Nhiều trường học, đường phố và đại lộ ở các thành phố trên nước Pháp vẫn còn mang tên ông, bắt đầu từ Clermont-Ferrand nơi ông sinh ra 400 năm trước. Blaise Pascal là “nhân vật chính trong văn hóa Pháp, người đã làm huy hoàng tinh thần Pháp, mang một thông điệp phổ quát (…) trên con đường sự thật,” tổng thống Pháp nhắc lại trong một câu tweet đăng ngày 19 tháng 6, nhân ngày sinh của ông.

Phần bổ sung cho tâm hồn

Chúng ta nên cố tình phạm việc sai ngày tháng này: câu tweet, loại hình thức diễn tả nhanh gọn, được cho là sắc nét, chắc chắn sẽ được tác giả của Tư tưởng khai thác tài tình, với thiên tài chữ nghĩa mà trí thông minh đầy cảm hứng của ông biết cách đục đẽo theo một nghệ thuật hoàn hảo. Chắc chắn nó sẽ góp phần nâng cao mức dân trí xoàng xĩnh của loại thông tin hiện đang lưu hành trên mạng xã hội. Ông sẽ mang đến phần bổ sung này cho tâm hồn, trọng tâm và chiều sâu rất cần thiết cho trí thông minh của con người, là điều họ thiếu một cách thảm hại; thất bại mà sự trống rỗng, ngu ngốc và độc ác tàn nhẫn làm một cách chuyên chế điên cuồng trên mặt trận kỹ thuật số sai lầm này.

Thêm nữa, Đức Phanxicô cũng giống như các vị tiền nhiệm gần đây của ngài, thấy nơi Pascal một chứng tá phi thường, thậm chí là lý tưởng cho trí thông minh kitô giáo. Ông Eugenio Scalfari, người vô thần, nhà sáng lập nhật báo La Reppublica lớn của nước Ý đã có nhiều cuộc trò chuyện với Đức Phanxicô khi bắt đầu triều giáo hoàng của ngài. Ông cho biết ngài đã nói với ông: “Blaise Pascal xứng đáng được phong chân phước.” Ngay lập tức dự kiến này làm hứng thú nhiều người thích văn học kitô giáo. Nhưng viễn cảnh “công giáo hóa” này của nhà thông thái, nhà toán học và triết gia lừng danh Pháp cũng đã làm phật lòng giới trí thức muốn bảo tồn tính phổ quát của tác phẩm của ông. Giáo phận Paris, nơi có trách nhiệm tiến hành thủ tục đến nay vẫn chưa bắt đầu. Tuần này, Đức Phanxicô đã vinh danh Pascal với tông huấn Vĩ đại và khốn cùng của con người.

Tính nổi trội của thực tế

Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn lại một trong những điểm nhấn mạnh trong suy tư của giáo hoàng để thấy tính thời sự sống động trong tư tưởng của Pascal. Ngài viết như sau: “Khi suy ngẫm về Tư tưởng của Pascal, theo một cách nào đó, chúng ta tìm thấy nguyên tắc cơ bản này: Thực tế cao hơn ý tưởng, bởi vì nó dạy chúng ta tránh xa “những cách che giấu thực tế từ chủ nghĩa thuần túy thiên thần cho đến chủ nghĩa trí thức không có minh triết”. Chúng ta biết ngài xem tính nổi trội của thực tế là một trong những mô hình suy tư cá nhân của ngài. Ngài đã triển khai rộng rãi trong tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium.

Cuộc cá cược mà Blaise Pascal mời gọi chúng ta làm vào buổi bình minh đầy bất trắc của thế kỷ 21 là chống lại chủ nghĩa đơn giản hóa quá mức và những giản lược nhằm bác bỏ, ngụy tạo và bóp méo thực tế.

Tuy nhiên, ưu tiên của thực tế hiện đang bị lạm dụng và thậm chí bị chống lại do sự lạm phát của những lời phủ nhận và sai lầm đã chiếm lĩnh xã hội bình luận. Xu hướng lạm phát dối trá và thông tin sai lệch này, là phản ứng tiêu cực và có hại đối với sự phức tạp ngày càng tăng của các vấn đề cần giải quyết và các quyết định được đưa ra trong xã hội và trên thế giới, một thế giới đang phải đương đầu với những thay đổi và những tình trạng khẩn cấp đáng kể. Sự phủ nhận thực tế này kéo theo việc loại bỏ tinh thần trách nhiệm. Tư thế này được thể hiện qua sự phóng đại của những bài phát biểu bịa đặt hứa hẹn những “buổi tối tuyệt vời” hão huyền khi – như chúng ta đã học khi suy nghĩ về Lịch sử – tương lai thuộc về những người dậy sớm và nắm bắt thực tế, không phải bằng cách mơ mộng, nhưng bằng cách gánh trách nhiệm nó.

Không thiên thần cũng không con vật

Cuộc cá cược mà Blaise Pascal mời gọi chúng ta thực hiện vào buổi bình minh đầy bất trắc của thế kỷ 21 này là chống lại chủ thuyết đơn giản hóa quá mức và những giản lược nhằm bác bỏ, ngụy tạo và bóp méo thực tế. Giống như Pascal, chúng ta phải cảnh giác với những kẻ mị dân cải trang thành những người chăn cừu tốt bụng hoặc những cô gái chăn cừu tốt bụng. Vì thế chúng ta hãy suy gẫm thật kỹ về tư tưởng này của Pascal và áp dụng để chính mình được hưởng lợi cũng như cho tất cả các cộng đồng nhân loại chúng ta lui tới: “Con người không phải là thiên thần cũng không phải là con vật, và bất hạnh cho ai muốn làm thiên thần, họ sẽ thành con thú.”

Marta An Nguyễn dịch