Sứ điệp của Đức Phanxicô nhân Ngày Thế giới Người nghèo: “Gặp người nghèo con đừng ngoảnh mặt quay đi”

43

Sứ điệp của Đức Phanxicô nhân Ngày Thế giới Người nghèo: “Gặp người nghèo con đừng ngoảnh mặt quay đi” 

Hình minh họa

cath.ch, I.Media, 2023-06-13

Làm thế nào để Giáo hội có thể đến với người nghèo?

Ngày thứ ba 13 tháng 6, trong một văn bản được công bố nhân ngày lễ Thánh Antôn Padua, bổn mạng của người nghèo, Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta nên có quan hệ cá nhân với những người bị gạt ra bên lề xã hội. Thông điệp của ngài nhân Ngày Thế Giới Người nghèo lần thứ VII, 19 tháng 11 năm 2023 bày tỏ mối quan tâm của ngài với người lao động phải làm việc trong những điều kiện không được tôn trọng và các thanh niên bị đẩy đến bờ tự sát.

Nhân Ngày Thế Giới Người nghèo tháng 11 sắp tới, ngài kêu gọi giáo dân chia sẻ bữa ăn ngày chúa nhật. Ngài khuyên chúng ta không nên là siêu nhân, nhưng là người láng giềng, người lắng nghe, người đối thoại và không nên làm bác ái bằng cách ủy quyền, đưa tiền cho người khác làm giùm. Ngài nhấn mạnh: “Việc chia sẻ phải tương ứng với những nhu cầu cụ thể của người khác, chứ không phải dùng để loại bỏ những thứ mình dư thừa”.

Những người nghèo trong âm thầm

Cảm hứng từ chủ đề của Ngày Thế Giới Người nghèo “Gặp người nghèo con đừng ngoảnh mặt quay đi” (Tb 4:7), Đức Phanxicô suy niệm về ông Tô-bít, thân phụ của ông Tôbia, ông bị mù sau khi làm việc bác ái. Theo Đức Phanxicô, đây không phải là trớ trêu của số phận. Nếu Thiên Chúa “không tránh thử thách cho những ai làm việc thiện”, thì không phải là để sỉ nhục chúng ta, nhưng là để dạy chúng ta nhận ra sự nghèo khó xung quanh mình.

Ngài nhận thấy, “một dòng sông nghèo đói chảy qua các thành phố chúng ta và ngày càng rộng lớn hơn cho đến khi nó tràn ngập”, ngài lấy làm tiếc lời kêu gọi thịnh vượng ngày càng tăng, trong khi tiếng nói của những người sống trong cảnh nghèo đói bị im lặng.” Ngài nói: “Chúng ta chỉ muốn gạt bỏ những gì khó chịu và làm đau khổ qua một bên, nhưng chúng ta lại đề cao phẩm chất thể lý như thử đó là mục đích chúng ta phải có được.” Ngài buồn bã nói: “Trên mạng xã hội, người nghèo là hình ảnh làm chúng ta xúc động trong giây lát, nhưng khi chúng ta gặp họ bằng xương bằng thịt trên đường phố, thì chúng ta lại thấy xấu hổ cho tình trạng sống bên lề của họ.” Đức Phanxicô nhắc lại, ai cũng là người anh em của chúng ta, không phân biệt màu da, địa vị xã hội, xuất thân… Có nghèo khó, tôi mới nhận ra ai mới thực sự là người anh em cần đến. Chúng ta được kêu gọi gặp tất cả người nghèo, mọi hình thức nghèo, rũ bỏ sự thờ ơ mà chúng ta dùng để che chắn cho một hạnh phúc hão huyền.

Người trẻ bị cho là người “thua cuộc”

Đức Phanxicô nêu lên những hình thức mới của nạn nghèo đói trên thế giới như các trẻ em sống trong vùng chiến tranh, các em không có một hiện tại yên bình, không có một tương lai xứng đáng. Ngài lo lắng những gia đình cơ cực luôn phải lựa chọn giữa giữa thức ăn và thuốc men. Ngài mời gọi hãy lên tiếng để mọi người có được cả hai điều này nhân danh phẩm giá con người.

Ngài cũng tố cáo một loại rối loạn đạo đức đang ở trong thế giới việc làm, sự đối xử vô nhân đạo dành cho nhiều công nhân, họ không nhận được mức lương xứng đáng, họ là nạn nhân của các sự cố “theo não trạng phải có lợi nhuận ngay lập tức, không xem trọng an ninh”.

Cuối cùng ngài quan tâm đến một hình thức bất ổn trong giới trẻ, ngài buồn cho một văn hóa làm cho họ tự sát bằng cách làm cho họ cảm thấy mình là người “thua cuộc”. Ngài xin: “Chúng ta hãy giúp họ phản ứng trước các xúi giục có hại này, để mọi người có thể tìm thấy con đường nhằm có một bản sắc mạnh mẽ và quảng đại.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch