Đức Phanxicô và những chuyện chưa kể
mondayvatican.com, Andrea Gagliarducci, 2023-05-15
Có một giáo hoàng truyền thông và một giáo hoàng thực sự cho bất kỳ triều giáo hoàng nào. Các phương tiện truyền thông không biết những lý do sâu xa nào cho các quyết định của giáo hoàng hoặc vì sao ngài chọn một số cộng tác viên này thay vì người khác. Họ chỉ đơn giản quan sát và sau đó báo cáo những gì họ quan sát được. Đôi khi là chính xác; nhưng cũng có khi họ có thể bị đánh lừa trong các quan sát của mình, vì những cân nhắc về hệ tư tưởng hoặc do đồng cảm cá nhân. Dù sao trong mọi trường hợp, luôn nên xem xét tất cả các quan điểm, ngay cả những quan điểm phê phán nhất.
Triều Đức Phanxicô không thoát được chuyện này. Có một triều truyền thông và một triều thực sự. Triều truyền thông có những khuôn mặt khác nhau: khuôn mặt của những người nghi ngờ nhìn giáo hoàng và khuôn mặt của những người chấp nhận và ủng hộ cách mù quáng mọi quyết định của ngài. Có lẽ sự khác biệt trong triều giáo hoàng này là không có môi trường trung dung. Nếu bạn chỉ trích ngài, bạn tự động chống triều của ngài và chính ngài. Đó là bầu khí không khác gì bầu khí trước đây, nhưng nóng hơn, phân cực hơn.
Nhưng tuần vừa qua có hai sự kiện đặc biệt cho chúng ta thấy được mặt bên kia của triều giáo hoàng Phanxicô. Các sự kiện cho thấy một số câu chuyện chưa được báo cáo phải được hiểu như thế nào để suy ngẫm về triều của ngài.
Sự kiện đầu tiên là cuộc họp khoáng đại của Caritas Quốc tế. Đức Phanxicô đã nắm lại một cách thô bạo Caritas Quốc tế sau một cuộc thanh tra được chính người mà ngài lật đổ và thay thế yêu cầu. Không có vấn đề tài chánh, quản lý không đúng hay lạm dụng; chỉ những gì bị cho là bầu khí căng thẳng đã dẫn đến quyết định của ngài.
Từ quyết định này, chúng tôi chỉ biết qua tường thuật chính thức. Tiểu sử của ủy viên, ông Pier Francesco Pinelli đã được nhấn mạnh để cho thấy các hoạt động của ông trong thế giới công giáo và lòng trung thành của ông với học thuyết. Qua tiểu sử của ông, chúng tôi biết ông đã làm việc với Bain Capital, chính công ty đã tiếp quản, với giá có lợi vì Tòa thánh muốn/phải bán bằng bất cứ giá nào, tòa nhà ở London, trọng tâm của một quá trình phức tạp ở Vatican. Nhưng đó không phải là mục đích của công việc.
Hai bức thư ngỏ cho phép chúng ta nhìn thấy mặt kia của câu chuyện. Đó là từ hai tổng thư ký cuối cùng, ông Aloysius John, người đã bất ngờ bị lật đổ cùng với tất cả các nhà lãnh đạo của Caritas Quốc tế ngày 22 tháng 11 vừa qua, và ông Michel Roy, người được kêu gọi để hướng Caritas Quốc tế đến các quy chế mới, ông đã giữ chức tổng thư ký từ năm 2011 đến 2019.
Nội dung hai bức thư được phổ biến rõ ràng làm nổi bật sự tập trung hóa được bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện điều hành, một sự “lấy lại quyền lực” theo lời của ông Aloysius John, có lẽ đã được các quy tắc cho phép, nhưng đã vượt xa tinh thần của các quy tắc.
Nhưng phần đáng chú ý nhất trong thư của ông Aloysius John nằm ở nằm ở một điểm mà các phương tiện truyền thông ít chú ý đến nhưng lại là điều cơ bản để hiểu về tương lai của Caritas Quốc tế.
Ông John nhấn mạnh đến ba vấn đề: ủy viên không được lên tiếng thay cho các đại diện, một loại “thái độ thực dân” của một số thành viên có quyền lực tài chính muốn áp đặt mô hình phát triển của họ, và mong muốn kiểm soát Caritas Quốc tế của thánh bộ. Điểm cuối cùng này có thể nằm trong đặc quyền của thánh bộ, nhưng đồng thời, nó sẽ lấy đi sự độc lập cần thiết của liên đoàn Caritas để hành động trên thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề cơ bản vẫn là bản sắc công giáo của Caritas Quốc tế, dường như bị cho như một dịch vụ trợ giúp xã hội chứ không phải là một phần sứ mệnh của Giáo hội. Nguy cơ này đã có từ năm 2012 khi Đức Bênêđictô XVI thiết lập các đạo luật mới để tránh các vấn đề tồn tại từ trước đã có khi bà thư ký trước đó, Lesley Ann Knight đã cho phép và bảo vệ mạnh mẽ việc đưa ít nhất là một nhóm ủng hộ phá thai vào liên đoàn Caritas.
Ngắn gọn, tình trạng ở Caritas Quốc tế sẽ đại diện cho tình trạng thế giới, với việc người giàu muốn kiểm soát người nghèo, một số mô hình áp đặt, và một nền quản trị tập trung vào các vấn đề cụ thể hơn là vấn đề bản sắc. Chủ nghĩa thực dụng hơn, ít chủ nghĩa lý tưởng hơn dường như là đường lối chỉ đạo.
Nếu giáo hoàng lên tiếng, và đúng như vậy, về việc hoán cải mục vụ, nhưng làm sao hoán cải này phù hợp với các tình huống như của Caritas Quốc tế, nơi mà các cố gắng được làm chính xác tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc hoán cải và một nhận thức mới về bản thân bị hủy bỏ bởi các quyết định được đưa ra một cách nhanh chóng, mà không cảnh báo và từ một quyền lực trung ương?
Sự kiện thứ hai là việc công bố báo cáo thường niên của Cơ quan giám sát và thông tin của Vatican, cái gọi là “Cơ quan giám sát tài chính của Vatican” (Vatican Financial Watchdog). Cho đến năm 2019, báo cáo đã được trình bày tại một cuộc họp báo và ban quản lý đã trải qua phần Hỏi-Đáp. Từ nay báo cáo được gửi cùng với một cuộc phỏng vấn thể chế chỉ để lại quan điểm của Thẩm quyền mà không có một khả năng đối thoại nào.
Vì thế tạo ra câu chuyện một chiều, trong số những thứ khác, nó có tác dụng duy nhất là lan truyền các quan điểm thiên kiến. Chẳng hạn chủ tịch Carmelo Barbagallo tuyên bố ủy ban Moneyval của Hội đồng châu Âu hoàn toàn tin tưởng vào Cơ quan. Tuy nhiên, trên thực tế, báo cáo tiến độ mới nhất cho thấy có nhiều điểm thuận lợi và bất lợi chứ không phải chỉ là một đánh giá hoàn toàn tích cực.
Do đó, một câu chuyện được tạo ra nhằm mục đích cho thấy sự gián đoạn với bất cứ điều gì đã xảy ra trước đó, theo cách giải thích về sự đứt đoạn, điều này chắc chắn không giúp ích gì cho quan điểm của thế giới về triều giáo hoàng.
Cũng có rủi ro ngược lại, đó là báo cáo những gì đã được thực hiện theo cách chỉ trích thái quá đến mức có vẻ gây tổn hại. Nhưng, ngay cả trong trường hợp này, đó là vấn đề về một triều giáo hoàng truyền thông, một triều không tiết lộ gì về triều giáo hoàng thực sự vì nó nghiêng về một bên.
Vậy thì cái gì mới thật sự là triều giáo hoàng thật của Đức Phanxicô? Người ta có thể hiểu qua các quyết định và cách làm việc của ngài, ít nhất nó cũng cho thấy một ý tưởng về phương pháp điều hành. Ngài chính thức ủng hộ việc phân quyền, nhưng đồng thời, ngài không ngần ngại đưa ra những quyết định tàn bạo, thậm chí chỉ huy chúng hoặc đột ngột thay đổi người đứng đầu các bộ phận.
Giống như những gì có thể xảy ra với Cơ quan quản lý di sản của Tòa thánh, APSA vào ngày thứ hai sắp tới khi người ta cho rằng chủ tịch Nunzio Galantino và thư ký Fabio Gasperini sẽ bị cách chức, và Đức ông thư ký dưới quyền sẽ là tân chủ tịch.
Đó sẽ là một quyết định phù hợp với nhiều ưu tiên khác của triều của ngài, ngài thường bị cáo buộc về những cải tổ đột ngột. Và đó cũng là cách ngài bất ngờ công bố Luật cơ bản mới của Nhà nước Thành phố Vatican ngày 13 tháng 3, luật này đã thay đổi cái gọi là “Hiến pháp” của Nhà nước Thành phố Vatican và dường như đã thay đổi cách suy nghĩ của Nhà nước Vatican.
Đó là cách giáo hoàng phá vỡ những gì ngài cho là mạng lưới quyền lực. Hiểu về giáo hoàng cũng có nghĩa là cố gắng hiểu các cơ chế này. Và, có lẽ, để nhận ra rằng những cơ chế này có nguy cơ dẫn đến những cắt đứt rất mạnh, cả trong lịch sử và trong các mối quan hệ. Rốt cuộc, sự phân cực mạnh mẽ trở thành hệ quả hợp lý nhất.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch