Trận chiến về đạo đức tính dục ở Vatican
Ngày thứ sáu 19 tháng 5, hai giám chức cấp cao của Vatican đã đưa ra các tầm nhìn rất khác nhau về Thông điệp Sự sống Con người,
Humanae vitae, một văn bản quan trọng về luân lý của Giáo hội công giáo về tính dục. Một cuộc đối đầu về ý tưởng rất hiếm hoi ở nơi công cộng.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-05-19
Hồng y Luis Ladaria, bộ trưởng bộ Tín Lý tại Vatican đến dinh tông tòa gặp Đức Phanxicô ngày 11 tháng 5-2018. CNS / Paul Haring
Hồng y Tây Ban Nha Luis Ladaria đã khai mạc một đại hội quan trọng về Thông điệp Sự sống Con người ngày 19 tháng 5 năm 2023 tại Rôma.
Ở Vatican, hiếm khi xảy ra những cuộc đối đầu công khai. Và càng hiếm hơn với những chủ đề nhạy cảm như đạo đức tính dục. Tuy nhiên, đó là những gì chúng ta đã chứng kiến ngày thứ sáu 19 tháng 5, khi một đại hội quan trọng được khai mạc tại Rôma về thông điệp Humanae vitae, được cho là tái khẳng định vào bình minh của những năm 1970 việc Giáo hội từ chối biện pháp tránh thai nhân tạo.
Đại hội này, được Ủy ban Quốc tế về Đạo đức Sinh học Jérôme Lejeune, trong đó các nhà nghiên cứu của một số trường đại học công giáo tham dự trong hai ngày, đại hội được hồng y Luis Ladaria, bộ trưởng bộ Tín Lý khai mạc. Một bài phát biểu dài của hồng y Dòng Tên Tây Ban Nha bảo vệ tín điều tái khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ thông điệp của Đức Phaolô VI, mà theo ngài mang một “tầm nhìn tiên tri”. Ngài nhấn mạnh: “Sự thật được diễn tả trong Humanae vitae không thay đổi.”
Ngài lấy làm tiếc khi trích một đoạn trong thông điệp: “Có quá nhiều tiếng nói – được khuếch đại bằng các phương tiện tuyên truyền hiện đại – chống lại tiếng nói của Giáo hội.” Trong suốt bài phát biểu, hồng y Ladaria nhấn mạnh: “Thông điệp vẫn có giá trị vì đó là câu trả lời chính xác của Huấn quyền đối với các nền nhân học nhị nguyên, muốn công cụ hóa cơ thể và không phải là chủ nghĩa nhân văn mới, hậu hiện đại và thế tục, nhưng là một chủ nghĩa phản nhân loại thực sự.”
Theo hồng y, người đã từng chỉ trích “thuyết tương đối về luân lý” và “nhân học tránh thai”, việc phá vỡ mối liên hệ giữa tính dục và sinh sản, mà thông điệp được viết dựa trên đó, cuối cùng dẫn đến việc biến cơ thể đơn thuần thành “một vật thể có thể thao túng được”. Chính xác ngài nói, sự thao túng này được thúc đẩy bởi “chủ nghĩa siêu phàm”.
“Chủ nghĩa siêu phàm” và “hệ tư tưởng giới tính”
Hồng y thần học gia triển khai: “Trong chủ nghĩa siêu phàm, con người bị thu nhỏ vào tinh thần của nó, hay đúng hơn vào các kết nối thần kinh như một hỗ trợ cho điểm độc đáo của nó. Và từ đó, điểm độc đáo này giờ đây là bản chất của con người, không có cơ thể xác định nó và có thể được chuyển sang cơ thể người khác, cơ thể động vật, người máy hoặc đơn giản là một bộ nhớ”.
Tương tự như vậy, ngài khẳng định “hệ tư tưởng giới tính” cũng dựa trên nguyên tắc “tự do trái ngược với tự nhiên”. Ngài nói: “Hệ tư tưởng giới tính phủ nhận bản sắc của một người được liên kết với cơ thể sinh học của họ. Một người không được xác định bởi cơ thể (giới tính) của mình mà bởi định hướng của họ. Nó xóa bỏ mọi liên quan đến giới tính nhị phân để tuyên bố sự đa dạng về giới tính.”
Mọi quan hệ hôn nhân “không nhất thiết phải đơm hoa kết trái”
Nhưng vài giờ sau bài phát biểu kiên quyết bảo vệ thông điệp của Đức Phaolô VI, các phương tiện truyền thông chính thức của Vatican đã đăng cuộc phỏng vấn với tổng giám mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Giáo hoàng Học viện về Sự sống trình bày một cách giải thích khác hẳn về cùng một thông điệp.
Giám mục Paglia giải thích: “Việc công nhận mối liên hệ không thể tách rời giữa tình yêu vợ chồng và việc sinh sản trong Thông điệp Sự sống Con người, không có nghĩa bất kỳ mối quan hệ vợ chồng nào cũng nhất thiết phải sinh hoa kết trái”. Ngài nói tiếp: “Đức Phaolô VI nhận ra việc sinh sản phải là ‘có trách nhiệm’ và chỉ định các phương pháp tự nhiên là phương tiện để thực hiện trách nhiệm này”.
Bài phỏng vấn, được lưu hành bốn thứ tiếng, phát biểu trong dịp có hội thảo chuyên đề về thông điệp, nhưng theo thông tin của La Croix, ngài đã không được những người trong ban tổ chức mời tham dự.
“Trong những năm 1960, ‘viên thuốc’ dường như là cái ác tuyệt đối”
Trong khi hồng y Ladaria trình bày thông điệp như một văn bản không thay đổi, tổng giám mục Paglia lại đưa ra một tầm nhìn khác về nó: “Tôi cho rằng điều rất quan trọng là chúng ta tiếp tục suy tư và thảo luận về chủ đề này, như Đức Phanxicô đã chính xác nhắc lại về chủ đề các biện pháp tránh thai, khẳng định ‘nhiệm vụ của các thần học gia là nghiên cứu và suy tư thần học’”.
Giám mục Paglia giải thích: “Chúng ta đang phải đối diện với những thách thức của thời đại: vào những năm 1960, “viên thuốc” dường như là điều ác tuyệt đối. Ngày nay, chúng ta đang phải đối diện với những thách thức lớn hơn: cuộc sống của toàn thể nhân loại sẽ gặp nguy hiểm nếu chúng ta không chặn đứng vòng xoáy xung đột, vũ khí, nếu chúng ta không giảm sự hủy hoại môi trường.”
Tranh luận nội bộ gay gắt
Cuộc đối đầu này, thẳng thắn và bất ngờ, diễn ra trong bối cảnh các cuộc tranh luận căng thẳng trong Giáo hoàng Học viện về Sự sống. Gần đây, một số quan điểm đã lên tiếng phàn nàn nội bộ tổ chức này, một tổ chức được Đức Gioan-Phaolô II và giáo sư Jérôme Lejeune (1926-1995) người khám phá ra hội chứng Down, thành lập năm 1994.
Đây là trường hợp đáng chú ý, tháng 2 năm 2022 khi linh mục Dòng Tên Carlo Casalone, thành viên của Học viện, đánh giá tự tử được trợ giúp là “lợi ích chung lớn nhất có thể” so với trợ tử – một bài viết về quan điểm đăng trên tạp chí Văn minh Công giáo, một tạp chí Dòng Tên được Vatican xác nhận. Cũng vào đầu tháng 7, việc xuất bản một quyển sách ghi lại bước ngoặt của Vatican về phương pháp tiếp cận đạo đức, Đạo đức thần học của cuộc sống (Éthique théologique de la vie) lần đầu tiên tập hợp các văn bản đặt vấn đề về một số điểm của học thuyết luân lý, gây tiếng vang lớn ở Vatican.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch