“Để mừng 10 năm triều giáo hoàng của tôi, xin cho tôi hòa bình”

71

“Để mừng 10 năm triều giáo hoàng của tôi, xin cho tôi hòa bình”

Nhân kỷ niệm 10 năm ở ngai Thánh Phêrô, Đức Phanxicô nói với cơ quan truyền thông Vatican về những gì đã làm ngài thay đổi và một số khoảnh khắc đã đánh dấu ngài trong mười năm qua.

vaticannews.va, Salvatore Cernuzio, Xavier Sartre, Vatican, 2023-03-13

Khi nhắc đến ngày 13 tháng 3 năm 2013, ngài nói: “Chữ xuất hiện đầu tiên trong tâm trí tôi ‘chuyện này như mới xảy ra hôm qua’. Thời gian trôi nhanh. Và khi mình muốn giữ lại ngày hôm nay thì nó đã là ngày hôm qua. Và khi mình ở trong căng thẳng của ngày hôm nay thì nó đã là ngày hôm qua và không phải là ngày mai. Sống như thế, đó là điều mới. Khi tôi nghĩ lại mười năm qua, nó luôn là một căng thẳng, tôi đã sống trong căng thẳng.”

Một căng thẳng, theo như ngài nói, là có hàng ngàn buổi tiếp kiến chung, hàng trăm chuyến đi thăm các giáo phận và giáo xứ, 40 chuyến tông du vòng quanh thế giới. Đi Iraq, giáo hoàng đầu tiên đến vùng đất của Áp-ra-ham mà theo ngài là “rất đẹp”. Nhưng các cuộc gặp làm ngài xúc động nhất vẫn là cuộc gặp với những người lớn tuổi, tại Vatican ở Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài nhớ lại: “Người lớn tuổi là minh triết và họ giúp tôi rất rất nhiều. Tôi cũng già, đúng không? Nhưng người già giống như rượu ngon. Những cuộc gặp với người già làm tôi trẻ lại và đổi mới, tôi không hiểu tại sao. Đó là những khoảnh khắc đẹp, thực sự đẹp.”

Cái bóng thường trực của chiến tranh

Nhưng kỷ niệm buồn vẫn còn đó và tất cả đều liên quan đến chiến tranh. Ngài nói: “Tôi xin tổng hợp những chuỗi khoảnh khắc buồn liên hệ đến chiến tranh. Bắt đầu là ở Re di Puglia (nghĩa trang quân đội trong Thế chiến thứ nhất của Ý), sau đó là ở Anzio (địa điểm đổ bộ của quân Đồng minh năm 1944) trong thánh lễ ngày 2 tháng 11. Và rồi tôi cảm nhận điều này trong lễ kỷ niệm ngày đổ bộ ở Normandy. Tất cả các nguyên thủ quốc gia và chính phủ đến tưởng niệm, và tôi nghĩ trên những bãi biển này vẫn còn 20-30.000 ngàn người.”

Chiến tranh như một đường hướng trong 10 năm qua. Từ buổi canh thức cầu nguyện cho hòa bình tại Syria ngày 7 tháng 9 năm 2013 từ đầu triều, cho đến ngày dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ ngày 25 tháng 3 năm 2022, Đức Phanxicô không ngừng cầu nguyện và cổ động cho hòa bình. Theo ngài, tất cả những xung đột này trên khắp thế giới chỉ là các khía cạnh của một Thế chiến thứ ba duy nhất.

Đừng từ bỏ ước mơ

Ngài giải thích: “Khi đó tôi không nghĩ tôi là giáo hoàng của Thế chiến thứ ba này. Tôi nghĩ cuộc xung đột ở Syria là duy nhất nhưng sau đó đến Yemen, rồi thảm kịch Rohingya và tôi thấy đó là cuộc chiến tranh thế giới. Nhưng đằng sau các cuộc chiến tranh là ngành công nghiệp vũ khí, và điều đó thật ác quỷ. Một chuyên gia nói với tôi, nếu chúng ta ngừng sản xuất vũ khí trong một năm, thì thế giới sẽ không còn nạn đói.”

Những thảm kịch đa dạng này luôn để lại dấu vết. “Tôi đau lòng khi nhìn người chết, những người trẻ tuổi, dù họ là người Nga hay người Ukraine thì họ cũng đau khổ như nhau. Họ sẽ không trở về. Và thật cay nghiệt.” Nếu ngài mong nhận một món quà cho ngày kỷ niệm này, thì câu trả lời của ngài rõ ràng: “Hòa bình, chúng ta cần hòa bình”.

Lời thú nhận cuối cùng của ngài: ước mơ của ngài cho Giáo hội, cho thế giới và người cầm quyền, cho nhân loại, ngài tóm tắt trong ba chữ: tình huynh đệ, nước mắt và nụ cười: “Tình huynh đệ nhân loại, tất cả chúng ta là anh em của nhau, là tái tạo lại tình huynh đệ. Học để biết khóc, biết cười: khi một người biết khóc, biết cười, đó là người có đôi chân đặt trên mặt đất và ánh mắt hướng về chân trời tương lai. Nếu chúng ta quên khóc, thì có một cái gì đó không ổn trong tâm hồn. Và nếu chúng ta quên mỉm cười thì quá tệ.”

Sau đó Đức Phanxicô ban phép lành cho thính giả của Đài phát thanh Vatican.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Tổng giám mục anh giáo Justin Welby: Đức Phanxicô mở khóa cho những trái tim chai đá