Home Tin tức Tòa Thánh tiếp tục tiếp tục đào tạo nhân viên học tiếng...

Ký kết hợp tác khóa học tiếng Pháp | © Đại sứ quán Pháp tại Tòa thanh
cath.ch, I.Media, 2023-02-22
Trong một thông tin trên trang Twitter, tòa đại sứ Pháp cho biết ngày 20 tháng 2, tổng giám mục Edgar Peña Parra, Phụ tá Quốc vụ khanh đã đến tòa đại sứ Pháp tại Tòa thánh để gia hạn thỏa thuận cung cấp các khóa học tiếng Pháp cho những người có trách nhiệm và nhân viên Vatican. Đây là thỏa thuận thứ tư được ký kể từ thỏa thuận đầu được ký trong các niên khóa 2020-2021.
Tòa đại sứ Pháp cho biết, kể từ năm 2020, các khóa học do các giảng viên của Viện Pháp ngữ – Trung tâm Thánh Lu-i (IFCSL) tổ chức đã đón nhận hơn một trăm người. Ngoài nhân viên của Phủ Quốc vụ khanh, khóa học còn dành cho nhân viên của các bộ khác của Giáo triều Rôma, với tổng số 75 người đã ghi tên cho niên khóa 2022-2023.
Dưới thời Đức Phanxicô, ảnh hưởng của tiếng Pháp giảm dần ở Vatican. Không thoải mái với tiếng Pháp (dù ngài hiểu và đọc được), Đức Phanxicô là giáo hoàng không phải là người Âu châu từ hơn 12 thế kỷ nay, đã đưa guồng máy Giáo hội ra khỏi khuôn mẫu phương Tây. Ngoài việc dùng tiếng Ý là điều dĩ nhiên ở Rôma, việc dùng tiếng Tây Ban Nha nhiều hơn, ngôn ngữ mẹ đẻ của giáo hoàng Argentina, và tiếng Anh, ngôn ngữ phổ biến trong bối cảnh đa phương và Liên Hiệp Quốc đã làm cho tiếng Pháp bị mờ, dù đây là ngôn ngữ của ngoại giao.
Vì thế khóa học do tòa đại sứ Pháp điều hành là phương tiện phục hồi việc sử dụng tiếng Pháp, những sắc thái của ngôn ngữ này có thể hữu ích trong việc giải quyết một số vấn đề phức tạp mà Tòa thánh phải đối diện, đặc biệt là ở Trung Đông. Một nguồn tin ở Vatican cho biết, trong những năm gần đây, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy trỗi dậy ở một số quốc gia có ảnh hưởng lớn trong thế giới công giáo (Brazil, Philippines, Hoa Kỳ, Ý, v.v.), nước Pháp, dù có những hiểu lầm liên quan đến nguyên tắc của chủ nghĩa thế tục, lại xuất hiện như một đối tác ngoại giao có giá trị trong chính sách ngoại giao của giáo hoàng và là một yếu tố ổn định đáng tin cậy.
Sự phát triển của cộng đồng nói tiếng Pháp
Ngoài những đặc điểm cụ thể của triều giáo hoàng hiện tại, các xu hướng dài hạn giải thích cho một sự lu mờ nào đó với sự hiện diện của người Pháp trong Giáo triều. Với việc sụt giảm số lượng linh mục trong các giáo phận của Pháp, các giám mục hoặc bề trên dòng tu ngày càng khó tìm người đưa về Vatican. Việc tuyển dụng trong phạm vi tôn giáo những người không phải là giáo sĩ hay giáo dân đã được đào tạo cho những công việc tế nhị trong Giáo triều cũng là một thách thức khó đáp ứng.
Tuy nhiên, xu hướng này có thể uyển chuyển do sự gia tăng của nhân viên từ các quốc gia nói tiếng Pháp khác, đặc biệt là từ châu Phi. Ví dụ rõ ràng nhất được thấy ở Đài phát thanh Vatican tiếng Pháp, là một phần của Bộ Truyền thông và do đó thuộc Giáo triều Rôma, kể từ năm 2022, phần này đã có nhiều tiếng nói châu Phi gần bằng tiếng nói châu Âu.
Tiếng Pháp vẫn còn được nhiều sứ thần Tòa thánh và nhiều đại sứ dùng, kể cả những người ở các quốc gia xa khu vực nói tiếng Pháp như Mông Cổ hoặc El Salvador. Trong quá trình trao đổi lời chào truyền thống giữa giáo hoàng và các đại sứ, trưởng ngoại giao đoàn (hiện là sứ thần người Síp George Poulides) thường nói tiếng Pháp.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Thích điều này:
Thích Đang tải...